Lưu giữ nét đẹp văn hóa nhà sàn của dân tộc Cao Lan

Quang Yên là xã miền núi nằm ở phía Tây Bắc của huyện Sông Lô, nơi đây có đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo, đa dạng, trong đó có kiến trúc nhà sàn. Tuy nhiên, nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan đang dần bị mai một do tác động từ quá trình đô thị hóa. Thực trạng này đòi hỏi các cấp, các ngành cần có cơ chế bảo tồn để lưu giữ nét đẹp văn hóa này.

Ngôi nhà sàn là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình ông Hoàng Giang Lâm ở thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Ảnh: Kim Ly

Ngôi nhà sàn là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của gia đình ông Hoàng Giang Lâm ở thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Ảnh: Kim Ly

Trên địa bàn xã Quang Yên hiện có khoảng 400 hộ dân tộc Cao Lan sinh sống với 1.986 khẩu. Trước đây, người dân tộc Cao Lan đều ở nhà sàn, nhưng hiện nay, hầu hết các gia đình đã chuyển sang ở nhà xây, cả bản chỉ còn một vài hộ ở nhà sàn.

Ngôi nhà sàn hiện còn nguyên bản nhất là nhà sàn được làm từ gỗ xoan của nghệ nhân ưu tú Hoàng Giang Lâm ở thôn Xóm Mới. Ông Lâm cho biết: "Ngôi nhà sàn này thực chất chỉ là căn bếp. Năm 1990, gia đình ông Lâm xây dựng 2 nhà sàn, một làm nhà chính và một làm bếp, song, đến năm 2007, căn nhà chính được dỡ bỏ và xây mới bằng gạch, chỉ còn lại căn bếp này".

Dù đã được xây dựng cách đây hơn 30 năm, nhưng căn bếp theo kiến trúc nhà sàn này vẫn còn kiên cố. Hầu hết mọi sinh hoạt của gia đình ông Lâm chủ yếu diễn ra ở ngôi nhà sàn này.

Ngôi nhà sàn nằm ẩn khuất, thấp thoáng sau những tán lá xanh tươi tạo nên một vẻ đẹp mộc mạc, trữ tình. Nhà có 3 gian, để vào được nhà phải bước lên những bậc cầu thang gỗ.

Bên trong nhà sàn có bếp lửa ở gian giữa thường được ông Lâm nấu nước, pha trà mỗi khi có khách tới chơi; ngoài ra nơi này còn có khung cửa sổ nhìn ra khu vườn với nhiều hoa thơm, trái ngọt, ong bướm dập dìu bay lượn. Tất cả tạo nên một khung cảnh rất đỗi thơ mộng, bình yên.

Mặc dù trẻ tuổi, song, anh Trần Văn Thọ ở thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô lại lựa chọn ở nhà sàn truyền thống thay vì xây nhà bằng gạch, xi măng. Ảnh: Kim Ly

Mặc dù trẻ tuổi, song, anh Trần Văn Thọ ở thôn Đồng Dong, xã Quang Yên, huyện Sông Lô lại lựa chọn ở nhà sàn truyền thống thay vì xây nhà bằng gạch, xi măng. Ảnh: Kim Ly

Theo lời kể của ông Lâm, trước đây, hầu như các gia đình dân tộc Cao Lan đều dựng nhà sàn, vừa để phòng thú dữ, vừa để chống thiên tai. Để có vật liệu làm nhà, những người đàn ông trong bản phải lên rừng lựa chọn từng cây gỗ quý, chắc chắn nhất đem về tích trữ ở vườn nhà. Ngoài ra, mỗi gia đình đều trồng 1 - 2 đồi cọ để lấy lá cọ lợp mái nhà.

Qua vài năm, khi đã tích trữ đủ lượng gỗ và lá cọ cần thiết, các gia đình sẽ tiến hành dựng nhà. Thời đó, hễ trong bản có hộ nào làm nhà, các gia đình khác biết tiếng sẽ rủ nhau đến, mỗi người một việc giúp đỡ gia chủ. Chủ nhà chỉ việc nấu mải mời bà con chứ không cần bỏ tiền ra thuê thợ làm nhà như bây giờ. Ngôi nhà sàn rộng 100 m2 của ông Lâm được dựng lên chỉ trong 1 tuần lễ với sự giúp sức của khoảng 70 người dân trong bản.

Ông Lâm cho biết: “Do được làm từ những vật liệu tự nhiên, những căn nhà sàn ấm áp vào mùa Đông và mát mẻ vào mùa Hè. Chưa kể, sức chứa của nhà sàn có thể lên đến vài trăm người, mỗi khi nhà có cỗ rất tiện bày biện, mời khách.

Trước đây, nhà sàn được người dân làm kiên cố với những chiếc cột nhà to một người ôm không xuể. Gỗ chặt trên rừng đem về không cần ngâm cũng không bị mối mọt theo thời gian. Cứ khoảng chục năm, các gia đình lại lợp lại mái nhà bằng lá cọ để khỏi bị dột khi trời mưa”.

Mặc dù trẻ tuổi, song, anh Trần Văn Thọ ở thôn Đồng Dong rất đam mê tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình. Anh sưu tầm rất nhiều món đồ cổ của dân tộc Cao Lan ở các địa phương trong và ngoài tỉnh về trưng bày tại nhà. Thay vì xây nhà bằng gạch, xi măng như các gia đình khác, năm 2015, vợ chồng anh dựng nhà theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Cao Lan.

Anh Thọ chia sẻ: "Làm nhà sàn rất kỳ công, tôi phải lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm mua những loại gỗ tốt và tích trữ trong nhiều năm. Tuy nhiên, đến khi dựng nhà vẫn không đủ vật liệu, tôi đành phải làm cột bê tông thay cho cột gỗ và lợp mái nhà bằng ngói thay vì lợp bằng lá cọ. Chi phí làm nhà sàn khá tốn kém, bởi vật liệu bằng gỗ đắt, chưa kể tiền công thuê thợ làm nhà rất cao. Nhưng bù lại, tôi đã có được ngôi nhà ưng ý".

Gia đình ông Hoàng Giang Lâm, anh Trần Văn Thọ là số ít các gia đình hiện còn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Cao Lan. Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên Vi Đình Quang cho biết: "Nhà sàn là một trong những nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Cao Lan nói riêng, nhưng hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Hầu hết các hộ dân đều dỡ bỏ những ngôi nhà sàn truyền thống để xây nhà mới bằng gạch.

Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của các hộ dân tộc Cao Lan về việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có nhà sàn.

Hy vọng, thời gian tới, Nhà nước có cơ chế, chính sách để bảo tồn những công trình nhà sàn của dân tộc Cao Lan, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đến mai sau.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77857/luu-giu-net-dep-van-hoa-nha-san-cua-dan-toc-cao-lan.html