Lý do Mỹ tịch thu máy bay của Venezuela

Ngày 6-2-2025, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thay mặt Chính phủ Mỹ chính thức tịch thu máy bay thứ hai của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Ngoại trưởng Mỹ (ngoài cùng bên phải) đứng cạnh chiếc máy bay của Chính phủ Venezuela bị Mỹ tịch thu

Ngoại trưởng Mỹ (ngoài cùng bên phải) đứng cạnh chiếc máy bay của Chính phủ Venezuela bị Mỹ tịch thu

Theo ông Edwin Lopez - Tùy viên Cơ quan điều tra An ninh nội địa Mỹ tại Santo Domingo, máy bay bị tịch thu là chiếc Dassault Falcon 200EX (số đuôi YV-3360) do đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Nó đã bị giữ tại Santo Domingo thuộc Cộng hòa Dominica kể từ tháng 4-2024. Ngoại trưởng Marco Rubio đang có chuyến công du quốc đảo thuộc vùng biển Caribbean này và đã chứng kiến thủ tục dán lệnh bắt giữ lên cửa máy bay.

Vụ tịch thu bắt nguồn từ một lệnh hành pháp năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump nhằm cấm công dân Mỹ tham gia vào các giao dịch với bất kỳ ai làm việc cho (hoặc thay mặt cho) Công ty dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA). Vào tháng 1-2020, Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đã xác định 15 máy bay nằm trong lệnh này. Thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, máy bay này được PDVSA mua từ Mỹ vào năm 2017. Nó đã được “bảo dưỡng, bảo trì nhiều lần bằng các bộ phận, linh kiện từ Mỹ” (bao gồm cụm phanh, màn hình hiển thị chuyến bay điện tử, máy tính quản lý chuyến bay), tất cả đều vi phạm Luật Kiểm soát xuất khẩu và Luật trừng phạt của Mỹ. Nó sẽ được đưa đến Miami trong những tháng tới.

Mối quan hệ giữa Caracas và Washington đã trải qua căng thẳng trong nhiều thập kỷ và đây là vụ tịch thu máy bay thứ hai sau một sự việc tương tự hồi tháng 9-2024. Khi đó, 1 máy bay phục vụ quan chức Venezuela đã bị tịch thu khi đang ở Cộng hòa Dominica, sau đó đưa về Florida. Tổng Chưởng lý Merrick Garland cho biết, chiếc máy bay đã được “mua bất hợp pháp với giá 13 triệu USD thông qua một công ty bình phong và tuồn lậu ra khỏi nước Mỹ để ông Nicolas Maduro và những người thân cận sử dụng”. Phản ứng về việc này, Chính phủ Venezuela cáo buộc Washington leo thang “hành vi xâm lược” đối với chính quyền Tổng thống Maduro.

Được biết, nhà chức trách Mỹ đã theo dõi 2 chiếc máy bay này trong ít nhất 5 năm. Một thông cáo báo chí năm 2020 từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chiếc máy bay bị tịch thu hôm 6-2-2025 “đã được sử dụng trong suốt năm 2019 để chở các thành viên cấp cao của chính quyền Tổng thống Maduro”, bao gồm cả chuyến đi của Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Salvador Quevedo Fernandez (người cũng bị áp lệnh trừng phạt) đến một cuộc họp của OPEC tại Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.

Tùy viên Edwin Lopez còn giải thích với Ngoại trưởng Marco Rubio rằng, từ 2 chiếc máy bay này, Mỹ sẽ có thêm một kho tàng thông tin tình báo bao gồm danh sách tất cả các thành viên của Không quân Venezuela cùng thông tin nhận dạng cá nhân, biên lai và danh sách chuyến bay của họ. “Phần cũng có giá trị là bộ đáp tín hiệu, cho phép họ có được thông tin đã bị các phi công chặn trong khi bay” - ông Lopez nói thêm.

Theo ông Roberto Alvarez - Ngoại trưởng Cộng hòa Dominica, Mỹ đã yêu cầu phải vô hiệu hóa chiếc máy bay (vốn được ví như chuyên cơ Không lực 1 của Venezuela) để họ có thể tìm kiếm “bằng chứng và đồ vật liên quan đến các hoạt động gian lận, buôn lậu hàng hóa cho các hoạt động bất hợp pháp và rửa tiền”. Trong nhiều năm, Mỹ đã tìm cách phá vỡ dòng tiền hàng tỷ USD chảy vào Venezuela. Cơ quan điều tra An ninh nội địa Mỹ đã tịch thu hàng chục chiếc xe sang cùng các tài sản khác đang trên đường đến Venezuela. Vào tháng 3-2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro cùng 14 quan chức Venezuela về tội khủng bố, buôn bán ma túy và tham nhũng. Tuy nhiên, chính phủ của ông Maduro từ lâu đã bác bỏ những điều này.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-my-tich-thu-may-bay-cua-venezuela-post602941.antd