Lưỡng Quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và truyền thuyết tu sửa chùa Dâu
Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), tự là Tiết Phu, danh thần nhà Trần, quê ở Lũng Động, huyện Nam Sách (Hải Dương), từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi. Năm 1304, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh đời vua Trần Anh Tông. Mạc Đĩnh Chi đã cho tu sửa lại chùa Dâu, xây chùa 100 gian, tháp chín tầng và cầu chín nhịp.
Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), tự là Tiết Phu, danh thần nhà Trần, quê ở Lũng Động, huyện Nam Sách (Hải Dương), từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi. Năm 1304, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh đời vua Trần Anh Tông. Mạc Đĩnh Chi đã cho tu sửa lại chùa Dâu, xây chùa 100 gian, tháp chín tầng và cầu chín nhịp.
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), tự là Tiết Phu, danh thần nhà Trần, quê ở Lũng Động, huyện Nam Sách (Hải Dương), từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi. Năm 1304, ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh đời vua Trần Anh Tông. Truyền rằng bài thi của ông rất hay, các khảo quan xếp hạng nhất, dâng lên vua, nhưng khi vào ra mắt nhà vua, Trần Anh Tông thấy ông có tướng mạo xấu xí, có ý không muốn cho ông đỗ đầu.
Biết được ý vua, Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) dâng lên. Vua đọc xong, xúc động vì tài năng và đức độ trong sáng của ông đã quyết định cho ông đỗ Trạng nguyên, ban cờ biển vinh quy bái Tổ.
Sau khi trở về kinh đô, nhà vua cho vời Trạng vào bệ kiến, hỏi việc chính trị, Trạng nói đâu ra đấy, vua rất hài lòng, ban cho Trạng chức Hàn lâm học sĩ, sau thăng dần đến chức Thượng thư, rồi Đại liêu ban Tả bộc xạ (tương đương Tể tướng). Ông tuy là Trạng nguyên có dung mạo xấu xí nhất nhưng lại là Trạng nguyên có nhiều giai thoại ứng đối ngoại giao nhất.
Chùa Dâu – Bắc Ninh
Năm 1308, ông được nhà vua phong làm chánh sứ đi sang Nguyên để đáp lễ việc vua Nguyên Vũ Tông vừa mới lên ngôi, có mang theo nhiều lễ vật. Khi đến Nam Quan, viên quan trấn giữ người phương Bắc đã sai lính chốt chặt cánh cửa không cho đoàn sứ đi qua, lấy cớ đoàn đã sai hẹn.
Chánh sứ Mạc Đĩnh Chi đến trình bày là mưa gió nên không thể đến sớm, nhưng họ vẫn không nghe. Cuối cùng, viên quan này bèn đưa ra một vế đối, bảo đối được mới mở cửa:
Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan (Qua cửa quan muộn, cửa quan đóng, mời khách muộn qua cửa).
Mạc Đĩnh Chi lập tức đối lại:
Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối (Ra câu đối dễ, đáp câu đối khó, xin tiên sinh đối trước).
Vế đối khá hiểm, lấy ngay sự việc đang diễn ra mà lập ý, còn vế đối cũng thật tài tình lại dùng chính lời nói của người ra vế đối để đối lại. Không những thế, vế đối về thanh điệu cũng đối nhau thật chỉnh. Viên quan trấn giữ không thể bắt bẻ hạch sách thêm gì nữa, đành mở cửa ải.
Hành lang LA Hán – Ảnh: St
Trong thời gian đi sứ, Mạc Đĩnh Chi đã thể hiện hết tài năng cốt cách của mình, ông luôn được thử tài đối đáp với các đại thần nhà Nguyên, lần nào các đại thần cũng khâm phục. Thậm chí ngày vào chầu vua Nguyên, làm bài minh đề vào quạt để dâng, ông đã được vua Nguyên hết lời khen ngợi và viết bên lề bài minh bốn chữ: “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Gặp lúc công chúa nhà Nguyên mất, ông được mời đọc điếu văn và một lần nữa, lời điếu của ông đã được mọi người cảm phục.
Mạc Đĩnh Chi làm quan trải ba triều vua: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Khi làm quan, ông nổi tiếng trung thực và thanh liêm, hết lòng vì dân vì nước. Lúc về nghỉ hưu, ông sống thanh bạch, giản dị như người dân quê.
Truyền thuyết về Mạc Đĩnh Chi có rất nhiều và lan truyền rộng rãi trong dân gian.
Tháp Hòa Phong tại chùa Dâu – Ảnh: St
Chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh có kiến trúc độc đáo, một báu vật Phật giáo được sử sách ghi nhận do Mạc Đĩnh Chi đứng ra thiết kế và xây dựng. Câu chuyện về ý tưởng dựng chùa Dâu được dân gian lưu truyền như sau:
Khi Mạc Đĩnh Chi cùng đoàn sứ bộ đang rong ruổi ở xứ người thì ở nhà, bà vợ và người hầu gái của ông đều bị ốm chết. Khi về đến chợ Hoàn Dương, ông nghỉ đêm ở đó, nằm mơ thấy người hầu gái đến gặp vừa khóc vừa nói:
– Phu nhân đã mất, hiện đang bị giam giữ trong ngục tối của Diêm vương thật vô cùng khổ cực, xin ông đến đó cứu cho.
Mạc Đĩnh Chi hỏi:
– Ta đang sống, lại đang mặc quần áo thế này, làm sao xuống được dưới ấy?
– Không sao! Tôi mang sẵn quần áo cho ông rồi.
