Lý do gần 20 năm 2 đô thị chỉ làm được hơn 40 km metro
Theo Bộ GTVT, một trong các khó khăn khiến các dự án đường sắt đô thị chưa thể khởi công xây dựng là do thiếu tiền.
LTS: Đường sắt đô thị (metro) Hà Nội, TP.HCM bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên trải qua gần hai thập niên mới đưa vào khai thác và vận hành được hơn 40 km. Trong đó, dự án như tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến hoàn thành xây dựng 13 km trong vòng bốn năm nhưng phải kéo dài tới 10 năm; dự án Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, khởi công tháng 9- 2010, sau 15 năm xây dựng mới đưa vào khai thác đoạn trên cao, đoạn đi ngầm chưa hẹn ngày về đích.
Với tiến độ như vậy, nếu không có chính sách đột phá và cách làm mới, trong 10-15 năm tới, Hà Nội và TP.HCM không thể hoàn thành hàng trăm kilomet metro như quy hoạch. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Trước bối cảnh đó, Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù, đặc biệt cho Hà Nội và TP.HCM, nhằm đẩy nhanh công tác đầu tư, xây dựng mạng lưới metro ở hai TP lớn nhất cả nước này.
Ngày 12-2, Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9 xem xét, thông qua một số luật và nghị quyết. Trong đó có nghị quyết cho phép TP.HCM và Hà Nội thí điểm một số cơ chế đặc thù, đặc biệt nhằm đẩy nhanh công tác đầu tư, xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị (metro).
![TP.HCM mới đưa vào vận hành khai thác một tuyến metro là Bến Thành - Suối Tiên, dài 19,7 km. Ảnh: NGUYỄN TIẾN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51462463/1b8b06083646df188657.jpg)
TP.HCM mới đưa vào vận hành khai thác một tuyến metro là Bến Thành - Suối Tiên, dài 19,7 km. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Đại diện Bộ GTVT cho biết nhiều TP lớn trên thế giới xem metro là phương thức vận tải hành khách công cộng chủ đạo. Chúng ta cũng đã nhìn thấy việc đầu tư metro là đòi hỏi tất yếu tại các đô thị lớn, văn minh nên đã chủ động lên phương án từ lâu. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Quy hoạch nhiều nhưng làm không được bao nhiêu
Theo UBND TP Hà Nội, giai đoạn đến năm 2030, thủ đô dự kiến xây dựng 10 tuyến metro, với tổng chiều dài hơn 410 km và ba tuyến monorail (tàu một ray) với tổng chiều dài khoảng 44 km. Đến năm 2045 đầu tư thêm bốn tuyến metro, kéo dài các tuyến đường sắt đô thị lên trên 619 km. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội mới đưa được 21 km metro vào khai thác. Cụ thể, 13 km thuộc dự án Cát Linh - Hà Đông, dự án Nhổn - ga Hà Nội mới khai thác được hơn 8 km đoạn trên cao, còn đoạn ngầm đang đầu tư xây dựng. Thủ đô cũng đang triển khai công tác đầu tư dự án đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Trường hợp hoàn thành các dự án nêu trên, thủ đô mới có 37/410 km metro, chiếm khoảng 9% tổng chiều dài mạng lưới theo quy hoạch.
Còn tại TP.HCM, quy hoạch phát triển đến năm 2020 TP dự kiến có tám tuyến metro, tổng chiều dài 172 km. Trong đó, giai đoạn trước năm 2020 đầu tư 40 km, giai đoạn sau năm 2020 đầu tư 133 km và ba tuyến tramway (xe điện mặt đất) hoặc monorail với tổng chiều dài khoảng 56 km.
Tuy nhiên, đến nay, chính quyền TP.HCM mới đưa vào vận hành khai thác đúng một tuyến đường sắt đô thị là Bến Thành - Suối Tiên, dài 19,7 km. Địa phương đang triển khai đầu tư đoạn Bến Thành - Tham Lương (11,2 km). Hai dự án này hoàn thành địa phương mới có hơn 30/172 km, đạt khoảng 18% tổng chiều dài mạng lưới metro theo quy hoạch.
