Lưu ý kiểm soát huyết áp trong mùa nắng nóng
Thời tiết nắng nóng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh tăng huyết áp. Dưới đây là một số lưu ý giúp người bệnh kiểm soát huyết áp hiệu quả…
1. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh tăng huyết áp?
ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 cho biết, vào những ngày nắng nóng, huyết áp thường không ổn định. Nhiệt độ cao khiến sự bài tiết mồ hôi gia tăng, cơ thể dễ mất nước dẫn đến thể tích máu tuần hoàn giảm, người bệnh bị tụt huyết áp.
Trong khi đó, thời tiết oi bức khiến người bệnh trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, làm cho nhịp tim nhanh hơn, dẫn đến tăng huyết áp vào ban đêm.
Ngoài ra, trong trời nắng nóng, người bệnh tăng huyết áp có xu hướng ngại vận động và thường xuyên ngồi trong phòng lạnh bật máy điều hòa với nhiệt độ thấp.
Khi ra vào phòng điều hòa với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng đến lạnh sẽ khiến cho mạch máu đang giãn nở tức thời co lại, làm huyết áp tăng cao đột ngột... Tình trạng này có thể khiến người bệnh gặp các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não, suy tim, nhồi máu cơ tim…
Nếu tình trạng huyết áp không ổn định kéo dài, có thể gây ảnh hưởng mắt; suy thận; xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.
2. Cách kiểm soát huyết áp trong mùa nắng nóng
Theo ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, nguyên tắc quan trọng để kiểm soát huyết áp là người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn, không ngắt quãng. Tùy từng tình trạng, bác sĩ sẽ kê đơn một loại thuốc hoặc phối hợp 2 loại thuốc điều trị tăng huyết áp để điều trị cho người bệnh:
- Thuốc lợi tiểu, trong đó nhóm lợi tiểu thiazid (hydrochlothiazide, chlorothiazide…) là nhóm phổ biến nhất trong điều trị tăng huyết áp, có tác dụng lợi niệu vừa phải nên không gây tụt huyết áp.
Tuy nhiên, thuốc có tác dụng thải natri đồng thời làm giảm lượng kali. Vì vậy, khi điều trị bằng thuốc lợi tiểu người bệnh nên ăn nhiều chuối, uống nhiều nước cam để được bổ sung kali. Nếu có các triệu chứng co cứng cơ, chuột rút, yếu cơ, mệt mỏi, khát nhiều, bất an, mạch nhanh phải báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời tình trạng mất kali do dùng thuốc lợi tiểu.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm (bisoprolol, metoprolol, nebivolol…) có tác dụng làm chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, từ đó giúp giảm huyết áp.
Khi sử dụng, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dừng thuốc đột ngột. Không nên dùng nước ép bưởi vì có thể ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của thuốc chẹn beta.
Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường tăng huyết áp, khi dùng thuốc chẹn beta thì cần lưu ý thường xuyên kiểm tra và theo dõi đường huyết của mình.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn kênh calci (amlodipin, nifedipin, verapamil…) khi sử dụng nhóm thuốc này người bệnh tránh uống nước bưởi, vì bưởi ngăn cản sự phân hủy và loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể. Điều này có thể làm tăng độc tính hoặc giảm hiệu quả điều trị.
Thuốc có thể tương tác rượu và một số loại thuốc khác làm giảm tác dụng điều trị và làm tăng tác dụng phụ của thuốc. Do đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế ACE (benazepril, captopril, enalapril...) thường được ưu tiên trên nhóm đối tượng bệnh nhân tăng huyết áp có kèm theo bệnh đái tháo đường vì hạn chế ảnh hưởng đến thận.
Tuy nhiên, người hút nhiều thuốc lá, có tình trạng phù thanh quản, cần lưu ý khi dùng vì thuốc có thể gây tác dụng phụ như ho khan, phù mạch.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (azilsartan, eprosartan, losartan...) cũng có thể được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc, ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền nhấn mạnh, người bệnh tăng huyết áp cần tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Nhiều trường hợp người bệnh ngại nắng nóng, không đi khám mà tự ý dùng và bỏ thuốc, dẫn đến những biến chứng khó lường.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cũng có vai trò rất quan trọng đối với người bệnh huyết áp. Cần duy trì tập luyện đều đặn cùng chế độ ăn lành mạnh, hạn chế muối, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu… để kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Mời bạn đọc xem tiếp video: