Lưu truyền giá trị văn hóa Ca Dong
Nghĩ đến tương lai khi thế hệ mình mất đi, những bài học văn hóa tộc người có nguy cơ mai một, vợ chồng ông Hồ Văn Minh (SN 1955), bà Hồ Thị Hà (SN 1959), trú tại thôn Trà Va, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cần mẫn truyền lại những kinh nghiệm, bài học cho con cháu trong làng. Vùng cao Hiệp Đức bây giờ không còn nỗi lo thất truyền tiếng chiêng, điệu múa.
Ở Trà Va hiện nay, từ ba thôn cũ tập trung lại thành một thôn; ông Minh và bà Hà đóng vai trò là người kết nối, giảng dạy những điệu múa, bài đánh chiêng truyền thống của đồng bào Ca Dong. “Tùy từng thời điểm mà chúng tôi tập trung các cháu thành nhóm. Trung bình với số lượng 20 thanh, thiếu niên sẽ tạo thành một nhóm. Học múa do tôi chỉ dẫn, còn đánh chiêng thì do chồng tôi dạy cho các cháu”, bà Hà cho biết.
Từ năm 15 tuổi, ông Minh đã đi theo người lớn trong từng lễ hội cúng ma lúa của làng. Ông học theo các động tác đánh trống, chiêng trong sự háo hức tuổi trẻ. Phải kết hợp động tác ôm chiếc trống trước ngực đánh cùng đội chiêng, vừa đánh vừa nhảy, đó là thời điểm ông Minh chưa có gia đình. Bây giờ, chiếc trống đó vẫn còn trong mỗi buổi dạy lũ trẻ học đánh nhưng âm thanh không còn hay như thuở trước. Chiếc trống là niềm tự hào được ông Minh hào hứng kể mỗi khi có khách đến thăm nhà.
Trân trọng nét đẹp của đồng bào mình, nhiều năm qua, bà Hà bỏ thời gian dệt từng tấm thổ cẩm, chiếc váy áo, kết từng bộ cườm đeo cổ, đeo tay, dây cườm thắt lưng, bông tai. Một điều may mắn khi hiện tại, cả ba người con dâu của bà Hà đều dành tình cảm đặc biệt với những trang phục truyền thống này. Đặt từng vòng cườm trên chiếc khăn, bà Hà tự hào nói: “Nhà tôi con cháu đều được chia đều những trang phục do chính tôi may. Mình truyền nghề lại cho con cháu trong nhà trước, sau đó mới có thể giới thiệu cho chị em trong thôn cùng làm, cùng giữ”.
Để làm xong một bộ trang sức, vòng đeo đủ mầu sắc kết hợp với áo thổ cẩm, bà Hà phải ngồi kết hạt cườm trong 5 ngày. Đội múa do bà hướng dẫn có 14 chị em cùng 6 người đàn ông đánh chiêng. Mỗi dịp chị em đi múa ở xã hay Khu di tích căn cứ Khu ủy Khu V, từng người đều mang đầy đủ trang phục, dây đeo bởi vì nếu một người vô tình mang thiếu sẽ làm chị em dần quên đi nét đẹp, nét văn hóa của mình.
Nếp sinh hoạt của đồng bào Ca Dong vẫn giữ nét nguyên sơ, giản dị đọng sâu tình làng, nghĩa xóm, là lời người lớn khuyên răn con trẻ lẽ sống ở đời, là cách làm ăn phát triển kinh tế. Thời kỳ ăn củ sắn, rổ khoai đã qua đi, hiện tại đời sống kinh tế, tinh thần nơi vùng cao huyện Hiệp Đức có nhiều đổi mới tích cực.
Hầu hết thế hệ trẻ trong làng đều học lên cao. Những ai học xong chương trình trung học phổ thông đều lựa chọn đi làm ăn xa hoặc tiếp tục học lên. Cơ hội gặp nhau giữa những người lớn trong làng như ông Minh với lớp thanh, thiếu niên chỉ diễn ra trong mùa hè hay dịp lễ hội làng, ngày Tết. Ở thôn Trà Va, vợ chồng ông Minh luôn được người dân kính trọng bởi hai người đã dành gần cả cuộc đời cho việc gìn giữ văn hóa dân tộc.
Trực tiếp uốn nắn, chỉnh từng động tác cho chị em, bà Hà cho biết, dù là người có cơ thể dẻo dai nhưng nếu không tập trung, kiên trì sẽ rất khó nhớ và thực hành múa. Có những chị em học hơn một tháng vẫn chưa theo kịp bài, bà Hà vẫn theo sát để kèm cặp thêm. Do đó, những chương trình hội diễn văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức đều có mặt ông bà. “Tham gia với làng, với xã vừa vui mà mình còn có cơ hội kết nối lớp trẻ, tập hợp chúng lại để chỉ dạy những điều mình biết. Còn sức khỏe thì phải truyền lại cho tụi nó. Mai này mình già, mất đi rồi, còn ai nữa để con cháu học tập”, ông Minh cho hay.
Gia đình ông Minh cũng như các hộ dân đồng bào Ca Dong định cư tại thôn Trà Va từ sau năm 1976 đến nay. Bao lần ngôi nhà sàn bị hỏng, phải sửa chữa nền móng, dựng lại bộ khung cột, tuy nhiên ông Minh vẫn gắn bó với mảnh đất và bộ cột gỗ quen thuộc. Ông quả quyết rằng, cả đời mình ở đây đã quen, con cháu đều ở gần nhau. Ai cũng sống trong căn nhà sàn cách mặt đất gần 1 mét. Ở trên cao vừa sạch, vừa tránh động vật, bò sát dưới đất. Bây giờ gỗ không còn nhiều như xưa, tìm cây làm nhà rất khó. Ngôi nhà sàn của ông đã tháo ra làm lại hai lần. Hiện nay ông Minh đang nhờ dân làng phụ làm lại lần thứ ba.
Niềm vui của những người có uy tín ở thôn Trà Va như ông Minh, bà Hà chính là thấy lớp con cháu biết tìm lại những điều hay, trân quý các giá trị văn hóa. Dẫu cho cuộc sống còn nhiều điều để lo nhưng đồng bào Ca Dong ở huyện Hiệp Đức luôn yêu chính mảnh đất họ được sinh ra và lớn lên.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/luu-truyen-gia-tri-van-hoa-ca-dong-post752984.html