Lý do doanh nghiệp Nhật Bản chọn Hải Dương để 'gửi vàng'
Lợi thế lớn về vị trí địa lý và dân số lao động của Hải Dương đã giúp các doanh nghiệp Nhật Bản 'chọn mặt gửi vàng' trong nhiều năm qua.
Đó là chia sẻ của ông Haruhiko Ozasa, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Dương.
Nhật Bản hiện đang là một trong những quốc gia có những dự án đầu tư nổi bật ở Hải Dương. Ông có thể chia sẻ về tình hình doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại địa phương?
Đúng vậy! Nhật Bản hiện đang là một trong những quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào tỉnh Hải Dương, đứng thứ hai về số lượng dự án và số vốn đầu tư trong các quốc gia đầu tư trên địa bàn, chiếm 11% số lượng dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 16% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 11/2024, có 68 dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Hải Dương, với số tiền lên tới 1,757 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hải Dương chủ yếu vào các khu công nghiệp. Ngành nghề chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, linh kiện cơ khí, thiết bị viễn thông, khuôn đúc, dây và cáp điện ô tô.
Một số doanh nghiệp nổi bật như Công ty TNHH Sumindenso và Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso trong lĩnh vực thiết bị vận tải và Công ty TNHH công nghiệp Brother Việt Nam trong lĩnh vực máy in.
Trong đó, Công ty TNHH Sumindenso là doanh nghiệp đầu tiên của Nhật hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh ở Khu công nghiệp Đại An 20 năm qua (từ năm 2004). Công ty này không ngừng mở rộng và phát triển ở Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư, kinh doanh của Hải Dương? Ưu điểm nổi bật của địa phương này là gì?
Lợi thế lớn về vị trí địa lý và dân số lao động của Hải Dương giúp doanh nghiệp Nhật Bản “chọn mặt gửi vàng” trong thời gian qua.
Về vị trí địa lý, Hải Dương nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Tỉnh có lợi thế vô cùng lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên.
Bên cạnh đó, với dân số 2 triệu người, Hải Dương sở hữu dân số lớn thứ ba ở miền Bắc Việt Nam, sau Hà Nội (8,6 triệu người) và Hải Phòng (2,1 triệu người). Tỉnh có lực lượng lao động dồi dào, trẻ và tay nghề cao.
Những năm gần đây, Hải Dương liên tục gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trở thành điểm sáng của vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đây là một điểm cộng của tỉnh để các nhà đầu tư chọn làm “bến đỗ”.
Doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn gì khi kinh doanh tại Hải Dương, thưa ông? Đề xuất của ông để tỉnh cải thiện những khó khăn này?
Doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở tỉnh gặp khó trong việc tuyển dụng nhân sự. Nguyên nhân bởi sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp mới và làn sóng các doanh nghiệp từ một số quốc gia như Trung Quốc “đổ bộ” vào Hải Dương.
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, coi sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của địa phương.
Trong tương lai, JETRO mong muốn, tỉnh chú trọng các biện pháp hành chính như đào tạo nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các công ty và phát triển nhà ở công cộng cho người lao động từ các địa phương khác đến làm việc ở Hải Dương.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những lo ngại về việc cung cấp điện trong mùa Hè. Đây không phải là vấn đề riêng của tỉnh Hải Dương.
Ông kỳ vọng gì về sự hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản và các địa phương Hải Dương trong thời gian tới?
Chúng tôi mong muốn, chính quyền tỉnh Hải Dương tiếp tục lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực. Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Các doanh nghiệp đang xem xét đầu tư mới sẻ “để mắt” nhiều đến các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương. Do đó, việc nâng cao sự hài lòng của các công ty Nhật Bản đang ở Hải Dương sẽ giúp địa phương thu hút thêm làn sóng doanh nghiệp mới.
JETRO đặt mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương thông qua hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. JETRO đã, đang và sẽ làm tốt vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp Bản và chính quyền tỉnh Hải Dương.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ly-do-doanh-nghiep-nhat-ban-chon-hai-duong-de-gui-vang-301133.html