Lý do gói trừng phạt 18 của EU với Liên bang Nga bị trì hoãn
Mâu thuẫn quanh giá trần dầu và phản đối từ Slovakia đang khiến gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Liên bang Nga rơi vào bế tắc. Lợi ích kinh tế hay địa chính trị đang chi phối quyết định?

Trụ sở Ủy châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Sau hơn 3 năm xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang loay hoay với gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Moskva. Theo Đài phát thanh châu Âu RFE/RL, mặc dù Brussels đã nỗ lực không ngừng để siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, quá trình này vẫn đang vấp phải những rào cản đáng kể. Hai vấn đề chính đang khiến các nước thành viên EU "đau đầu" là mức trần giá dầu của Nga và sự phản đối quyết liệt từ Slovakia.
Mức trần giá dầu: Cuộc chiến lợi ích và địa chính trị
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất hạ mức trần giá dầu Nga từ 60 USD xuống còn 45 đô la một thùng. Mục tiêu ban đầu của mức trần này là để kiểm soát doanh thu dầu mỏ của Nga, đồng thời duy trì nguồn cung dầu ổn định trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, việc thực hiện đề xuất này lại không hề dễ dàng.
Vấn đề đầu tiên nằm ở sự thiếu đồng thuận từ Nhóm G7, đặc biệt là Mỹ. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada gần đây, EU đã không nhận được sự chấp thuận cần thiết, nhất là khi giá dầu thế giới đang tăng vọt sau các cuộc tấn công giữa Israel và Iran. Washington dường như lo ngại rằng việc giảm sâu mức trần giá dầu có thể gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên EU có ngành dịch vụ hàng hải lớn như CH Síp, Hy Lạp và Malta đều bày tỏ sự phản đối kịch liệt việc hạ mức trần giá. Lý do là việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty vận chuyển và bảo hiểm hàng hải của họ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu Nga. Tuy nhiên, theo các quan chức EU, Hy Lạp và CH Síp có thể nới lỏng lập trường nếu Anh, nhà bảo hiểm hàng hải lớn khác, đồng ý với Brussels. Malta dường như là nước cuối cùng còn do dự.
Sự phản đối của Slovakia và kế hoạch "RePowerEU"
Trở ngại lớn thứ hai, và có lẽ là nan giải hơn, đến từ sự phủ quyết của Slovakia. Bratislava đã đặt điều kiện đồng ý với gói trừng phạt mới nếu EC sửa đổi một đề xuất riêng mang tên “RePowerEU”. Đề xuất này, được trình bày vào tháng 5 năm nay, nhằm loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng từ Nga vào EU vào cuối năm 2027.
Slovakia và Hungary - quốc gia được cho là đang ngầm ủng hộ Slovakia, đều tỏ ra "bàng hoàng" với đề xuất RePowerEU. Lý do rất dễ hiểu: các biện pháp trừng phạt năng lượng của EU đòi hỏi sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Trong những năm gần đây, Hungary và Slovakia đã liên tục phủ quyết các đề xuất tham vọng hơn của Brussels nhằm vào năng lượng Nga.
EC đang tìm cách "lách" sự phủ quyết này bằng cách thông qua RePowerEU với đa số phiếu thuận (55% các quốc gia thành viên đại diện cho 65% tổng dân số EU), thay vì yêu cầu sự đồng thuận. Đề xuất quan trọng nhất là yêu cầu pháp lý cấm tất cả các hợp đồng khí đốt mới của Nga và các hợp đồng "giao ngay" ngắn hạn đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga vào cuối năm nay. Đối với các hợp đồng dài hạn hơn, quy định sẽ đề xuất thời gian loại bỏ dần kết thúc không muộn hơn năm 2027.
Thực tế, nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga đã giảm đáng kể, từ 45% năm 2021 xuống còn 19% năm 2024, và dự kiến sẽ giảm xuống còn 13% vào năm 2025. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là EU đã phải chịu thiệt hại khi nhập khẩu LNG từ Nga trong năm 2024 lại tăng 12% so với năm 2023.
Về nhập khẩu dầu, Nga hiện chỉ chiếm 3% tổng lượng dầu nhập khẩu của EU, so với 27% vào năm 2022. Tuy nhiên, các quốc gia Trung Âu không giáp biển lại được miễn trừ các biện pháp trừng phạt này. Trong khi CH Séc đã ngừng nhập khẩu, Hungary và Slovakia vẫn nhập khẩu 80% lượng dầu từ Nga. EC hiện yêu cầu hai quốc gia này chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm 2027, đồng thời yêu cầu họ cung cấp mốc thời gian và kế hoạch thay thế cụ thể.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6 rằng ông sẽ không đồng ý với gói trừng phạt nếu không có sự làm rõ về RePowerEU. Bratislava đang tìm kiếm sự chắc chắn về mặt pháp lý liên quan đến các khiếu nại tiềm tàng từ Gazprom về hợp đồng, thay vì các miễn trừ. Mặc dù các cuộc họp giữa EC và Slovakia đã diễn ra "tốt đẹp", ông Fico dường như vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục.
Việc trì hoãn gói trừng phạt mới của EU đối với Nga cho thấy một thực tế phức tạp: các quyết sách trong một liên minh 27 quốc gia luôn là sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, chính trị và địa lý. Dù có mục tiêu chung là gây áp lực lên Nga, mỗi quốc gia thành viên lại có những ưu tiên và rào cản riêng. Cuộc đàm phán về mức trần giá dầu và sự phản đối của Slovakia là những minh chứng rõ nét cho thấy con đường đi đến sự đồng thuận toàn diện trong EU vẫn còn nhiều chông gai.