Mạc Đĩnh Chi nhận quần áo, vào phòng thay rồi rồi trở ra theo người hầu gái xuống âm phủ. Đến trước cửa ngục nơi vợ ông đang bị giam giữ, ông thấy một quỷ sứ ngồi canh vạc dầu lớn đang sôi sùng sục. Ông hỏi quỷ sứ:
– Thưa ngài, đun vạc dầu đó để làm gì ạ?
Quỷ sứ trả lời:
– À… Ta đang chờ người nữa đến để lôi mụ ở trong kia ra, cho vào đây đấy!
Mạc Đĩnh Chi hỏi lại:
– Dạ, nhưng mụ ấy mắc vào tội gì đấy ạ?
Quỷ sứ lại trả lời:
– Tội có từ ông nội của chồng mụ, đã dám đem tượng Phật đồng ra nấu chảy để đúc đồ gia dụng. Bây giờ mụ phải chịu thay.
Mạc Đĩnh Chi chột dạ, ngày còn bé, ông đã được chứng kiến ông nội của mình đã làm việc này. Vậy bây giờ phải tính sao đây? Nghĩ ngợi giây lát, ông đành thú thực với quỷ sứ:
– Dạ bẩm… Chẳng dám giấu ngài. Chính tôi là cháu nội của ông đã làm điều phạm thượng hồi trước. Bây giờ xin ngài thương tình gia ân, bảo phải làm cách gì để chuộc lại lỗi lầm ấy tôi cũng xin chịu. Giờ đây chỉ xin ngài tha thứ cho mụ vợ xấu số này của tôi.
Quỷ sứ ngồi suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng thủng thỉnh đáp:
– Luật quả báo sớm muộn gì thì cũng phải hoàn tất hết. Nếu nhà ngươi thành tâm, về dương thế dựng tháp chín tầng, cầu chín nhịp, chùa trăm gian và phải làm lễ cúng giàng mới cứu được.
Mạc Đĩnh Chi lạy tạ quỷ sứ lần nữa, rồi lựa gót lui ra, nhưng vừa đi được vài bước, bỗng nhiên tỉnh giấc. Ông ghi nhớ đinh ninh những lời mình đã hứa với quỷ sứ.
Sau khi trở về kinh đô để tấu trình các việc trong lần đi sứ với vua Trần, Mạc Đĩnh Chi liền xin phép được cho tu sửa lại và xây thêm chùa Dâu. Hình dung lại giấc mơ kỳ lạ, ông quyết tâm xây dựng trên trần gian một ngôi chùa có tháp như lời hứa. Nhờ đó một công trình kiến trúc do chính tay ông chỉ đạo ra đời.
Đó chính là chùa Dâu nổi tiếng với sự tích nàng Man Nương và tích Tứ Pháp. Chùa Dâu trước đây được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ III, nơi tiếp thu đạo Phật và trở thành trung tâm truyền giáo thời bấy giờ.
Nói thêm về chùa Dâu: Chùa Dâu còn gọi là “Diên Ứng tự“, còn gọi là chùa Pháp Vân. Chùa ở thôn Khương Tự (còn gọi là làng Dâu), xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Như đã nói, chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ III, ở vị trí là giao điểm những con đường lớn, nơi tiếp thu đạo Phật và trở thành trung tâm Phật giáo lúc đó.
Theo “Cổ Châu Vân Phật thương thân sự tích, Man Nương truyện”, vào thời Sĩ Vương ở làng Mân Xá có cô gái là Man Nương nhà nghèo, mộ phật đến tu ở chùa Linh Quang (hay chùa Phúc Nghiêm), rồi Man Nương có thai, sinh ra một người con gái (hay một cái bọc), Man Nương bèn đem bỏ vào một gốc cây đa ở trong rừng.
Ít lâu sau bão nổi, cây đổ trôi về thành Liên Lâu. Sĩ Vương cho người kéo lên nhưng không được. Man Nương nhận ra cây mình đã bỏ con, bèn lấy dây buộc kéo lên được. Lúc xẻ cây ra người ta thấy có danh hiệu Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, bèn cho tạc bốn pho tượng để thờ:
Tượng Pháp Vân ở chùa Thiên Định (Dâu).
Tượng Pháp Vũ ở chùa Thành Đạo (Đậu).
Tượng Pháp Lôi ở chùa Phi Tương.
Tượng Pháp Điện ở chùa Trí Quả.
Năm 580 Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) đã từng truyền đạo ở chùa Dâu.
Về sau, Mạc Đĩnh Chi đã cho tu sửa lại chùa Dâu, xây chùa 100 gian, tháp chín tầng và cầu chín nhịp. Chùa Dâu làm theo kiểu nội công, ngoại công, vừa đủ trăm gian, tháp chín tầng (nay chỉ còn ba tầng), cầu chín nhịp (nay không còn nữa, được thay bằng một chiếc cầu xi măng bắc qua một con sông nhỏ). Đó là đặc trưng kiến trúc thời Trần, vừa chắc chắn, đồ sộ nhưng không kém phần thanh thoát.
Để tưởng nhớ người đã có công sáng tạo và xây dựng nên kiểu dáng chùa như ngày nay, dân gian đã tạc tượng Mạc Đĩnh Chi để thờ. Pho tượng đó được đặt ở gian Thiêu hương, sát với gian Thượng điện.
Tác giả: Đặng Việt Thủy
Địa chỉ: Nhà 35, hẻm 120/4/3, ngõ 120, đường Hoàng Hoa Thám, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.