Lương tối thiểu vùng có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay. Dự kiến cuối tháng 11, Hội đồng khởi động lại thương lượng tăng lương tối thiểu vùng, nên có thể không kịp điều chỉnh vào ngày 1/1/2024.
Đây là thông tin được ông Tống Văn Lai - Vụ phó Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết tại buổi họp báo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức, chiều 17/10, tại Hà Nội.
Ông Lai cho biết, quý IV, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới họp bàn phương án, sau đó khuyến nghị Chính phủ thì chắc chắn không kịp điều chỉnh lương tối thiểu vào đầu năm 2024. Trong 10 năm qua, lương tối thiểu vùng thường điều chỉnh vào ngày 1/1, riêng năm 2022 vào ngày 1/7.
Theo thông lệ, mỗi kỳ họp hội đồng diễn ra 2-3 phiên, phương án và thời điểm tăng lương thường chốt vào phiên họp thứ ba, nhanh nhất vào phiên thứ hai khi các bên tìm được tiếng nói chung.
Tại phiên họp đầu tiên vào đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất hoãn thương lượng tăng lương tối thiểu đến cuối năm nay mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng. Nguyên nhân là kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ, lạm phát tăng 4,74%.
Theo ông Lai, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I. Song Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tìm kiếm đơn hàng, giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương.
Tại buổi họp báo, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc. Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Ước năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,76%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 26,8%. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%.
Thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.
Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 760.000 người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27%, giảm 118.200 người so với cùng kỳ năm trước.
1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thống kê kết quả công tác lao động 9 tháng năm 2023, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,07 triệu người, giảm 13.700 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.