Lý do ngộ độc thực phẩm phổ biến vào mùa hè

Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, người dân tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm.

 Mùa hè trẻ em dễ bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Freepik.

Mùa hè trẻ em dễ bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Freepik.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3), thời tiết oi bức tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn đường ruột, sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Thói quen chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách, để thức ăn quá lâu ngoài môi trường nóng ẩm là những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi cơ thể hấp thụ phải thức ăn, nước uống nhiễm khuẩn, nhiễm độc, thực phẩm ôi thiu, biến chất hoặc chứa quá liều chất bảo quản, phụ gia. Tùy mức độ, ngộ độc nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng trường hợp nặng có thể gây biến chứng nghiêm trọng, thậm chí không qua khỏi nếu không được cấp cứu kịp thời.

Các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm thường gặp bao gồm vi khuẩn Salmonella, độc tố tụ cầu Staphylococcus, độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, độc tố vi nấm Aflatoxin, virus viêm gan A, virus Norwalk, sán lá gan nhỏ, kim loại nặng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các chất phụ gia, bảo quản không được phép hoặc vượt quá liều lượng.

Triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau vài phút đến vài ngày sau khi ăn uống. Các dấu hiệu đặc trưng bao gồm đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy. Tùy theo nguyên nhân, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng như sốt, nhức đầu, chóng mặt, mạch nhanh, khát nước, khô môi, thậm chí các biểu hiện thần kinh, tim mạch và tiêu hóa.

Ngộ độc thực phẩm nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn thần kinh, tim mạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa và làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể.

Khi phát hiện các dấu hiệu ngộ độc, người bị ngộ độc nên gây nôn, đây là biện pháp quan trọng để loại bỏ bớt chất độc ra khỏi cơ thể. Đồng thời, cần bù nước bằng cách cho người bệnh uống nhiều nước hoặc dung dịch oresol pha đúng cách.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo không tự ý gây nôn cho người bệnh có dấu hiệu co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp. Sau khi sơ cứu, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ly-do-ngo-doc-thuc-pham-pho-bien-vao-mua-he-post1547342.html