Lý do Guyana từ chối bán dầu giá rẻ cho Ấn Độ
Phó Tổng thống Guyana Bharrat Jagdeo đã từ chối bán dầu thô chiết khấu cho Ấn Độ bất chấp quốc gia này mong muốn nhập khẩu dầu thô với giá phải chăng.
Trong năm 2023, sản lượng dầu thô của Guyana đã tăng gấp ba lần so với một năm trước, với việc Chính phủ Guyana toàn quyền nắm giữ đối với khoảng 12,5% nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ của đất nước.
Gã khổng lồ dầu khí BP có hợp đồng một năm để tiếp thị dự án dầu thô do Chính phủ nước này kiểm soát.
Theo ông Jagdeo, Ấn Độ đã vận động hành lang Guyana trong hai năm - rất lâu trước khi bùng nổ dầu mỏ ở Guyana, nhưng cả hai đã không thể đi đến một thỏa thuận.
Đồng thời cho biết thêm rằng bất kỳ hoạt động bán dầu thô nào từ Guyana sang Ấn Độ sẽ “phải tuân theo các điều khoản thương mại, không phải là một điều khoản giảm giá”.
Ấn Độ cho biết họ quan tâm đến việc tìm nguồn cung ứng dầu thô với giá cả phải chăng để bù đắp cho chi phí vận chuyển dầu thô đến Ấn Độ đắt đỏ.
“Dầu thô Guyana rất đắt đỏ đối với chúng tôi vì cước vận chuyển cao. Thay vì trả phí vận chuyển với mức giá đắt cắt cổ, chúng tôi có thể mua dầu từ Trung Đông, phía Đông và phía Tây châu Phi”, một người quen thuộc với các thương nhân Ấn Độ cho biết, theo Reuters.
“Nếu không nhượng bộ, dầu thô của Guyana không có ý nghĩa thương mại đối với chúng tôi”, người này chia sẻ.
Bất chấp việc Guyana không sẵn sàng cung cấp dầu thô giá rẻ cho Ấn Độ, quốc gia giàu dầu mỏ này vẫn háo hức mời chào Ấn Độ tham gia vào bàn đấu giá cho cuộc đấu giá dầu cạnh tranh đầu tiên, dự kiến được tổ chức vào cuối mùa hè này. Trong cuộc đấu giá đó, 14 lô ngoài khơi sẽ được đưa ra đấu giá. Ấn Độ chưa cho biết có tham gia hay không.
Tuy nhiên, ông Jagdeo khẳng định rằng mặc dù chưa đạt được thỏa thuận về dầu mỏ nhưng nước này sẽ tiếp tục thảo luận với Ấn Độ về các lĩnh vực hợp tác khác, bao gồm cả nông nghiệp và y tế.
Theo Tổng thống Irfaan Ali, sản lượng dầu của Guyana có thể vượt 1 triệu thùng/ngày trong 3 năm, tăng doanh thu cho chính phủ từ gần 4 tỉ USD trong năm 2022 lên 10 tỉ USD vào năm 2025.
Được cho là có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Guyana đang cố tránh "lời nguyền dầu mỏ" bằng chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn. Trong đó, hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng, nhất là khi nước này phân cách với các nước láng giềng bởi rừng và sông.
Điệp Nguyễn (Theo Oilprice)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ly-do-guyana-tu-choi-ban-dau-gia-re-cho-an-do-post244863.html