Lý do Bình Dương trở thành 'ngôi sao' xuất siêu của cả nước
Theo chuyên gia kinh tế, việc Bình Dương trở thành 'ngôi sao' về xuất siêu là kết quả cấu thành của các yếu tố: Sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại được ký kết, sự hỗ trợ linh hoạt của chính quyền địa phương. Trong đó, biện pháp ứng phó kịp thời chính là mấu chốt giúp địa phương này duy trì và phát triển trong khó khăn.
Ngày 9/9, thông tin từ Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bình Dương Ngô Văn Mít cho biết, trong 8 tháng năm nay, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt hơn 6,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư trong nước xuất siêu 1,8 tỷ USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất siêu 4,3 tỷ USD.
Chỉ tính riêng tháng 8, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Dương ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng năm 2023, trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này đạt hơn 20,4 tỷ USD.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh Bình Dương với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 7 tỷ USD, chiếm 34,4% kim ngạch xuất khẩu; thị trường EU ước đạt hơn 2,53 tỷ USD, tương ứng chiếm 14,2%; thị trường Nhật Bản ước đạt hơn 1,47 tỷ USD, Trung Quốc 633 triệu USD, Hàn Quốc 535 triệu USD, Thái Lan 353 triệu USD.
Trước đó, năm 2022 bất chấp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng kinh tế thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Dương vẫn đạt 61,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu đạt trên 9,2 tỷ USD, chiếm trên 80% của cả nước. Đây là mức xuất siêu cao nhất những năm gần đây của Bình Dương. Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Bình Dương, năm 2023 mức xuất siêu địa phương này sẽ có con số ấn tượng, trong bối cảnh doanh nghiệp đang dần hồi phục trở lại.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Cường - Viện Nghiên cứu và Phát triển Khu vực Đông Nam bộ, việc Bình Dương giữ vững đà tăng trưởng, xuất siêu ở mức cao là kết quả cấu thành của các yếu tố: sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại được ký kết, sự hỗ trợ linh hoạt của chính quyền địa phương. Trong đó, biện pháp ứng phó kịp thời chính là mấu chốt giúp Bình Dương duy trì và phát triển trong khó khăn.
Chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra nguyên nhân để Bình Dương có được kết quả xuất siêu ấn tượng cũng đến từ năng suất lao động và doanh nghiệp liên tục cải tiến công nghệ, từ đó hàng hóa bán được giá cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã tận dụng được nguồn hàng nguyên vật liệu trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô nhận định, tái cấu trúc giữa chi phí và doanh thu, đầu tư mạnh vào công nghệ để giảm nhân lực. Sự chia sẻ giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và các bên thương mại, nhờ đó tuy sụt giảm doanh thu song vẫn giữ được lượng khách hàng, đơn hàng. Đây chính là lý do Bình Dương duy trì sự ổn định trong hoàn cảnh khó khăn.
Ông Takahashi Kazuo - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokyu, Nhật Bản - đánh giá, nhờ môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện, Bình Dương được xem là sự lựa chọn hàng đầu đối với doanh nghiệp khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. “Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở Bình Dương luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển” - ông Takahashi Kazuo.
Về phía chính quyền địa phương, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: "Tới đây Bình Dương sẽ thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, không khuyến khích thu hút với doanh nghiệp thâm dụng đất đai, năng lượng, không chấp nhận những dự án gây ô nhiễm môi trường".