Với kết quả như trên, đại diện Bộ GTVT đánh giá công tác đầu tư metro ở hai TP rất chậm, không đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn các TP trong thời gian qua.
Thiếu vốn và lúng túng trong cách triển khai
Theo Bộ GTVT, một trong các khó khăn khiến các dự án metro chưa thể khởi công xây dựng là do thiếu tiền. Thực tế, giai đoạn 2011-2020, hai TP chỉ thu hút được khoảng 56.132 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 18,9% nhu cầu vốn theo quy hoạch. Trong đó, Hà Nội huy động được khoảng 34.437 tỉ đồng, đáp ứng 24,2%; TP.HCM huy động được khoảng 21.695 tỉ đồng, đáp ứng 14,1%.
![Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ được tổ chức khánh thành toàn tuyến vào ngày 9-3. Ảnh: NGUYỄN TIẾN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51462463/732f6cac5ce2b5bcecf3.jpg)
Dự kiến tuyến metro số 1 sẽ được tổ chức khánh thành toàn tuyến vào ngày 9-3. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cần thiết và cấp bách có cơ chế đặc thù cho hai TP
Với quy mô dân số năm 2023 khoảng 8,5 triệu người tại Hà Nội, 9,5 triệu người tại TP.HCM và thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại Hà Nội khoảng 5.900 USD/người/năm, tại TP.HCM khoảng 6.700 USD/người/năm, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, đồng loạt hệ thống đường sắt đô thị ở thời điểm hiện tại là phù hợp.
Thêm vào đó, từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của hai TP và quốc tế, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị là rất cần thiết và cấp bách. Mục đích để chúng ta giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai TP.
Bộ trưởng Bộ GTVT TRẦN HỒNG MINH
Bên cạnh đó, dự án metro có tổng mức đầu tư lớn, đều là các dự án quan trọng quốc gia nên trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và điều chỉnh dự án phức tạp, kéo dài.
Công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý thực hiện đầu tư dự án metro cũng được đánh giá là chưa tốt nên quá trình thực hiện đầu tư bị chậm tiến độ, phải thực hiện các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn thời gian các hiệp định vay. Từ đó dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Thêm vào đó, một nguyên nhân tồn tại từ bấy lâu trong việc triển khai các dự án ở đô thị đó là công tác thu hồi đất chậm. Đây được xem là một trong các nguyên nhân chính, điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án, làm chậm tiến độ triển khai, đưa dự án vào sử dụng; tăng chi phí xây dựng; giảm hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, dự án metro đều sử dụng hình thức hợp đồng EPC bị ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế, sản xuất, lắp đặt, vận hành phương tiện, phát sinh các tranh chấp…
“Những nguyên nhân trên đến từ việc chúng ta chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, mang tính đột phá để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Song song đó, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư chưa cao, mất nhiều thời gian” - đại diện Bộ GTVT cho hay.
Ngoài những lý do Bộ GTVT chỉ ra ở trên, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nhận định việc xây metro chậm là do công tác quản lý, tổ chức thực hiện dự án cũng rất yếu kém, từ đó phải vừa làm vừa điều chỉnh, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng lên gấp nhiều lần. “Một tuyến metro 15-20 km các nước chỉ mất 5-6 năm xây dựng, chúng ta mất 10-15 năm để làm” - ông Thủy nói.
Cần chính sách đột phá
Với khó khăn trên, TP.HCM và Hà Nội đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội cho hai địa phương hưởng các chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống metro, bởi lẽ nếu triển khai theo các quy định hiện nay sẽ rất khó huy động vốn và đầu tư nhanh các dự án.
