Lưu giữ nét văn hóa truyền thống Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, diễn ra ngày 5/5 âm lịch hàng năm, không chỉ đơn thuần là ngày lễ truyền thống, mà còn là dịp quan trọng để phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng, cầu mong mùa màng bội thu. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Đoan Ngọ vẫn được lưu giữ, trân trọng và tiếp nối qua nhiều thế hệ.

Theo phong tục cổ truyền, Tết Đoan Ngọ diễn ra vào giờ Ngọ, từ 11-13 giờ ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. Trong dân gian lưu truyền lại rằng, đây là thời điểm sâu bọ sinh sôi mạnh mẽ, gây hại mùa màng. Vì vậy, Tết Đoan Ngọ là dịp để bà con cầu mong mưa thuận gió hòa, sâu bọ không phá hại mùa màng; mọi người cùng nhau thưởng thức các loại trái cây, rượu nếp như một cách để diệt trừ sâu hại, xua đuổi bệnh tật. Thông qua đó, người Việt gửi gắm ước vọng về một cuộc sống no đủ.

Người dân Thành phố mua trái cây về dâng lễ ngày Tết Đoan Ngọ

Người dân Thành phố mua trái cây về dâng lễ ngày Tết Đoan Ngọ

Với những quan niệm đó, mâm lễ Tết Đoan Ngọ thường không thể thiếu những món ăn đặc trưng như: Cơm rượu nếp, bánh tro mật mía, bánh cốm... cùng các loại trái cây theo mùa. Bà con thường dùng trái cây có tính chua, được cho là có khả năng tiêu diệt các loại ký sinh trùng. Rượu nếp cẩm cũng có tính nóng, giúp làm ấm bụng và tiêu diệt sâu bọ.

Trong ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tấp nập mua sắm tại các chợ truyền thống hay trên mạng xã hội, tìm kiếm những sản phẩm đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ.

Lễ dâng hương ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây theo mùa, rượu nếp cẩm, xôi, bánh giò và hoa sen.

Lễ dâng hương ngày Tết Đoan Ngọ gồm các loại trái cây theo mùa, rượu nếp cẩm, xôi, bánh giò và hoa sen.

Chị Trần Thị Huyền, phường Quyết Thắng, Thành phố, chia sẻ: Thành thông lệ, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, gia đình tôi lại chuẩn bị mâm cúng với các loại quả mận, vải, xoài, cùng với bánh tro mật mía, bánh cốm, xu xê và cơm rượu nếp để dâng lên tổ tiên vào đúng giờ Ngọ. Sau khi hoàn thành nghi lễ, cả nhà lại quây quần bên nhau, cùng thưởng thức trái cây và bánh, vừa lưu giữ phong tục, vừa là dịp để gia đình sum họp.

Hộ kinh doanh tại chợ Rặng Tếch bán rượu nếp cẩm vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Hộ kinh doanh tại chợ Rặng Tếch bán rượu nếp cẩm vào ngày Tết Đoan Ngọ.

Nắm bắt nhu cầu khách hàng, từ đầu tháng 6, các dịch vụ đặt làm mâm lễ, set đồ cúng Tết Đoan Ngọ được quảng bá đa dạng trên mạng xã hội với những lời mời chào hấp dẫn.

Năm nay, Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 10/6 dương lịch, đầu tuần làm việc, nên nhiều gia đình đã lựa chọn đặt trước các dịch vụ như hoa tươi, bánh tro, rượu nếp cẩm, nếp cái hoa vàng... Các dịch vụ, cung cấp đa dạng lựa chọn về thực đơn, mức giá, phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính từng khách hàng. Thông thường, giá của một mâm cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ dao động từ 150.000 - 300.000 đồng.

Mâm lễ hoa quả Tết Đoan Ngọ được các hộ kinh doanh, tiểu thương đăng trên mạng xã hội rất đẹp mắt.

Mâm lễ hoa quả Tết Đoan Ngọ được các hộ kinh doanh, tiểu thương đăng trên mạng xã hội rất đẹp mắt.

Chị Lê Kiều Trang, chủ cửa hàng Cháo xưa 1986 tại bản Cọ, phường Chiềng An, cho biết: Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, năm nay, phục vụ Tết Đoan Ngọ, chúng tôi cung cấp cả mâm cúng đầy đủ gồm hoa quả tươi, xôi vò sen dừa, rượu cẩm, bánh giò mật và hoa sen. Đồng thời, bán lẻ cơm rượu nếp, xôi, khách hàng chỉ cần đặt hàng, để lại thông tin liên lạc, chúng tôi sẽ giao hàng tận nơi đúng thời gian yêu cầu.

Sắp lễ hoa, quả dâng hương gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ.

Sắp lễ hoa, quả dâng hương gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ.

Chị Trần Quỳnh Anh, phường Chiềng Lề, Thành phố, nói: Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ truyền thống, nhưng do công việc bận rộn đầu tuần nên tôi đặt một mâm cúng sẵn, có đầy đủ những món ăn truyền thống, hương hoa và trái cây tươi ngon để dâng lên tổ tiên.

Mâm lễ dâng hương gia tiên được các gia đình bài trí đẹp mắt.

Mâm lễ dâng hương gia tiên được các gia đình bài trí đẹp mắt.

Nhiều năm nay, gia đình chị Ngô Thị Khánh An, phường Quyết Tâm vẫn giữ gìn truyền thống không bẻ cành, hái quả trong ngày Tết Đoan Ngọ. Chị An chia sẻ: Chúng tôi luôn ý thức không hái quả, bẻ cành để thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Không chỉ duy trì việc thực hiện các nghi lễ truyền thống, hàng năm, tôi còn kể cho con cháu nghe về ý nghĩa của ngày Tết này, để chúng hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp truyền thống mà ông cha ta đã truyền dạy.

Các gia đình dâng hương gia tiên vào đúng giờ Ngọ (11-13 giờ) ngày 5/5 âm lịch.

Các gia đình dâng hương gia tiên vào đúng giờ Ngọ (11-13 giờ) ngày 5/5 âm lịch.

Tết Đoan Ngọ là ngày lễ truyền thống tốt đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt. Bằng việc trân trọng, tiếp nối những phong tục, tập quán ý nghĩa, mỗi người dân đất Việt đang góp phần gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc sắc, để ngày Tết Đoan Ngọ mãi mãi được lưu truyền.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/luu-giu-net-van-hoa-truyen-thong-tet-doan-ngo-HsWc6iUSR.html