Lý do thời Tự Đức định đổi quốc hiệu Đại Nam thành Đại Hóa
Dưới thời Tự Đức, quốc hiệu Đại Hóa từng được đem ra định xét. Bản Tấu của Cơ Mật viện, năm Tự Đức 30 (1877), cho biết vì sao triều đình định đổi quốc hiệu Đại Nam thành Đại Hóa.
![Tái hiện cảnh vua Nguyễn ban chiếu chỉ ở Điện Thái Hòa. Nguồn: tracuuquyhoach / Hiếu Trương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51426287/5e0db0f58abb63e53aaa.jpg)
Tái hiện cảnh vua Nguyễn ban chiếu chỉ ở Điện Thái Hòa. Nguồn: tracuuquyhoach / Hiếu Trương
Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại... biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế.
Những lần đặt, thay đổi quốc hiệu của các bậc đế vương nước Việt
Từ thời xa xưa, các bậc đế vương nước Việt đã có nhiều lần đặt, thay đổi quốc hiệu cho phù hợp với tình hình đất nước. Đặc biệt, việc đặt quốc hiệu, xưng đế của các triều vua nước Việt thể hiện lòng tự tôn dân tộc rất cao.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quốc hiệu đầu tiên của nước ta là Xích Quỷ. Tuy nhiên, theo các nhà sử học, đó là truyền thuyết không có thật. Các di chỉ khảo cổ học cho rằng Văn Lang (tồn tại từ khoảng thế kỷ 7 đến năm 257 TCN) là quốc hiệu đầu tiên của nước ta trong buổi đầu lịch sử. Nhà nước Văn Lang được cai trị bởi các vua Hùng. Sau Văn Lang là Âu Lạc (năm 257 TCN - đầu thế kỷ thứ 2 TCN) được dựng lên từ liên kết các bộ lạc Lạc Việt (Văn Lang) và Âu Việt, dưới uy thế của Thục Phán An Dương Vương.
Trong thời Bắc thuộc, nước ta chỉ có một quốc hiệu duy nhất là Vạn Xuân. Nước Vạn Xuân được thành lập năm 544 khi cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lế Nam Đế) giành được thắng lợi. Tuy đây là quốc hiệu của nước ta chỉ trong một thời kỳ độc lập ngắn ngủi, nó đã khẳng định niềm tự tôn dân tộc, tinh thần độc lập và mong muốn đất nước được bền vững muôn đời.
Trong thời phong kiến độc lập, nước ta có nhiều quốc hiệu khác nhau. Trong đó, quốc hiệu Đại Việt tồn tại lâu nhất.
Quốc hiệu nước ta trong kỷ nguyên độc lập là Đại Cồ Việt (968-1054) có từ Triều Đinh (968-979), Tiền Lê (980-1009) và đầu Triều Lý (1010-1054).
Sau Đại Cồ Việt là Đại Việt (1054-1804), là quốc hiệu do vua Lý Thánh Tông đặt sau khi lên ngôi đến năm 1804, trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Tây Sơn, khoảng 743 năm.
Đại Ngu (1400-1407) là quốc hiệu của nước ta riêng thời nhà Hồ, được Hồ Quý Ly đặt sau khi phế Trần Thiếu Đế và lên nắm quyền. Chữ Ngu ở đây có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình”.
![Mộc bản sách Đại Nam thực lục chép vua Gia Long đổi quốc hiệu thành Việt Nam vào năm Giáp Tý (1804). Nguồn: Mộc bản triều Nguyễn - TTLTQGIV.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51426287/8bdecd26f7681e364779.jpg)
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chép vua Gia Long đổi quốc hiệu thành Việt Nam vào năm Giáp Tý (1804). Nguồn: Mộc bản triều Nguyễn - TTLTQGIV.
Quốc hiệu thời Nguyễn và chuyện bàn định đổi tên thời Tự Đức
Dưới triều Nguyễn, nước ta có hai quốc hiệu là Việt Nam và Đại Nam.
Sau khi chính thức lên ngôi và sắp đặt chính trị ổn định, vua Gia Long đã sai Lê Quang Định cùng các sứ thần sang nước Thanh cầu phong và đề nghị công nhận quốc hiệu Nam Việt với ý nghĩa “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng lớn, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã vỗ yên được toàn cõi Việt, nên cho khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”.