Chẳng hạn về thủ tục thu hồi đất theo Luật Đất đai 2024, nếu thực hiện theo đúng trình tự quy định thì mất rất nhiều thời gian khi phải thông qua các bước: Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thêm vào đó, Điều 66 Luật Đất đai 2024, nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã xác định chỉ tiêu sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã, xác định diện tích và khoanh vùng các khu vực đã được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất sẽ phát sinh các trường hợp nếu người sử dụng đất bị thu hồi không phối hợp trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì phải quyết định cưỡng chế. Trường hợp người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng phải thực hiện cưỡng chế.
“Việc triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thường mất rất nhiều thời gian, nhất là dự án có quy mô lớn như dự án phát triển hệ thống metro ở hai TP. Do đó, rất cần cơ chế đặc thù để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện trước công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để phục vụ việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho đối tượng có đất bị thu hồi…” - hai TP kiến nghị.
![Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2010 nhưng sau 15 năm vẫn đang… thi công. Ảnh: V.LONG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_114_51462463/f557d6d4e69a0fc4568b.jpg)
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công năm 2010 nhưng sau 15 năm vẫn đang… thi công. Ảnh: V.LONG
Cân nhắc chỉ định thầu đối với dự án metro theo mô hình TOD
Chiều 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến về đề xuất của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đến năm 2035. Đây là quy trình bắt buộc trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định.
Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ trong trường hợp giảm hoặc bổ sung thêm dự án so với danh mục dự án kèm theo nghị quyết thì số vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện dự án sẽ được xác định như thế nào để tránh khoảng trống pháp lý trong quá trình triển khai, thực hiện.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận định việc cho hai TP được chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án đường sắt đô thị là phù hợp. Tuy nhiên, đối với các dự án đường sắt đô thị theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc thực hiện công tác chỉ định thầu để bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển khu vực TOD.
Về tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định rõ chính sách nào sẽ được Chính phủ hướng dẫn, chính sách nào sẽ được HĐND hướng dẫn, để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và tránh vướng mắc, chồng chéo trong quá trình triển khai, thực hiện.
Nghị quyết Quốc hội sẽ tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư metro
Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội cho biết dự thảo Nghị quyết Quốc hội mang đến nhiều cơ chế linh hoạt giúp hai TP chủ động huy động vốn từ nguồn thu tăng thêm, tiết kiệm chi, vốn ODA mà không cần lập đề xuất dự án. Đặc biệt, quy trình phê duyệt được đơn giản hóa, cho phép triển khai ngay việc lập, thẩm định và quyết định đầu tư mà không phải trải qua bước quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục liên quan.
Ngoài ra, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) sẽ thay thế thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi, giúp rút ngắn thời gian thực hiện. Chính quyền địa phương cũng có quyền chủ động phân chia dự án, gia hạn thời gian thực hiện, áp dụng chỉ định thầu trong một số trường hợp và sử dụng định mức chi phí theo chuẩn quốc tế. Công tác bồi thường, tái định cư có thể tách thành dự án độc lập...
Một điểm nhấn quan trọng là tích hợp quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD. Cơ chế này giúp TP linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất mà không cần thủ tục điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Nhờ đó, các khu vực quanh nhà ga metro sẽ được quy hoạch bài bản, tăng mật độ dân cư và chức năng thương mại, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân.
Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư, dự thảo nghị quyết cũng hướng tới phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước, đảm bảo thống nhất quy chuẩn kỹ thuật và triển khai các chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp nội địa sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho các dự án đường sắt đô thị.
Đây là một nỗ lực mang tính đột phá, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế, tài chính và thủ tục đầu tư, tạo tiền đề quan trọng để hai đô thị lớn nhất cả nước phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ và bền vững.
“Nếu nghị quyết được ban hành, Hà Nội và TP.HCM kỳ vọng sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển giao thông xanh, bền vững, giảm ùn tắc, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đường sắt đô thị không chỉ là phương tiện di chuyển, mà còn là động lực phát triển đô thị thông minh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội…” - Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội cho biết.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-gan-20-nam-2-do-thi-chi-lam-duoc-hon-40-km-metro-post834017.html