Lưu ý bảo vệ trẻ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Cận kề kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tiếp tiếp nhận 2 trẻ nhập viện với chẩn đoán chấn thương bụng kín, chấn thương lách.

Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 2 bệnh nhi bị chấn thương lách.
Trường hợp đầu tiên là bé gái 11 tuổi, ở Hà Nội, bị chấn thương lách do tai nạn sinh hoạt. Trước đó, khi đang đu võng cùng các em trong gia đình, trẻ không may đập mạnh bụng vào thành giường.
Sau cú va chạm, trẻ xuất hiện triệu chứng đau bụng và da tái nhợt. Trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.
Trường hợp thứ hai là bé trai 9 tuổi, ở Hà Nội, bị chấn thương lách sau tai nạn giao thông. Mẹ của bé kể lại, khi chị đang chở 3 con nhỏ trên xe máy từ trường về nhà đã xảy ra va chạm với một ô-tô đi cùng chiều, khiến bé trai ngồi phía trước bị đập bụng mạnh vào xe máy và nền đường. Ngay sau đó, trẻ cũng xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, da nhợt nhạt. Trẻ được gia đình đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm nhập viện, cả 2 trẻ đều có dấu hiệu của chấn thương bụng kín tại vị trí tổn thương ở mạn sườn bên trái như có tiền sử chấn thương bụng tại vị trí lách, đau bụng, màu sắc da nhợt nhạt.
Dù các chỉ số sinh tồn của hai trẻ đều trong giới hạn bình thường, tuy nhiên, trên hình ảnh siêu âm cho thấy có nhiều dịch tự do ổ bụng. Sau khi hội chẩn thống nhất các trẻ đều được các bác sĩ chỉ định chụp CT ổ bụng nhằm xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương. Kết quả chụp CT ổ bụng xác định bé gái bị chấn thương lách độ II, bé trai chấn thương lách độ III.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh khôi, thăm khám cho bệnh nhi tại Trung tâm Ngoại Tổng hợp.
Ngoài chấn thương lách, các bác sĩ không phát hiện thêm tổn thương tụy hay các tạng đặc khác. Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa Cấp cứu-Chống độc và Ngoại Tổng hợp, các bác sĩ thống nhất điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) cho 2 trẻ.
Tại Trung tâm Ngoại Tổng hợp, 2 trẻ được dùng thuốc theo phác đồ và chăm sóc tích cực bằng phương pháp nội khoa. Hiện, tình trạng sức khỏe của 2 trẻ ổn định, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, lách là cơ quan chứa nhiều máu, nằm dưới cơ hoành bên trái, có mật độ mềm và dễ tổn thương khi chịu ngoại lực. Ở trẻ em, do thành bụng còn mỏng, cơ bụng chưa phát triển đầy đủ, các tạng như gan, lách lại nằm nông nên nguy cơ bị tổn thương tạng đặc khi xảy ra va chạm rất cao.
Theo bác sĩ Khôi, tùy theo mức độ chấn thương, việc xử trí sẽ khác nhau. Các trường hợp nặng, gây mất máu nhiều, huyết động không ổn định có thể cần phẫu thuật cấp cứu. Tuy nhiên, với sự phát triển của chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật điều trị hiện nay, đa số các trường hợp chấn thương lách độ thấp ở trẻ em đều có thể được điều trị bảo tồn hiệu quả mà không cần phẫu thuật.
Tại Trung tâm Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm tiếp nhận khoảng 25-30 trường hợp trẻ bị chấn thương lách. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông. Đặc biệt, ở những trẻ có bệnh lý nền như lách to ứ máu (thí dụ bệnh nhân mắc hemophilia, thalassemia…), nguy cơ vỡ lách do sang chấn càng cao hơn.
Trong số các ca nhập viện, nhiều trường hợp chấn thương lách đã được điều trị thành công bằng phương pháp bảo tồn, giúp trẻ phục hồi mà không cần can thiệp phẫu thuật.
Bác sĩ Khôi cho hay, trẻ em vốn hiếu động, thích khám phá nhưng khả năng tự bảo vệ bản thân còn hạn chế, dễ gặp tai nạn thương tích. Vào các kỳ nghỉ, trẻ được nghỉ học, nhu cầu đi du lịch của các gia đình tăng cao, cùng với đó là các hoạt động liên hoan, ăn uống, vui chơi cũng diễn ra liên tục, trẻ nhỏ có thể gặp nhiều nguy cơ tai nạn thương tích như ngộ độc thực phẩm/hóa chất, té ngã, đuối nước,… .
Chính vì vậy, để có kỳ nghỉ lễ an toàn, cha mẹ cần giám sát trẻ chặt chẽ, đặc biệt khi tham gia các hoạt động ngoài trời, di chuyển bằng xe máy, ô-tô; dạy trẻ kỹ năng trước khi đi du lịch; lựa chọn địa điểm vui chơi phù hợp với trẻ; luôn tuân thủ các biện pháp an toàn giao thông và phòng tránh tai nạn thương tích.
Khi trẻ không may gặp các tai nạn thương tích cha mẹ cần tiến hành sơ cứu đúng cách và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và điều trị kịp thời.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/luu-y-bao-ve-tre-dip-nghi-le-304-15-post876322.html