Lý do chưa đưa tên doanh nghiệp làm chủ đầu tư điện hạt nhân vào Nghị quyết

Theo ông Nguyễn Phương Tuấn, chủ trương đầu tư của dự án điện hạt nhân Ninh thuận hiện nay chưa được điều chỉnh. Vì thế, đưa tên của các doanh nghiệp vào sẽ chưa có cơ sở.

Cuối buổi sáng 19/2, ngay sau phiên bế mạc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã chủ trì họp báo về kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV .

Về Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận, trước đó tại tờ trình của Chính phủ có tên 2 doanh nghiệp được giao thực hiện dự án này là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Petrovietnam - PVN).

Tại buổi họp báo, báo chí nêu vấn đề: Khác với dự thảo trình Quốc hội thảo luận, Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua đã bỏ tên cụ thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) trong vai chủ đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn thông tin tại họp báo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn thông tin tại họp báo.

Trả lời nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về cơ chế, chính sách chứ không nêu tên cụ thể của các doanh nghiệp.

"Chủ trương đầu tư của dự án hiện nay chưa được điều chỉnh. Vì thế chúng ta đưa tên của các doanh nghiệp vào sẽ chưa có cơ sở. Việc ban hành Nghị quyết này là cơ sở để Thủ tướng giao chủ đầu tư thực hiện như thế nào và việc giao cho doanh nghiệp nào thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là quyền của Thủ tướng. Vì thế, Quốc hội không đưa nội dung này (tên 2 doanh nghiệp - PV) vào trong Nghị Quyết", ông Tuấn cho biết.

Tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển điện hạt nhân Ninh Thuận sáng 17/2, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) - 1 trong 2 doanh nghiệp Nhà nước được giao làm dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đề nghị Quốc hội sớm ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để dự án hoàn thành đúng lộ trình vận hành 2030 hoặc chậm nhất năm 2031.

Về tính cấp thiết dự án, ông Hùng cho rằng, hiện tổng công suất điện lắp đặt toàn hệ thống tính đến năm 2024 là gần 81.000 MW, trong đó điện gió, mặt trời là 21.600 MW. Đến tháng 6/2024, công suất cực đại toàn hệ thống 52.000 MW, vì vậy công suất dự phòng hệ thống điện còn rất ít, rất rủi ro cho an ninh năng lượng.

"Xu hướng dịch chuyển năng lượng xanh ngày càng lớn. Với Việt Nam, đến năm 2030, chúng ta sẽ không làm điện than nữa, kịch bản tăng trưởng cao thì đòi hỏi phụ tải điện năng phải tăng trưởng lớn, đòi hỏi điện dự phòng tăng cao. Chính vì thế, yêu cầu chúng ta phải có điện nền, đặc biệt là điện hạt nhân ngày càng cấp thiết", ông Hùng phân tích.

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo ông Hùng, mục tiêu của Trung ương yêu cầu phát triển nhà máy điện hạt nhân đưa vào sử dụng năm 2030 và muộn nhất 2031 đây là mục tiêu rất áp lực, trong khi đó điện hạt nhân quy mô lớn, phức tạp nên cần cơ chế đặc thù rất cụ thể, rất rõ để các chủ thể tham gia có thể thực hiện được.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu kiến nghị không nên đưa EVN, PVN vào chủ thể tham dự dự án điện hạt nhân trong dự thảo cơ chế thí điểm chính sách đặc thù, Chủ tịch PVN cho rằng: "Cơ chế trong Nghị quyết về điện hạt nhân dứt khoát phải có tên các doanh nghiệp chủ thể tham gia, bởi đây là việc rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm".

Ông Hùng cho rằng, cơ chế phải rất rõ, đặc biệt cơ chế tài chính, vốn đối ứng chủ sở hữu của doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định đối với các nhà cung cấp.

"Đối với EVN, PVN là hai doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, nguồn vốn chủ sở hữu cần quy định rõ để tránh ảnh hưởng các nhiệm vụ khác cùng trong quá trình triển khai", Chủ tịch PVN nói.

Ông cũng cho rằng, đây là dự án siêu lớn nên dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế được thực hiện song song thủ tục chuẩn bị đầu tư.

"Nếu không có tên doanh nghiệp cụ thể sẽ không làm được, bởi sau khi được phê duyệt sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó", ông Hùng nói, mong muốn cơ quan thẩm tra, Quốc hội chia sẻ và thống nhất cơ chế đặc thù để các tập đoàn yên tâm làm dự án lớn này.

Liên quan đến năng lực chủ đầu tư, Chủ tịch PVN khẳng định: "Với năng lực hiện có khi tham gia gần 13 dự án nhiệt điện phức tạp, đặc biệt các dự án trạm tăng áp ngoài khơi về điện khí, chúng ta hoàn toàn yên tâm với năng lực của doanh nghiệp trong nước".

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ly-do-chua-dua-ten-doanh-nghiep-lam-chu-dau-tu-dien-hat-nhan-vao-nghi-quyet-204250219145737532.htm