Lý do ngày càng nhiều người Việt phát hiện mắc ung thư

Gần 10 năm trở lại đây, lượng người Việt ra nước ngoài điều trị ung thư không còn nhiều như trước. Các nước trên thế giới có kỹ thuật điều trị ung thư nào mới, Việt Nam cũng có.

Ngành ung thư ở Việt Nam chỉ mới phát triển trong 20 năm trở lại đây, nhưng chúng ta đã cập nhật được những công nghệ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.

Việt Nam cũng không thua các nước tiên tiến về khoa học ứng dụng, mỗi khi có một phương pháp điều trị ung thư mới, bác sĩ của ta tiếp nhận và triển khai rất nhanh.

Thông tin được TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews.

Điều trị ung thư ở Việt Nam rẻ hơn nhiều so với nước ngoài

- Bác sĩ nhận định thế nào về tình hình ung thư ở Việt Nam trong những năm qua?

- Theo số liệu Globocan (một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) năm 2022 vừa được công bố đầu tháng 3, Việt Nam có 180.400 ca mắc ung thư mới và 120.000 ca tử vong. Riêng tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi năm người bệnh ung thư tăng khoảng 25%. Một phần nguyên nhân là trung tâm mở rộng quy mô hoạt động.

Bệnh ung thư đang có xu hướng tăng nhanh ở các nước đang phát triển, Việt Nam cũng phải đối phó với vấn đề này trong thời gian tới.

5 loại ung thư đang phổ biến tại Việt Nam lần lượt là ung thư vú, gan, phổi, đại trực tràng, dạ dày. Trong đó, ung thư gan vẫn chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất, sau đó đến phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

- Vậy theo ông, đâu là căn nguyên chính khiến số ca bệnh ung thư được ghi nhận ngày càng cao ở Việt Nam?

- Thực tế, ung thư cũng giống như nhiều loại bệnh khác, rất khó tìm ra một nguyên nhân nào chính xác khiến bệnh gia tăng. Tỷ lệ ung thư ở Việt Nam tăng và có sự dịch chuyển thứ tự theo xu hướng toàn cầu.

 TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BSCC.

TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BSCC.

Nguyên nhân gây ra ung thư thường đến từ hai yếu tố, nội sinh là gene hoặc đột biến từng cá thể. Ngoại sinh từ ô nhiễm môi trường, sử dụng chất kích thích như rượu bia, hút thuốc lá; ngộ độc, tiếp xúc hóa chất, tia UV; lối sống hiện đại ít vận động...

Ngoài ra, một yếu tố khách quan hiện nay xuất hiện ở các nước là tuổi thọ trung bình tăng cao, mặc định tỷ lệ bệnh tật cũng tăng.

- Có thời điểm ông từng trăn trở là nhiều người Việt phải sang nước ngoài để điều trị ung thư, nhưng với những bước tiến của ngành ung thư tại Việt Nam như hiện nay, tình hình này có chuyển biến?

- Trong 10 năm gần đây, lĩnh vực ung thư ở nước ta phát triển rất mạnh. Từ lúc Việt Nam chỉ có 7 máy xạ trị gia tốc, đến giờ thiết bị đã phủ khắp cả nước. Mạng lưới bác sĩ điều trị ung thư tăng nhiều.

Thông qua các cuộc trao đổi, đi học nước ngoài, hội thảo, tay nghề của bác sĩ trong nước cũng được nâng lên. Minh chứng rõ ràng nhất là chúng ta đã giữ chân được bệnh nhân ở lại trong nước điều trị, tỷ lệ tăng lên rõ rệt. Thậm chí, số lượng người bệnh là người nước ngoài, Việt kiều, ngoại kiều đến Việt Nam điều trị ung bướu cũng tăng.

Trong 5 năm gần đây, các bệnh viện gặp khó khăn trong công tác đấu thầu để mua sắm trang thiết bị hiện đại, có lẽ vì vậy mà phát triển kỹ thuật mới trong điều trị ung thư cũng bị chững lại.

Tuy nhiên, về kiến thức trong chẩn đoán, điều trị ung thư lại phát triển vượt bậc. Đơn cử như nhân lực của Trung tâm Ung bướu tập trung phát triển ứng dụng thuốc mới điều trị ung thư như nhóm thuốc nhắm trúng đích ứng dụng cho hơn 20 loại ung thư, hiệu quả ngày một vượt trội.

- Theo bác sĩ, đâu là yếu tố giúp ngành ung thư Việt Nam phát triển nhanh như vậy?

- Có 5 yếu tố chính giúp ngành ung thư ở Việt Nam phát triển vượt bậc trong những năm qua. Thứ nhất là mua sắm được máy móc hiện đại. Thứ hai là mời được chuyên gia nước ngoài, tiếp đến là nâng cao chất lượng đào tạo cho bác sĩ.

Thứ tư là tổ chức được những hội thảo ung thư mang tầm khu vực và quốc tế. Điều cuối cùng là tối ưu chi phí và truyền thông tốt.

Riêng về chi phí, đây là yếu tố quan trọng để giữ chân bệnh nhân ở lại trong nước điều trị và thu hút người bệnh nước ngoài đến với chúng ta.

Điều trị ung thư ở Việt Nam rẻ hơn nhiều lần so với nước ngoài. Ví dụ, một lần xạ trị ở Singapore có giá khoảng 6 triệu đồng/lần, nhưng ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân chỉ mất khoảng 1.550.000/lần. Tổng chi phí xạ trị ở Singapore rơi vào khoảng gần 15.000-20.000 USD, thì ở Việt Nam chỉ 30-40 triệu đồng nhưng bảo hiểm y tế đã chi trả 80%.

