Lưu giữ miền ký ức

Bạn thân mến!

Mấy ngày qua, phố phường thuộc Phan Thiết cũ, nắng vẫn tươi vàng, biển vẫn xanh, cát vẫn dịu êm, xe cộ vẫn nhộn nhịp, thế mà cách 56 hải lý ngoài kia, Phú Quý bỗng nổi gió lớn khiến 5 chuyến tàu ra đặc khu lừng khừng không thể rời bến. Tôi không biết làm gì hơn, chỉ muốn nói rằng bạn cứ ở nơi đó để chứng kiến những thời khắc ban đầu bộn bề của sáp nhập, để cảm nhận thêm về thế thái nhân tình, lòng người nóng lạnh cũng hay. Rồi sau đó, trời yên bể lặng hãy đi.

Nơi tôi ở, từ khi thông tin sáp nhập tỉnh loan ra với tốc độ rất nhanh tương tự như địa thế của 3 nơi mà ngay tên gọi đã hình dung như dòng nước từ cao nguyên xuống đồng bằng rồi xuôi ra biển, người dân đã tìm về với nhau. Dịp lễ 30/4 rồi, trên chuyến tàu ra đảo Phú Quý, tôi bắt gặp 4 người phụ nữ tuổi ngoài tứ tuần với cách ăn mặc, cách nói chuyện biết là cán bộ hưu trí, bảo ở Đắk Nông lần đầu tiên đến Phan Thiết thăm. Đường đi quá xa, vòng vèo mất cũng 8-9 tiếng đồng hồ nhưng nghe nói sắp chung tỉnh rồi nên lúc còn sức khỏe, mấy chị em phải đi cho biết...

Bạn thân mến!

Tinh thần đó không biết xuất phát từ lúc nào nhưng đã lan tỏa đến giờ qua những chuyến tham quan, viếng thăm tại các điểm, khu du lịch, di tích lịch sử… mà rõ nhất là tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận. Không có thống kê cụ thể nhưng theo các bạn thuyết minh tại di tích lịch sử này, 2 tháng qua, các đoàn đến từ các đơn vị, trường học ở Lâm Đồng, Đắk Nông bỗng nhiều lên rõ. Không chỉ cán bộ, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh mà các em sinh viên, học sinh theo từng đoàn đến dâng hương Bác, tham quan di tích Dục Thanh, nghe hành trình Bác dừng chân tại Phan Thiết dạy học trong thời gian ngắn trước khi vào Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Thế nên, đã góp thêm dòng người vào Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm nay lên gần 63.000 lượt khách, cao hơn cùng thời điểm năm ngoái. Tương tự, tại Bảo tàng tỉnh cũng thế, đón 64.707 lượt khách đến tham quan, trong đó có 6.696 khách quốc tế. Còn Ban Quản lý Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận đón 14.760 lượt khách, đạt 86% kế hoạch năm.

Tín hiệu đó bỗng nhiên như nhắc nhớ, lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh Bình Thuận cho biết sắp tới sẽ có công văn gửi đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, tập trung vùng Lâm Đồng, Đắk Nông cũ. Nội dung thông tin về di tích lịch sử đặc biệt này, nhấn mạnh du lịch về nguồn, bản sắc văn hóa dân tộc cũng như sẵn sàng đón tiếp những người con ở xa trong tỉnh về thăm.

Bạn thân mến!

Giờ này, các đơn vị giữ hồn của di tích lịch sử, của bản sắc dân tộc ở Lâm Đồng, Đắk Nông cũ chắc cũng có động thái tương tự, vì người dân nói chung hay các em học sinh, sinh viên nói riêng ở Bình Thuận cũ cũng ở trạng thái háo hức muốn tìm hiểu, khám phá, về nguồn những nơi vốn đã thuộc về. Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến cảm xúc của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo về những định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới trong giai đoạn 2026 -2030 và những năm tiếp theo tổ chức vào đầu tháng 6 rồi. Đó là cảm xúc của phát hiện bất ngờ tạo ra vỡ òa, xuýt xoa theo kiểu sáp nhập 3 tỉnh đã tạo ra những thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được. Như trong du lịch, các chuyên gia đã xới lên bao nhiêu tour du lịch xoay quanh kết hợp biển – rừng, cao nguyên – đồng bằng, bản sắc văn hóa miền biển, miền núi, hải đảo… Đồng thời nhấn mạnh ở mỗi nơi phải lưu giữ và làm sắc nét hơn đặc trưng nơi đó, để khi kết hợp lại sẽ tạo ra sự đặc sắc còn hơn cả làm mới trong kinh doanh, nhất là với du lịch. Và đó là điều khác biệt để tôi còn gợi lên trong bạn sự háo hức của khám phá trong thời gian tới, khi nơi bạn bây giờ cũng đã có biển. Bạn có thấy vậy không?

Bích Nghị

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/luu-giu-mien-ky-uc-381516.html