Tuy nhiên, vua Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt nên không muốn cho (có thể gây hiểu lầm với nước Nam Việt của Triệu Đà thuở trước, vốn có lãnh thổ mở rộng tới cả Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc. Nhà Thanh vì thế không tán đồng tên Nam Việt). Vua Gia Long hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước. Sau cùng, Gia Long chấp nhận tên nước Việt Nam.
Ngày 17 tháng 2 năm Giáp Tý (1804), vua đặt quốc hiệu là Việt Nam và đem việc cáo Thái miếu, đồng thời xuống chiếu bố cáo trong ngoài.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, với tầm nhìn xa trông rộng của một người ham đổi mới/cải cách, vua đã đề nghị nhà Thanh cho đổi tên nước là Đại Nam với ngụ ý là một nước lớn ở phương Nam nhưng vua nhà Thanh không chấp thuận.
Tuy nhiên đến năm 1838 (tức Minh Mạng năm thứ 19), không cần sự cho phép của vua nhà Thanh, vua chính thức cho đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam.
Sách Đại Nam thực lục đã ghi lời dụ của vua Minh Mạng cho biết vì sao vua đổi tên quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam như sau: “... Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng đều thuộc vào trong bản đồ, bờ biển rừng sâu khắp nơi đều theo về cả. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam thì càng tỏ nghĩa lớn...
Chuẩn từ nay trở đi, Quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô phải chiếu theo đó tuân hành. Giả hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam về lẽ vẫn phải, không được nói hai chữ Đại Việt. Còn Hiệp kỷ lịch năm nay trót đã ban hành thì không phải thay đổi hết thảy... Lấy năm Minh Mạng thứ 20 bắt đầu đổi thành chữ Đại Nam mà ban hành để chính tên hiệu cho các nơi xa gần đều biết”.
Quốc hiệu Đại Nam chính thức được sử dụng từ đó cho đến hết triều Nguyễn năm 1945.
![Trang đầu và trang cuối bản Tấu của Cơ mật viện bàn bạc việc đổi quốc hiệu làm Đại Hóa năm Tự Đức 30 (1877). Nguồn: Châu bản triều Nguyễn - TTLTQGI.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_119_51426287/6e112ae910a7f9f9a0b6.jpg)
Trang đầu và trang cuối bản Tấu của Cơ mật viện bàn bạc việc đổi quốc hiệu làm Đại Hóa năm Tự Đức 30 (1877). Nguồn: Châu bản triều Nguyễn - TTLTQGI.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, dưới thời vua Tự Đức, quốc hiệu Đại Hóa từng được triều đình đem ra định xét. Bản Tấu của Cơ Mật viện, năm Tự Đức 30 (1877), do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I công bố đã cho biết vì sao triều đình định đổi quốc hiệu Đại Nam thành Đại Hóa.
Bản tấu tấu trình rằng: Gần đây, phụng Châu phê giao cho xem xét việc thay đổi quốc hiệu, chúng thần đã cùng Đình thần bàn bạc dâng phiến phúc trình... Trộm xét, khoảng năm Minh Mệnh kính vâng Thánh dụ đã đổi (quốc hiệu) làm Đại Nam, nghĩ rằng chữ ấy cũng khá đẹp, xứng đáng mà không thể mai một, nhưng xét chữ ấy vẫn chưa làm rõ được gốc tích. Nay chuẩn xin cải đổi làm Đại Hóa để không quên nguồn gốc...
...Thanh Hóa là nơi nước ta phát tích điềm lành, Thuận Hóa là nơi mở ra cơ nghiệp thì chữ Hóa mang được cả hai nghĩa. Việc gọi Đại Hóa cũng như từ Việt Nam mà gọi Đại Nam văn nghĩa cũng không cách xa nhau...
Bản Tấu được vua Tự Đức Châu phê rằng: Truyền đợi (các nơi được hỏi) đều có phúc trình xem thế nào sẽ bàn tiếp.
Tuy nhiên, sau đó việc này không thấy được nhắc lại và quốc hiệu Đại Hóa mới dừng ở việc bàn bạc chứ chưa từng được thực hiện.