Lưu giữ giá trị Lễ rửa làng của dân tộc Lô Lô

BHG - Người Lô Lô là 1 trong 14 dân tộc có dân số dưới 10.000 người ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu tại vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Dân tộc Lô Lô có bề dày về lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa dân gian độc đáo. Người Lô Lô ở Hà Giang có hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Đồng bào Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, còn nhóm Lô Lô Hoa sống tại các xã của huyện Mèo Vạc và một số xã của huyện Đồng Văn.

Văn hóa của dân tộc Lô Lô phong phú cả về đời sống vật chất và tinh thần, với phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ cúng tâm linh đặc sắc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách nhằm duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người. Một trong những chính sách đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng bào Lô Lô vui hội trong lễ rửa làng với các điệu múa truyền thống.

Đồng bào Lô Lô vui hội trong lễ rửa làng với các điệu múa truyền thống.

Năm 2024, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND xã Lũng Cú tiến hành nghiên cứu, hỗ trợ dân tộc Lô Lô tại thôn Lô Lô Chải phục hồi, bảo tồn và phát huy Lễ rửa làng theo các nghi thức truyền thống. Lễ rửa làng của người Lô Lô Đen diễn ra vào dịp đầu năm, trong Tết Thanh minh tháng 3 âm lịch, với ý nghĩa mời tổ tiên của 7 dòng họ về thụ hưởng lễ vật, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đạo bình yên. Lễ rửa làng bắt nguồn từ sự tích một năm đều có cái may và cái rủi. Vậy nên, họ phải tiến hành rửa làng cho sạch sẽ, cùng đón những điều may mắn với người dân thôn bản. Tuy nhiên, lễ rửa làng đã bị mai một từ năm 1978 và ít được thực hành từ đó đến nay. Do đó, nhiều nghi thức của lễ hội đã bị lãng quên.

Với mục tiêu giúp bà con Lô Lô, thôn Lô Lô Chải phục dựng, bảo tồn và phát huy Lễ rửa làng theo đúng truyền thống, thời gian vừa qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghi lễ rửa làng (Lổng Dzìn) cho người Lô Lô, nhằm giúp cho bà con Lô Lô nâng cao hiểu biết, nhận thức và có ý thức duy trì, thực hành bảo vệ di sản văn hóa lễ hội truyền thống của dân tộc mình.

Tiến sĩ Vũ Diệu Trung, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết: Trung tâm đã cử đoàn cán bộ nghiên cứu xuống cơ sở nằm vùng nghiên cứu, nắm bắt tình hình, cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con, tổ chức công tác truyền dạy những nghi thức diễn xướng, thực hành nghi lễ rửa làng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các nghi thức, nghi lễ dân gian truyền thống của dân tộc Lô Lô bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thảo khoa học, tăng cường hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, sinh hoạt cộng đồng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức giá trị của nghi lễ truyền thống trong dân tộc Lô Lô. Khuyến khích người dân duy trì phong tục độc đáo của dân tộc trong các nghi lễ cưới hỏi, trong đó có lễ rửa làng…

Với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và mọi nhà bình an, may mắn trong năm, nghi lễ rửa làng là một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Lô Lô cần được bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau tiếp tục được phát huy trong cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là dịp để thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú giới thiệu, quảng bá về các nét văn hóa đặc sắc của người Lô Lô, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Bài, ảnh: Ng. Lượng - Ng. Hạnh (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202408/luu-giu-gia-tri-le-rua-lang-cua-dan-toc-lo-lo-f08438b/