Lý do Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân tấn công của Nga
Tàu ngầm hạt nhân lớp Akula và Kilo thuê từ Nga giúp Ấn Độ nâng cấp năng lực răn đe, tăng tự chủ công nghệ và bảo vệ vị thế tại Ấn Độ Dương.

Thuê tàu ngầm hạt nhân tấn công không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn là bước đi chiến lược khôn ngoan của Ấn Độ giữa cuộc đua sức mạnh khu vực (trong ảnh: Một tàu ngầm hạt nhân của Nga). Ảnh: TASS
Bình luận trên Tạp chí An ninh Quốc gia (nationalsecurityjournal.org) có trụ sở tại Mỹ ngày 16/7, Isaac Seitz, chuyên gia phân tích về tình báo, an ninh và quốc phòng cho rằng, trong bối cảnh sức mạnh hải quân của Trung Quốc và Pakistan ngày càng gia tăng, Ấn Độ đã áp dụng một chiến lược độc đáo để ứng phó: thuê tàu ngầm hạt nhân tiên tiến từ Nga và mua sắm các tàu ngầm diesel-điện.
Cách tiếp cận này, vốn đã được định hình từ thời Chiến tranh Lạnh, không chỉ giúp Hải quân Ấn Độ tích lũy kinh nghiệm tác chiến quý báu mà còn xây dựng năng lực răn đe dưới biển đáng gờm, song hành với quá trình phát triển hạm đội nội địa, đặc biệt là các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Arihant.
Chuyên gia Seitz lưu ý thêm, bằng việc vận hành các hệ thống vũ khí mạnh mẽ của Nga như tàu ngầm lớp Akula và tàu ngầm lớp Kilo, Ấn Độ đã thu hẹp được khoảng cách năng lực quan trọng. Điều này giúp New Delhi đạt được chuyên môn kỹ thuật vô giá và duy trì lợi thế chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương ngày càng cạnh tranh.
Di sản từ thời Chiến tranh Lạnh và mục tiêu tự chủ
Nguồn gốc chương trình tàu ngầm hạt nhân của Ấn Độ bắt nguồn từ thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô trở thành đối tác quốc phòng chính của nước này. Năm 1988, Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên thuê tàu ngầm hạt nhân từ một nước khác, đó là tàu ngầm K-43 thuộc Dự án 670 của Liên Xô, sau này được đổi tên thành INS Chakra. Mặc dù chỉ được thuê cho mục đích huấn luyện, con tàu này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, đặt nền móng cho chương trình tàu ngầm hạt nhân nội địa của Ấn Độ (Dự án S) và dẫn đến sự ra đời của tàu ngầm lớp Arihant.
Hiện nay, Ấn Độ đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động chế tạo tàu hải quân trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia khác về nguồn cung cấp vũ khí. Lực lượng tàu ngầm hiện tại của Ấn Độ bao gồm các tàu xuất trong nước và có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, Liên Xô và sau đó là Nga vẫn đóng vai trò chủ chốt, cung cấp một số tàu ngầm lớp Kilo và một tàu ngầm hạt nhân lớp Akula sắp ra mắt. Những chiếc tàu ngầm này được xem là giải pháp tạm thời cần thiết trong khi Ấn Độ tăng cường năng lực sản xuất tàu ngầm.
Nền tảng răn đe hạt nhân và lợi ích từ hợp tác với Nga
Học thuyết hạt nhân của Ấn Độ dựa trên chính sách "Không sử dụng trước" và một năng lực răn đe tối thiểu đáng tin cậy. Một thành phần quan trọng của năng lực răn đe này là bộ ba hạt nhân – khả năng triển khai vũ khí hạt nhân từ đất liền, trên không và trên biển. Mặc dù Ấn Độ đã phát triển tên lửa phóng từ đất liền và vũ khí hạt nhân phóng từ trên không, năng lực răn đe trên biển là thách thức lớn nhất. Tàu ngầm hạt nhân, đặc biệt là những tàu có khả năng phóng tên lửa đạn đạo (SSBN), đóng vai trò thiết yếu cho khả năng tấn công phủ đầu an toàn, bởi chúng có thể lặn trong thời gian dài, khó bị phát hiện và bị tấn công phủ đầu.
Việc thuê tàu ngầm từ Nga, như tàu ngầm lớp Kilo và Akula (được đưa vào biên chế năm 2012), mang lại cho Ấn Độ kinh nghiệm hoạt động và khả năng ứng phó tạm thời trong khi hạm đội nội địa tiếp tục phát triển. Một trong những lợi ích chính của việc thuê tàu ngầm hạt nhân từ Nga là cơ hội chuyển giao công nghệ và đào tạo. Hải quân Ấn Độ có được kinh nghiệm thực tế trong việc vận hành các hệ thống phức hợp chạy bằng năng lượng hạt nhân và diesel, điều này vô cùng có giá trị cho việc phát triển và vận hành tàu ngầm của Ấn Độ. Các hợp đồng thuê này cũng cho phép Ấn Độ tích hợp các hệ thống riêng của mình, chẳng hạn như sonar và bộ thiết bị liên lạc, qua đó nâng cao khả năng tương tác và chuyên môn kỹ thuật.
