Lưu giữ sắc phong của làng chài

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng là người dành nhiều năm đến các dòng tộc, nhà thờ họ trên tuyến biển, đảo tỉnh Quảng Ngãi để tìm lại các sắc phong và nghiên cứu cách bảo tồn các sắc phong, văn bản Hán Nôm đã xuống cấp. Có nhiều văn bản mà ông dịch và giải nghĩa có nguồn gốc từ vùng biên hải Lý Sơn, Hoàng Sa…

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (bên trái) đi sưu tầm và dịch văn bản Hán Nôm. Ảnh: Văn Chương

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (bên trái) đi sưu tầm và dịch văn bản Hán Nôm. Ảnh: Văn Chương

Nhắc đến sắc phong, văn bản Hán Nôm, Tiến sĩ Vũ nuối tiếc về những sắc phong nhanh chóng xuống cấp, bị ố màu theo thời gian, nhất là các lăng nằm dọc miền biển. Ông Vũ chỉ ra những sắc phong ở vạn chài Nước Ngọt, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một điển hình, chỉ sau vài năm không bảo quản kỹ, những tờ sắc phong mới lập tức phai màu. 6 sắc phong mà bà con ở vạn chài lưu giữ trải qua 5 đời vua, từ Minh Mạng tới Khải Định. Bà con còn lưu truyền chuyện vua dừng chân tại vạn chài và chỉ ra nơi đào giếng nên từ đó có tên là vạn chài Nước Ngọt.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ từng tham gia đề tài “Sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm ở tỉnh Quảng Ngãi” từ năm 2017. Nhóm nghiên cứu đã dịch 3.000 trang văn bản Hán Nôm. Chữ Hán Nôm được ghi chép trên các hoành phi, liễn đối, sắc phong, chế phong, cáo thị, bằng cấp, đơn từ, văn bia, hương ước, khế ước...

Trước năm 1945, nhiều văn bản liên quan tới việc mua bán, sang nhượng đất đai tại Quảng Ngãi vẫn sử dụng chữ Hán Nôm, trong đó, có những văn bản quan trọng có liên quan tới việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa; các hoạt động giao thương trên biển.

Trong một tài liệu Hán Nôm ở đảo Lý Sơn, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ dịch nội dung về việc, vào tháng 8 năm Tân Dậu 1825, các quan chức ở phường An Hải, thuộc đảo Lý Sơn ngày nay có đơn xin vào đội biệt nạp phụng du (dầu phụng). Đây là hình thức đóng thuế hằng năm cho triều đình bằng sản vật. Những từ được ông Vũ dịch nghĩa để người đọc hiểu, như: Từ “biệt nạp” là người đóng thuế bằng sản vật. Vì từ năm 1801, sau khi tái chiếm Thuận Hóa, vua Gia Long ra lệnh thu thuế điền tô, các đội biệt nạp mỗi người nộp 2 tấm vải trắng; hạng lão, hạng cùng và hạng vị cấp (người chưa tới tuổi hoặc quá tuổi) thì mỗi người nộp 1 tấm vải.

Câu chuyện được Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ giải nghĩa, nhưng ở một khía cạnh khác đã phản ánh về hoạt động hàng hải trên biển vào thời bấy giờ. Người dân ở Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn hằng năm sử dụng thuyền câu, thuyền bầu để chở sản vật đi dọc theo bờ biển, ra kinh thành Huế. Vấn đề này được nhắc đến trong nhiều tư liệu Hán Nôm.

Trong văn bản Hán Nôm viết năm 1856 được dịch nghĩa, vị quan địa phương bày tỏ về việc đường biển xa xôi và cầu xin: “Ngu phường dân ở ngoài biển, xa cách bản trấn, đường biển sóng gió tàn hại rất đỗi gian nan, nên cúi đường xin bản trấn xét thương, lấy việc ngu phường dân sống ở hải đảo... duyên dân phường nguyên hữu thần sắc tam đạo, tòng lai vô nhân giám thủ phụng tư...”. Văn bản trên được dịch nghĩa là lý trưởng phường Lý Sơn An Hải, tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa, là bọn Phạm Văn Bá, Dương Văn Cẩm xin phê chuẩn. Phường có 3 đạo sắc thần, nhưng từ trước đến nay không có người trông coi, thờ phụng. Nay chọn được người trong phường là ông Nguyễn Quang Lộc, 69 tuổi, vốn người chất phác, trung thực, đáng tin, nên cả phường ưng thuận và lấy ông làm Hương trưởng để trông coi.

Sắc phong được lưu giữ tại vạn chài Nước Ngọt và chỉ mở ra vào dịp cuối năm. Ảnh: Văn Chương

Sắc phong được lưu giữ tại vạn chài Nước Ngọt và chỉ mở ra vào dịp cuối năm. Ảnh: Văn Chương

Văn bản Hán Nôm trên có giá trị ở việc gợi mở về câu chuyện chính quyền địa phương, cùng người dân nơi hải đảo hết lòng thực hiện đúng theo ý chỉ của cấp trên. Các văn bản chỉ đạo của chính quyền trung ương dù ra tới nơi biên hải xa xôi, nhưng vẫn được người dân và bộ máy chính quyền nhất nhất tuân thủ, thậm chí tôn thờ. Không rõ nội dung 3 đạo sắc thần trên đề cập về vấn đề gì? Trong quá khứ, Lý Sơn có thể còn lưu giữ nhiều sắc thần.

Sắc thần của vua ban được người dân xem là bảo vật nên phải giao cho người có uy tín trông coi. Cứ đến ngày tế lễ, thường là tháng Giêng âm lịch, bà con tham gia vào lễ rước sắc từ nơi cất giữ về đình làng gọi là thỉnh sắc. Lễ tế tại đình thường tổ chức 3 ngày, sau đó, mới làm lễ hồi sắc. Các sắc thần thường được in trên tấm vải lụa vàng có khổ 6x12 phân. Hoa văn chìm trong sắc thần là hình rồng, biểu tượng thiên tử. Khởi đầu bài sắc luôn là chữ Sắc, có nghĩa là chỉ dụ của Hoàng đế, mệnh lệnh, chiếu thư. Cuối sắc thần luôn có chữ khâm sai, sau đó là niên hiệu, thời gian phong sắc.

Trên đảo Lý Sơn chắc từng có những sắc thần đề cập tới Đội hùng binh Hoàng Sa mà giờ đây đã thất lạc. Sử sách còn ghi lại chuyện năm 1815, vua sai bọn Phạm Quang Ảnh cùng binh lính ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, dựng bia, cắm mốc, thu lượm hải vật. Phạm Quang Ảnh đi nhiều chuyến, tháng 2 ra đi, tháng 8 quay về. Trong một chuyến ra đi, ông mất tích trên biển. Vua Gia Long đã ra đảo Lý Sơn làm lễ chiêu hồn, sau đó ban sắc phong Thượng đẳng thần.

Từ câu chuyện trên có thể hình dung được, người dân Lý Sơn từng rước sắc thần của Phạm Quang Ảnh vào dịp đầu năm để tỏ lòng tôn kính người lính từng thực hiện “quân vụ biên phòng” ở đảo Cát Vàng xa xôi.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luu-giu-sac-phong-cua-lang-chai-post449524.html