Lý do số ca mắc đậu mùa khỉ tăng 'đột biến'
Trong bối cảnh bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh, một số giả thuyết được đặt ra là Covid-19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch, phong tỏa, giãn cách xã hội, đã thay đổi tình trạng miễn dịch của cơ thể. Từ đó, khiến sức đề kháng giảm và dễ bị tấn công bởi các bệnh.
Bệnh cảnh thay đổi
Đến ngày 26/6, toàn cầu ghi nhận 4.147 ca mắc đậu mùa khỉ. Trong chưa đầy hai tháng, dịch đã lan ra gần 50 quốc gia, chủ yếu tại châu Âu. Đặc biệt, Vương quốc Anh là nơi đầu tiên cảnh báo về căn bệnh này. Đây đồng thời cũng là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc đậu mùa khỉ nhất trên thế giới.
Chia sẻ về căn bệnh này, GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh cảnh lâm sàng của đậu mùa khỉ trong vụ dịch hiện nay thay đổi so với trước kia.
“Theo cổ điển, các ban đậu từ mẩn đỏ, mụn gồ lên, có mụn nước và có mủ (bị nhiễm trùng) cuối cùng khô lại đóng vảy đen. Các ban thường ở mặt, tay chân và thân mình với số lượng có thể lên tới 200 tổn thương cùng lúc. Hiện nay, tổn thương có vẻ khu trú hơn nhất là ở bộ phận sinh dục”, GS Hiền cho biết.
Ông dẫn chứng, ở người mắc đậu mùa khỉ hiện nay, các triệu chứng lâm sàng sẽ xuất hiện từ 5 - 21 ngày sau phơi nhiễm. Các triệu chứng bao gồm sốt, lạnh run, nổi hạch.
Các tổn thương này sẽ xuất hiện sau khi người bệnh sốt từ 1 - 3 ngày và kéo dài từ 2 - 4 tuần. Hiện nay, người có tiếp xúc gần với bệnh nhân và đặc biệt là nhóm đồng tính nam có liên quan đến ca bệnh.
GS Hiền dẫn chứng, Tạp chí y khoa New England Journal of Medicine đã đăng tải về một trường hợp bị đậu mùa khỉ trên bệnh nhân 32 tuổi. Bệnh nhân được ghi nhận có tổn thương ở quanh và trong hậu môn, dương vật, cùng thân mình.
Covid-19 khiến sức đề kháng giảm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bệnh đậu mùa khỉ chưa phải trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. WHO từng nhận định, dịch đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ không trở thành đại dịch. Theo các chuyên gia, đậu mùa khỉ có khả năng lây lan ít hơn so với Covid-19. Bệnh lây truyền khi tiếp xúc rất gần, phần lớn là chạm da hoặc sờ lâu vào quần áo, chăn gối, ga của người bệnh.
Trong khi đó, Covid-19 và các biến chủng rất dễ lây lan, đặc biệt trong phòng kín, qua tiếp xúc, nói chuyện. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ. Một số vắc-xin phòng bệnh đậu mùa được cho là có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Một khác biệt nữa ở đậu mùa khỉ hiện tại là dịch tễ học của bệnh. So với các năm trước, số bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tăng “đột biến”. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao bệnh lan truyền mạnh trong năm nay.
“Nghi ngờ virus đột biến đã được loại trừ, sau khi giải mã bộ gen cho thấy không có thay đổi quan trọng và đây là chủng ở vùng Tây Phi với tỷ lệ tử vong thấp.
Một giả thuyết khác cho rằng, Covid-19 – chính SARS-CoV-2 hay các biện pháp phòng chống như phong tỏa, giãn cách xã hội, biện pháp vệ sinh đã làm thay đổi tình trạng miễn dịch của cơ thể chúng ta.
Từ đó, khiến sức đề kháng giảm, dễ bị bệnh do vi khuẩn hay virus gây ra, mà trước đó đã được chế ngự. Giả thuyết này cần được kiểm chứng”, chuyên gia chia sẻ.
Để phòng bệnh đậu mùa khỉ, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa. Tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, những người này cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục. Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ.
Không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã. Không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ly-do-so-ca-mac-dau-mua-khi-tang-dot-bien-post598753.html