Chẳng hạn, các kỹ sư và thủy thủ Ấn Độ đã được đào tạo tại Nga theo các thỏa thuận thuê mượn, từ đó có được những hiểu biết sâu sắc về hậu cần, bảo trì và vận hành của tàu ngầm hạt nhân. Chương trình tàu ngầm hạt nhân nội địa của Ấn Độ, mặc dù đang tiến triển đều đặn, vẫn đang trong giai đoạn đầu. Tàu ngầm lớp Arihant chủ yếu là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) được thiết kế cho mục đích răn đe chiến lược hơn là hoạt động chiến thuật.
Ấn Độ hiện đang thiếu tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) đang hoạt động, vốn rất cần thiết để theo dõi tàu ngầm và tàu nổi của đối phương, bảo vệ SSBN trong các cuộc tuần tra và phô diễn sức mạnh ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Việc thuê tàu SSN lớp Akula từ Nga giúp thu hẹp khoảng cách năng lực này, bởi những chiếc tàu ngầm này nổi tiếng với tốc độ, khả năng lặn sâu, cùng hệ thống sonar và vũ khí tiên tiến, khiến chúng trở nên lý tưởng cho các nhiệm vụ săn ngầm và diệt tàu.
Tăng cường răn đe hải quân và lợi ích kinh tế
Chiến lược hàng hải của Ấn Độ ngày càng chịu ảnh hưởng bởi sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã triển khai tàu ngầm, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân, đến khu vực này với lý do chống cướp biển. Diễn biến này đã làm dấy lên lo ngại ở New Delhi, thúc đẩy nhu cầu tăng cường năng lực tác chiến dưới biển. Các tàu ngầm thuê từ Nga cho phép Ấn Độ giám sát hoạt động hải quân của Trung Quốc, duy trì vị thế thống trị dưới biển tại sân sau chiến lược của mình, và đối phó với các nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Pakistan, vốn được Trung Quốc ủng hộ.
Thuê tàu ngầm hạt nhân cũng là một lựa chọn tiết kiệm chi phí và linh hoạt về mặt chiến lược cho Ấn Độ. Việc tự đóng tàu ngầm là một quá trình tốn kém và mất thời gian. Thuê tàu ngầm giúp Ấn Độ có nền tảng hoạt động mà không phải chịu toàn bộ gánh nặng tài chính và thời gian xây dựng. Ví dụ, hợp đồng thuê tàu INS Chakra II năm 2012 có giá khoảng 900 triệu USD trong thời hạn mười năm. Hợp đồng năm 2019 cho tàu INS Chakra III có giá trị khoảng 3 tỷ USD, bao gồm cả việc nâng cấp và tích hợp các hệ thống của Ấn Độ. Các thỏa thuận này cho phép Ấn Độ thử nghiệm và đánh giá công nghệ trước khi đưa chúng vào thiết kế của riêng mình, do đó giảm thiểu rủi ro và đẩy nhanh quá trình phát triển năng lực.
Vị thế địa chính trị và tự chủ tương lai
Việc Ấn Độ phụ thuộc vào tàu ngầm nước ngoài cũng góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Nga. Bất chấp mối quan hệ quốc phòng ngày càng phát triển giữa Ấn Độ với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, Nga vẫn là một đối tác quốc phòng chủ chốt. Việc cho thuê tàu ngầm hạt nhân, liên quan đến công nghệ động cơ hạt nhân nhạy cảm, là minh chứng cho lòng tin sâu sắc giữa hai nước. Nga là quốc gia duy nhất cho thuê tàu ngầm hạt nhân cho một quốc gia khác, nhấn mạnh tính chất độc đáo trong mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ.
Sự hợp tác này mở rộng ra ngoài phạm vi cho thuê để bao gồm cả việc phát triển chung các hệ thống phòng thủ, hỗ trợ chương trình tàu ngầm nội địa của Ấn Độ và phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như mở rộng căn cứ hải quân Visakhapatnam cho các hoạt động tàu ngầm hạt nhân.
Cuối cùng, chiến lược thuê tàu ngầm của Ấn Độ là một phương thức để đạt được mục tiêu quan trọng: phát triển một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tự chủ hoàn toàn. Kinh nghiệm thu được từ việc vận hành tàu ngầm thuê đã trực tiếp đóng góp vào việc đưa vào hoạt động các tàu ngầm INS Arihant và INS Arighat, thiết kế các tàu ngầm SSBN và SSN trong tương lai, cũng như phát triển các hệ thống sonar, điều khiển và động cơ nội địa. Ấn Độ cũng đang theo đuổi một chương trình bí mật để chế tạo sáu tàu ngầm tấn công hạt nhân, nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tác chiến dưới biển của nước này trong tương lai.