Lưu ý về trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Đại diện Bộ GD&ĐT vừa có những lưu ý quan trọng về trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Ảnh minh họa
Trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương, quy định về trách nhiệm thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản giữ ổn định; tuy nhiên một số nội dung quan trọng thí sinh cần lưu ý.
Thí sinh học Chương trình GDPT 2018 chỉ được đăng ký các môn thi trong số các môn thí sinh được học ở lớp 12.
Thí sinh phải có mặt tại điểm thi ngay từ đầu buổi thi và chỉ được ra khỏi điểm thi khi hết giờ thi bài thi tự chọn (kết thúc cả 2 môn thi tự chọn). Trước đây, thí sinh chỉ thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn thì có thể đến trước giờ thi môn thi thứ hai 15 phút. Tuy nhiên từ năm 2025, thí sinh phải đến ngay từ đầu buổi thi.
Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vẫn được phép sử dụng để miễn thi nhưng không được quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây.
Ngoài ra, thí sinh sẽ không được cộng điểm nghề như trước đây điều này được thực hiện theo thiết kế của Chương trình GDPT 2018.
Từ năm 2025, các thí sinh là người nước ngoài học THPT tại Việt Nam được phép sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp.
GS.TS Huỳnh Văn Chương cũng cho biết thêm, từ năm 2025, tất cả các thí sinh đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (kể cả thí sinh tự do, các năm trước đăng ký bản giấy).
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khác để tiếp tục tích hợp và liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu để giảm thiểu các hồ sơ thí sinh phải nộp đặc biệt là các hồ sơ minh chứng để hưởng chế độ ưu tiên chính sách.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 quan tâm đánh giá năng lực vận dụng kiến thức
Về đề thi tốt nghiệp, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT phục vụ công tác tuyển sinh là 1 trong 3 tiêu chí của Kỳ thi tốt nghiệp THPT với mong muốn giảm chi phí, giảm áp lực và tăng tính công bằng giữa học sinh các vùng miền trên cả nước.
Để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu này theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội và các Nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả thi phải đủ độ tin cậy, có tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh. Theo đó đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có một số thay đổi quan trọng.
Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Đồng thời định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Đề thi phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4 : 3 : 3. Tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% nghiêng về mục đích tốt nghiệp; trong khi tỷ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.
"Đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh", GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết thêm.
Đề thi Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa
Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi.
Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc.
Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhận định, việc bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản chuyển tiếp riêng về vấn đề này.
Cụ thể: Trong năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo chương trình cũ và 1 bộ đề thi theo Chương trình GDPT 2018).
Các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó.
Các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình GDPT 2006 hoặc đề thi theo Chương trình GDPT 2018.
Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của chương trình GDPT 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.