Lý giải ca tái dương tính Covid-19 ở Hà Nội
Bệnh nhân 1150 tái dương tính không phải là trường hợp hiếm tại Việt Nam. Trường hợp lâu nhất từng tái dương sau 52 ngày.
Hà Nội vừa công bố trường hợp bệnh nhân 1150, 55 tuổi tái dương tính sau 4 ngày xuất viện. Ca bệnh 1150 được công bố ngày 24/10, là ca nhập cảnh trở về từ Pháp, được cách ly tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bệnh nhân này từng có thời gian điều trị 37 ngày tại Trung tâm Y tế huyện Long Điền với nhiều lần xét nghiệm trước khi xuất viện trở về nhà.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, việc xuất hiện các ca bệnh Covid-19 tái dương tính không phải là vấn đề mới, nhiều nước trên thế giới cũng ghi nhận rất nhiều, do vậy người dân không nên quá lo lắng. Tại Trung Quốc từng ghi nhận tới 12.000 ca tái dương tính.
“Khi theo dõi dịch tễ các ca tái dương tính ở Nhật Bản, Trung Quốc… đều không lây nhiễm cho bất kỳ trường hợp nào dù họ đã về cộng đồng cách ly. Những người F1 tiếp xúc gần cũng hoàn toàn âm tính”, GS Kính nói.
Hầu hết những trường hợp tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.
Tại Việt Nam, khi nuôi cấy lại virus từ những ca tái dương tính, virus đều không phát triển. Xét nghiệm F1 cũng không ai bị nhiễm. Qua theo dõi đến nay Việt Nam đã ghi nhận hàng chục ca tái dương tính nhưng chưa có ca nào lây nhiễm ra cộng đồng, xét nghiệm máu thấy có kháng thể, là bằng chứng khẳng định tái dương tính.
Vào thời điểm tháng 5, bệnh nhân 188, nhân viên công ty Trường Sinh làm việc tại Bạch Mai được phát hiện tái dương tính sau 52 ngày ra viện. Đây là trường hợp tái dương tính sau ra viện lâu nhất tại Việt Nam.
PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải thích thêm, kết quả nuôi cấy virus từ các ca dương tính trong suốt 1 tuần không thấy nhân lên, không đủ nồng độ lây nhiễm cho tế bào hay khuyếch đại lên tế bào nên không có khả năng lây cho người khác.
Theo WHO, những bệnh nhân Covid-19 giai đoạn đầu hoặc đang hồi phục sẽ có nồng độ virus ở ranh giới giữa âm và dương tính. Trong khi đó, xét nghiệm RT-PCR chỉ xác định được ARN (một mảnh trong cấu trúc) của virus, một số trường hợp khỏi bệnh virus SARS-CoV-2 đã chết nhưng vẫn còn vài mảnh xác lưu lại trong mô. Nên khi đưa mẫu bệnh phẩm vào xét nghiệm vẫn cho kết quả dương tính.
Tại Hàn Quốc từng thực hiện nghiên cứu với 285 người tái dương tính nhiều lần, cho thấy những bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục vẫn có thể phát hiện các ARN trong mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên sau 3 tháng khỏi bệnh. 790 trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân này đều không có ai bị nhiễm bệnh.
Các nỗ lực phân lập virus từ 108 bệnh nhân trong số này cũng không thành công do virus không có khả năng nhân lên. Hàn Quốc cũng cho biết, có gần 45% bệnh nhân tái dương tính không có triệu chứng.