Lưu ý khi bày mâm cúng ông Công ông Táo

Ngày 23 tháng Chạp âm lịch là dịp các gia đình bày biện mâm cỗ cúng để tiễn đưa ông Công ông Táo về trời, với ý nghĩa tổng kết những chuyện đã xảy ra trong một năm qua.

Theo tín ngưỡng lâu đời của người Việt, ông Công ông Táo (hay còn gọi thần Bếp) là vị thần phù hộ, theo dõi và cai quản cuộc sống của gia đình, có nhiệm vụ báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi chuyện vào ngày 23 tháng Chạp mỗi năm.

Trong cuốn Cơ sở Văn hóa Việt Nam do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành năm 1999, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho biết Thổ Công là vị thần trông coi gia cư, định đoạt phúc họa cho một gia đình.

 Người dân 3 miền thường bày mâm cỗ cúng tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Nhung Ngo.

Người dân 3 miền thường bày mâm cỗ cúng tiễn Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Nhung Ngo.

Còn theo tác giả Nhất Thanh trong Đất lề quê thói, học phái Lão Tử cho rằng ông Công là một vị thần trông coi việc thiện, ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng.

Theo truyền thuyết dân gian, vào ngày 23/12 âm lịch, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời, báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện trong năm của gia đình. Bởi vậy, dịp này mọi nhà đều bày biện mâm cỗ cúng để tiễn đưa Táo Quân về Thiên đình.

Sự khác biệt giữa mâm cỗ cúng 3 miền

Lễ vật trong mâm cúng Táo quân có thể khác nhau tùy từng vùng miền, điều kiện của các gia đình, tuy nhiên thường bao gồm những món cơ bản đúng theo phong tục xưa.

Một trong những lễ vật cần có là bộ mũ, áo giấy và hài giấy cho 2 Táo ông và một Táo bà. Mũ của Táo ông có cánh chuồn phía sau, mũ của Táo bà không có phần này.

Mâm cỗ mặn cúng Táo quân thường có những món như gà luộc nguyên con, thịt lợn luộc, xôi gấc, giò, canh măng, rau xào thập cẩm, 3 chén rượu, một đĩa gạo, một đĩa muối, cau, trầu, đĩa hoa quả, tiền giấy và vàng mã.

Theo phong tục của người Việt xưa, những nhà có trẻ con còn cúng Táo quân một con gà luộc, ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang.

Mâm cỗ cúng tuyệt đối tránh các món hôi tanh như thịt trâu, bò, chó, mèo, dê.

Dù có sự khác nhau, mâm cỗ cúng Táo quân mỗi vùng đều gồm những món cơ bản theo truyền thống. Ảnh: Thu Hiền Phạm, Pe_audi.

Dù có sự khác nhau, mâm cỗ cúng Táo quân mỗi vùng đều gồm những món cơ bản theo truyền thống. Ảnh: Thu Hiền Phạm, Pe_audi.

Ở miền Bắc, các gia đình thường mua 3 con cá chép về để vào chậu nước cạnh mâm cúng. Theo quan niệm xưa, cá chép khi được thả sẽ hóa rồng vượt vũ môn, mang sức mạnh đưa Táo về trời nhanh nhất.

Cá chép sẽ được thả trước giờ Ngọ (12h trưa) ngày 23 tháng Chạp để kịp bay về Thiên Đình. Mọi người nên thả cá ở những vùng nước sạch sẽ, rộng như hồ, sông. Nên phóng sinh một cách nhẹ nhàng để cá bơi khỏe mạnh và cũng là cách bày tỏ sự thành kính của gia chủ.

Trong khi đó, tục cúng ông Táo ở miền Trung có nhiều khác biệt. Người dân thường thay cá sống bằng ngựa giấy có dây cương để Táo quân phi về trời.

Các gia đình ở Huế và một số tỉnh đặt bàn thờ ông Táo nhỏ ở bếp. Gia chủ dọn dẹp, thay cát mới cho lư hương, sau đó làm lễ tiễn tượng Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ để rước tượng mới vào đầu năm.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người Nam Bộ thường có hoa tươi, nhang, đèn cầy, 3 ly nước lọc, bộ vàng mã cò bay ngựa chạy và không thể thiếu kẹo thèo lèo. Loại kẹo làm từ các nguyên liệu như mè đen, đậu phộng, đường mạch nha, đường trắng...

Tùy từng vùng, lễ cúng ông Táo có thể diễn ra sớm từ ngày 17 tháng Chạp, thường là trưa, tối ngày 22 hoặc sáng 23/12 âm lịch.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luu-y-khi-bay-mam-cung-ong-cong-ong-tao-post1291733.html