Bên cạnh đó, thuốc sử dụng trong ung thư được bán cho bệnh nhân ở các quốc gia khác cũng cao hơn Việt Nam 20-30%. Tại các bệnh viện công của nước ta, thuốc mua vào bao nhiêu phải bán cho bệnh nhân đúng giá như vậy, không có lợi nhuận chênh lệch và không bị đội giá.

 Bên trong phòng pha chế thuốc cho các bệnh nhân hóa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Bên trong phòng pha chế thuốc cho các bệnh nhân hóa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu.

Tiến bộ trong điều trị ung thư ở Việt Nam

- Qua quan sát của ông, Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ khu vực về điều trị ung thư?

- Trong điều trị ung thư có 2 nhánh: Đầu tiên là khoa học nghiên cứu, tức là những nhà khoa học sẽ có công trình nghiên cứu chuyên sâu, hàn lâm về một phương pháp điều trị hoặc mặt bệnh nào đó. Khi đạt được kết quả, họ sẽ công bố kỹ thuật điều trị mới. Thông thường, điều này sẽ diễn ra ở các nước phát triển, họ vốn đã có kinh nghiệm trăm năm trong điều trị ung thư.

Thứ hai là khoa học ứng dụng, thường xuất hiện ở các nước đang phát triển. Họ sẽ kế thừa những kỹ thuật đã được nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn. Khi gặp những ca khó, khoa học ứng dụng sẽ tìm về khoa học nghiên cứu để có hướng đi.

Nếu đánh giá về khoa học ứng dụng, Việt Nam đã sánh vai được với các nước tiên tiến xung quanh như Thái Lan, Singapore. Tất cả kỹ thuật mới nào ra đời trên thế giới, Việt Nam cũng có thể áp dụng được nếu có máy móc. Tuy nhiên, về khoa học nghiên cứu, chúng ta còn cách rất xa các nước như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.

- Theo ông, ngành ung thư Việt Nam đã và đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?

- Ngành ung thư của nước ta còn rất non trẻ so với các nước phát triển, vì vậy, bác sĩ điều trị ung thư cần học hỏi và dung nạp một lượng kiến thức rất lớn để tiến bộ từng ngày.

Ở các bệnh viện hiện nay còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cách đào tạo của các trường đại học sức khỏe cũng cần thay đổi, cập nhật những kiến thức mới.

Để phát triển xa hơn, Việt Nam cần đầu tư mạnh cho khoa học nghiên cứu, mở những trung tâm thí nghiệm kết hợp với viện - trường tạo ra những công trình nghiên cứu chất lượng. Các bác sĩ hiện quá bận cho việc chăm sóc bệnh nhân, không có thời gian tham gia nghiên cứu.

 Mỗi ngày, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 700 lượt bệnh nhân đến hóa, xạ trị. Ảnh: Khương Nguyễn.

Mỗi ngày, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 700 lượt bệnh nhân đến hóa, xạ trị. Ảnh: Khương Nguyễn.

Ngoài ra, chúng ta cần đầu tư các trang thiết bị máy móc, mở rộng cơ sở vật chất để giảm hiện tượng quá tải, nhằm đáp ứng tốt nhất cho số lượng người bệnh ung thư ngày một tăng.

- Trải qua gần 25 năm hoạt động, theo ông Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy đã trải qua những gì để trở thành một đơn vị điều trị ung thư lớn tại phía Nam như hiện nay?

- Xuất phát điểm của Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy là khoa Ung bướu, được thành lập năm 2000. Ở thời điểm đó, bác sĩ điều trị ung thư rất ít, máy móc phục vụ cho mặt bệnh này cũng đếm trên đầu ngón tay. Những bệnh nhân bị ung thư và mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy phải chuyển đi bệnh viện khác để xạ trị, cần chờ ít nhất là 6 tháng, có người trở nặng trong quá trình chờ xạ.

Sau đó, trung tâm được sắm 2 máy xạ trị gia tốc tuyến tính đầu tiên ở phía Nam, giải quyết bài toán chờ đợi cho người bệnh. Cùng với sự tiến bộ của máy móc, kỹ thuật điều trị cũng phát triển theo, trung tâm đã triển khai được kỹ thuật xạ trị 3D và xạ trị nhắm trúng đích.

Bây giờ kỹ thuật này đã trở nên phổ biến, Bệnh viện Chợ Rẫy đang hướng đến áp dụng được các kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới giúp tăng hiệu quả xạ trị, kéo dài sự sống cho người bệnh. Hiện 2 máy xạ trị gia tốc đã được thay thế bằng 5 máy xạ trị gia tốc tuyến tính thế hệ mới nhất, một máy xạ phẫu.

Ngoài ra, Bệnh viện Chợ Rẫy tận dụng được hệ thống chẩn đoán hình ảnh CT, MRI, PET/CT, giúp cho bác sĩ có hình ảnh học phân tử chẩn đoán chính xác ung thư.

Trong một buổi hội thảo ung thư của trung tâm, có chuyên gia người Singapore chia sẻ rằng sang Việt Nam ngồi một buổi có thể gặp được những ca bệnh ung thư mà mất cả năm ở nước họ mới gặp một lần.

Nguyễn Thuận - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ly-do-ngay-cang-nhieu-nguoi-viet-phat-hien-mac-ung-thu-post1478865.html