Lý do chưa thể cứu vãn 'thảm cảnh' ở Hãng phim truyện Việt Nam
Bất cập ở Hãng phim truyện Việt Nam còn ngổn ngang bởi Tổng công ty vận tải thủy Vivaso bất hợp tác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho Hãng phim truyện Việt Nam, song quá trình này vẫn chưa có kết quả.
Bất cập cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở họp báo thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), sáng 24/3.
Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Phan Linh Chi nêu những vướng mắc dai dẳng trong quá trình cổ phần hóa kéo dài 5 năm qua. Nguyên nhân chính dẫn đến "thảm cảnh" ở Hãng phim truyện Việt Nam đến từ sự bất hợp tác của cổ đông chiến lược - Tổng công ty vận tải thủy Vivaso.
"Tới thời điểm này, những bất cập ở Hãng phim truyện Việt Nam chưa có giải pháp chuyển biến tích cực như mong muốn. Tổng công ty vận tải thủy chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí hợp lệ, tiến hành các thủ tục liên quan đến cổ phần hóa và đề xuất số tiền nhận lại khi hoàn trả cổ phần cho Nhà nước", bà Phan Linh Chi nói.
Từ năm 2019, Bộ VHTTDL nghiên cứu tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho Hãng phim truyện Việt Nam, song quá trình này vẫn chưa có kết quả do điện ảnh là ngành đặc thù, chưa được các nhà đầu tư quan tâm đúng mức bởi e ngại khó khăn sau dịch COVID-19.
Trả lời câu hỏi về bản quyền của những bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Phan Linh Chi khẳng định Vivaso không có quyền khai thác những phim này. Các phim vẫn thuộc sở hữu của Bộ VHTTDL.
Về thông tin hơn 300 phim được lưu trữ tại Hãng phim truyện Việt Nam hư hỏng nặng do NSND Nguyễn Thanh Vân - nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam - phản ánh trước đó, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết tất cả phim trong kho bị hư hỏng đều là bản sao.
"Đại diện Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã xuống kiểm tra kho phim ở Hãng phim truyện Việt Nam. Trong số 291 phim bị hỏng có 278 phim được lưu trữ bản gốc ở Viện phim, 13 phim còn lại không lưu trữ vì làm theo đặt hàng bên ngoài hoặc phim hợp tác quốc tế, không thuộc trách nhiệm lưu trữ của Viện phim", bà Phan Linh Chi nói.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Lý Phương Dung cho biết, quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam phát sinh nhiều vấn đề khiến nhiều bộ phim không được lưu trữ cẩn thận.
Tại buổi họp báo, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; vấn đề cấp visa du lịch; đời sống của cán bộ, hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa; thực trạng của các hãng phim nhà nước; quá trình phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú...