Lý do Bình Thuận giải ngân đầu tư công thấp hơn cả nước

Tính đến ngày 18/10, giá trị giải ngân đầu tư công ở Bình Thuận khoảng 2.069 tỷ đồng, đạt hơn 43%. Việc chậm giải ngân chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài và vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ngày 21/10, ông Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - đã chủ trì cuộc họp trực tuyến, nghe báo cáo về dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công và danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2026 - 2030 cũng như việc lập kế hoạch đầu tư công và danh mục công trình trọng điểm năm 2025.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận - cho biết, năm 2024 tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 4.700 tỷ đồng.

Ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận - phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TT Dân.

Ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận - phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TT Dân.

Tính đến ngày 18/10, giá trị giải ngân đầu tư công ở Bình Thuận là khoảng 2.069 tỷ đồng, đạt hơn 43%. 8 công trình trọng điểm của tỉnh với tổng kế hoạch vốn hơn 662 tỷ đồng mới đạt tỷ lệ giải ngân 35%.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do công tác chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài. Đến thời điểm hiện tại, trong 34 dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, vẫn còn 14 dự án đang triển khai thực hiện bị vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Do đó, Bình Thuận tiếp tục đưa 8 công trình trọng điểm năm 2024 vào danh mục công trình trọng điểm năm 2025 để chỉ đạo thực hiện, gồm: kè bờ tả sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), hồ chứa nước Ka Pét, chung cư sông Cà Ty, công trình Công viên Hùng Vương, Cảng hàng không Phan Thiết, làm mới Đường trục ven biển ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), cầu Văn Thánh và khu neo đậu tránh trú bão, kết hợp cảng cá Phú Quý (giai đoạn 2).

Trong giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là khoảng 32.234 tỷ đồng nhằm thực hiện mục tiêu, định hướng trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đã được phê duyệt.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng cho rằng, dù thời gian qua, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả giải ngân đến nay chỉ đạt hơn 43%, thấp hơn trung bình chung của cả nước (hơn 50%).

Dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Các sở, ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải quyết tâm, quyết liệt, khẩn trương khắc phục tồn tại hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy tiến độ giải ngân đạt ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư bám sát tiến độ từng dự án để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là đối với dự án có khối lượng giải ngân lớn như cầu Văn Thánh, trục ven biển ĐT.719 (đoạn Hòn Lan - Tân Hải), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường ĐT.719B).

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TT Dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: TT Dân.

Ông Dũng cũng lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư phải rút kinh nghiệm trong việc phân khai vốn. Tổng kế hoạch vốn năm 2025 phải được phân khai trước ngày 31/12 để các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

“Tinh thần là ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, đường ven biển, dự án giao thông kết nối lan tỏa liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên bố trí vốn cho các chủ đầu tư có tiến độ giải ngân tốt và các địa phương làm tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi bố trí đủ vốn, số vốn còn lại bố trí cho các dự án khởi công mới, đủ thủ tục đầu tư theo quy định”, ông Dũng yêu cầu.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-binh-thuan-giai-ngan-dau-tu-cong-thap-hon-ca-nuoc-post1684361.tpo