Lý do không đưa việc phân hạng bằng lái xe vào luật
Bộ GTVT và Bộ Công an vừa có văn bản giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra về các vấn đề trong dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Sau khi nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (GTĐB), Bộ GTVT và Bộ Công an vừa có văn bản tiếp thu, giải trình cơ quan thẩm tra về hai dự luật trên. Trong đó, Bộ GTVT tiếp thu hầu hết các ý kiến của Bộ Tư pháp, còn Bộ Công an giải trình và làm rõ một số quy định đã đưa vào dự luật.
Bộ GTVT bỏ một số quy định đã có ở luật khác
Đối với dự luật Đường bộ, Bộ Tư pháp thẩm định bảy nội dung chính. Trong đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các đề xuất mang tính chất sửa các luật khác. Cụ thể như quy định về sử dụng ngân sách địa phương này để hỗ trợ địa phương khác làm đường; quy định không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng để đầu tư xây dựng đường cao tốc và các công trình phục vụ khai thác đường cao tốc…; quy định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng bao gồm chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng…
Cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Bộ GTVT bỏ quy định ưu đãi thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện; ưu đãi lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch theo quy định của pháp luật. “Vì Thủ tướng có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành không lồng ghép các chính sách ưu đãi thuế vào các văn bản quy phạm pháp luật khác…” - Bộ Tư pháp cho hay.
Giải trình các nội dung trên, Bộ GTVT tiếp thu và bỏ khỏi dự luật, đồng thời chỉnh lý, làm rõ một số nội dung theo đề nghị của cơ quan thẩm tra. Chẳng hạn, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc sửa đổi quy định “kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách bằng taxi là loại hình KDVT hành khách sử dụng ô tô con để thực hiện vận chuyển theo yêu cầu của hành khách...”.
“Vì quy định như dự luật sẽ được hiểu rằng mọi hoạt động KDVT hành khách sử dụng ô tô dưới 10 chỗ là KDVT hành khách bằng taxi. Chỉ ô tô từ 10 chỗ trở lên mới được sử dụng để KDVT hành khách theo hợp đồng…” - Bộ Tư pháp nêu quan điểm.
Về ý kiến này, Bộ GTVT cho rằng quy định trên được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua, hiện nay các taxi đều là ô tô dưới 10 chỗ, taxi với mục tiêu di chuyển nhiều, chủ yếu là quãng đường ngắn, phục vụ cho hành khách tại các đô thị. Đồng thời, hiện nay xe hợp đồng dưới 10 chỗ đều đang hoạt động như taxi, cách tính tiền, gọi xe, kết nối với hành khách đều giống nhau…
Vì sao không đưa việc phân hạng bằng lái xe vào luật?
Về dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Tư pháp cũng thực hiện thẩm định gần 30 nội dung lớn nhỏ. Trong đó, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên 17 nội dung như dự luật.
Chẳng hạn, Bộ Tư pháp cho rằng khoản 8 Điều 50 dự luật không quy định cụ thể về hạng giấy phép lái xe (GPLX), thời hạn GPLX mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu đề nghị xây dựng dự luật, Bộ Công an lại đề xuất giải pháp “luật hóa” một số quy định tại thông tư, nghị định để đảm bảo tính minh bạch, khả thi nhưng nay lại bỏ ra ngoài.
Trong khi đó, hạng GPLX từ lâu đã được quy định tại Điều 59 Luật GTĐB năm 2008. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình lý do giao Chính phủ quy định hạng GPLX mà không quy định cụ thể tại dự thảo luật.
Giải trình vấn đề này, Bộ Công an cho rằng việc quy định như dự thảo luật là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan đã và sẽ phát sinh, xuất hiện nhiều kiểu loại phương tiện giao thông mới mà chưa được phân hạng GPLX phù hợp.
Nếu quy định cụ thể về phân hạng GPLX trong dự thảo luật sẽ không đảm bảo tính ổn định, linh hoạt phù hợp với thực tiễn hoặc khi các điều ước quốc tế có sự thay đổi. Việc quy định như vậy không mâu thuẫn với các điều ước quốc tế. Do đó, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên nội dung như dự thảo luật.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quy định về kiểm định khí thải xe máy. Vì dự luật chưa rõ việc kiểm định chất lượng được thực hiện trước khi phương tiện giao thông được đưa vào lưu hành hay trong quá trình lưu hành phương tiện giao thông. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định nội dung này tại dự thảo luật, đồng thời đánh giá tính khả thi trong việc tổ chức thực thi quy định này, đặc biệt là đảm bảo đủ đăng kiểm viên để thực hiện việc đăng kiểm các phương tiện này.
Về nội dung này, Bộ Công an thông tin ngắn gọn: “Bảo vệ môi trường là chiến lược quốc gia và chiến lược toàn cầu, bởi vậy việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do khí thải của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, mô tô, xe gắn máy là yêu cầu bắt buộc. Do vậy, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên nội dung như dự thảo luật...”.•
Cấu trúc mới nhất của hai dự án luật
Sau khi chỉnh lý, dự luật Đường bộ còn 6 chương, 92 điều. Luật Trật tự, an toàn GTĐB có 9 chương và 81 điều.
Như vậy, hiện nay dự thảo Luật Đường bộ chỉ còn hai nhóm chính sách, gồm: hoàn thiện khung pháp lý về kết cấu hạ tầng đường bộ và hoàn thiện khung pháp lý về vận tải đường bộ.
Luật Trật tự, an toàn GTĐB quy định về bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, bao gồm: quy tắc GTĐB; phương tiện GTĐB; người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; chỉ huy, điều khiển GTĐB; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn GTĐB; giải quyết tai nạn GTĐB; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-do-khong-dua-viec-phan-hang-bang-lai-xe-vao-luat-post747676.html