TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng: Nhiều lợi thế phát triển trung tâm tài chính quốc tế

TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao và có những lợi thế để phát triển trung tâm tài chính quốc tế.

Chiều 16/1, tại Hội thảo “Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã nêu những lợi thế nổi trội, các định hướng, đề xuất để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế.

Hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Hội thảo Phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế nổi trội để trở thành trung tâm tài chính quốc tế

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thành phố có những lợi thế nổi bật để phát triển trung tâm tài chính quốc tế khi là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, có quy mô dân số lớn nhất cả nước; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; có các lợi thế về quy mô thị trường vốn, nguồn nhân lực để trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đáng giá cao về tiềm năng phát triển trung tâm tài chính quốc tế. TP. Hồ Chí Minh cũng là trung tâm dịch vụ tài chính số của Việt Nam, thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính cùng với hệ sinh thái tài chính tập trung hơn 50% công ty khởi nghiệp Fintech, cùng với lực lượng lao động, lập trình viên có trình độ, tay nghề cao với mức chi phí rất cạnh tranh so với các nước trong khu vực, có thể tạo được lợi thế và hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng trung tâm tài chính, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ trung tâm tài chính.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức hoạch định tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, hợp tác trong việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để trung tâm tài chính bắt kịp chuẩn mực thông lệ quốc tế, hiện thực hóa được mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả.

Qua đó, góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước và cao hơn là kỳ vọng trong tương lai, các trung tâm tài chính của Việt Nam sẽ đóng vai trò là trung tâm tài chính quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có đủ năng lực để tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế. Đồng thời, kết nối các thị trường tài chính và trở thành một trung tâm tài chính toàn diện được quốc tế công nhận.

Đà Nẵng đề xuất mô hình trung tâm tài chính theo 3 nhóm dịch vụ

Tại TP. Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế của thành phố, Đà Nẵng đang tập trung phát triển 3 trụ cột chính để thực hiện mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, có phát triển trung tâm dịch vụ chất lượng cao với 2 mũi nhọn: Cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại Hội thảo

TP. Đà Nẵng đề xuất mô hình Trung tâm tài chính TP. Đà Nẵng phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ:

Thứ nhất, cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Thứ hai, các dịch vụ Fintech và TechFin như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain… Đồng thời, cung cấp không gian ươm tạo cho các startup, các công ty Fintech tìm kiếm sự tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hóa.

Thứ ba, các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích để tạo hệ sinh thái đa dạng, phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.

Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính, TP. Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất với vị trí tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.

Ngoài ra, TP. Đà Nẵng sẽ huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để phát triển đô thị thông minh; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.

TP. Hồ Chí Minh có những lợi thế nổi trội như quy mô kinh tế, dân số lớn nhất cả nước, có tiềm lực tài chính, được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao tiềm năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

TP. Đà Nẵng cũng được các nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã nêu đề xuất phát triển mô hình trung tâm tài chính quốc tế tập trung theo 3 nhóm dịch vụ.

Hoàng Lan - Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-va-tp-da-nang-nhieu-loi-the-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-369870.html