Lý giải 'nỏ thần' An Dương Vương bắn xuyên giáp vạn quân giặc

'Nỏ thần' An Dương Vương bắn một phát giết chết vạn người tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết, nay đã được kỹ sư Vũ Đình Thanh nghiên cứu và giải mã.

Giao Châu ngoại vực ký ghi: Nỏ thần, bắn một phát giết chết 300 người hoặc Thái Bình hoàn vũ ký ghi: nỏ thần bắn một phát giết chết vạn người, bắn ra ba phát giết đến ba vạn... Đó là sử sách Trung Hoa, còn ai là người Việt Nam đều biết rõ từ truyền thuyết nỏ thần của Vua An Dương Vương.

Tình tiết tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết ấy nay được kỹ sư Vũ Đình Thanh chứng minh một cách khoa học qua công trình "nỏ thần" được cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 25-8-2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Kỹ sư Vũ Đình Thanh với sáng chế "nỏ thần" đã được cấp bằng sáng chế. Ảnh: M.T

Kỹ sư Vũ Đình Thanh với sáng chế "nỏ thần" đã được cấp bằng sáng chế. Ảnh: M.T

Sau khi được cấp bằng sáng chế mô hình mô phỏng, nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Vũ Đình Thanh được đặt tại Bảo tàng trưng bày cổ vật Cổ Loa đã thu hút sự hiếu kỳ của rất nhiều khách tham quan.

Các mũi tên bay uy lực từ nỏ làm bằng những vật dụng rất thô sơ mà người Việt xưa hoàn toàn làm được và càng đặc biệt khi nỏ có vuốt rùa làm lẫy nỏ có thể bị đánh tráo giống như truyền thuyết đã đề cập đến.

Theo vị kỹ sư Thanh, chiếc nỏ sử dụng phương pháp bắn bằng ống tên, cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên. Nhờ cách bắn này vận tốc của mũi tên nhanh ít nhất gấp đôi so với cách bắn nỏ thông thường, mũi tên cũng bay xa hơn.

Nỏ chỉ bắn được mũi tên bằng đồng vì tỉ trọng của đồng thắng được sức cản không khí, các vật liệu khác như tre, gỗ khi bắn với vận tốc lớn không bay được xa và chệch hướng vì bị tác động của lực cản không khí.

Mũi tên được kỹ sư Thanh thiết kế theo giống hình dạng, kích thước, chất liệu của các mũi tên đã được khai quật ở Cổ Loa. Ảnh: M.T

Mũi tên được kỹ sư Thanh thiết kế theo giống hình dạng, kích thước, chất liệu của các mũi tên đã được khai quật ở Cổ Loa. Ảnh: M.T

Đầu mũi tên có 3 cánh, cánh 1 ngắn hơn cánh 2, cánh 2 ngắn hơn cánh 3, tạo thành một bước của ốc vít để xuyên vào không khí, đồng thời mỗi cánh cong theo cùng chiều kết hợp với chuôi nhỏ dần đều nên khi bắn mũi tên bay quay quanh trục của mình khiến mũi tên ổn định và bay xa, không bị quay ngang.

Sau khi mũi tên bay với tốc độ nhanh và xa hàng trăm mét, đầu nhọn của mũi tên sẽ chúc xuống và cắm mạnh vào phía mục tiêu dưới đất chứ không phải mục tiêu trên cao.

Theo kỹ sư Thanh, nguyên lý của việc này hoàn toàn có thể hiểu được qua "công thức tính vận tốc của vật khi chạm đất" hay "cách giải bài toán ném vật theo phương ngang".

"Nếu chúng ta bắn ở độ cao 300 m chẳng hạn thì nhờ sức hút của trái đất mà vận tốc lúc tiếp đất có thể đạt 100 m/s hoặc hơn. Với vận tốc 500 m/s thì mũi tên bay gần như viên đạn súng đại liên ngày nay. Với vận tốc này, mũi tên đồng đủ sức xuyên tất cả các loại giáp thời đó, đủ sức xuyên táo một lúc vài tên giặc đúng như truyền thuyết đã kể".

Kỹ sư Thanh giải thích, với nguyên lý nỏ thần, Vua An Dương Vương có thể làm cái nỏ to gấp 10 lần hoặc 20 lần cái nỏ mà kỹ sư Thanh hiện có, bắn 300 hay 500 mũi tên cùng lúc và đặt trên thành Cổ Loa xây rất cao. Một phát bắn giết chết một vạn quân là hoàn toàn có thể.

"Sử sách Trung Hoa ghi một phát bắn giết vạn người là đúng vì quân giặc ở khoảng cách 500m thì thấy hàng loạt tên bay đến, quân ta bắn liên tiếp một cơ số tên với độ 20 lần bắn nên quân giặc từ xa thì chỉ thấy mũi tên bay liên tiếp chứ không biết đó là các loạt tên của 20 lần bắn", ông Thanh nhận định.

Mũi tên khi tiếp đất sẽ có vận tốc lớn, xuyên mọi loại giáp sắt, xuyên táo cả loạt quân giặc. Ảnh: M.T

Mũi tên khi tiếp đất sẽ có vận tốc lớn, xuyên mọi loại giáp sắt, xuyên táo cả loạt quân giặc. Ảnh: M.T

Kỹ sư Thanh còn khẳng định, bài bắn “chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy" trong truyền thuyết xưa là có thể vì 500 mũi tên với vận tốc khi tiếp đất 500 m/s đủ sức làm tan một mỏm núi nhỏ. Với động năng lớn chuyển thành nhiệt năng thì 500 mũi tên đó chắc chắn làm cháy rừng.

Cổ Loa xưa kia là một tòa thành cao, rộng hình xoắn ốc. Ảnh sưu tầm

Cổ Loa xưa kia là một tòa thành cao, rộng hình xoắn ốc. Ảnh sưu tầm

Kỹ sư Thanh khẳng định, thành Cổ Loa hiện tại không phải là thành của Vua An Dương Vương, không phải là hình con ốc, không cao, nỏ thần có triển khai cũng không phát huy được uy lực khi bắn từ độ cao thấp.

Nỏ thần nếu bắn từ Loa thành hình con ốc cao như núi Côn Lôn thì nhờ lực hút của trái đất, các mũi tên đồng sẽ hủy diệt dễ dàng toàn bộ quân thù, xuyên tất cả các giáp khoảng cách 1.000m.

Kỹ sư Thanh mong muốn sẽ thực hiện việc bắn nỏ ở một đơn vị quân đội với điều kiện bắn từ trên cao để ai cũng thấy rõ uy lực của nỏ thần xưa, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Được biết, hiện nay kỹ sư Thanh cũng đang chế tạo nỏ to dài 10 m bắn 100 mũi tên và mong muốn được bắn từ thành Cổ Loa cao hình con ốc như Vua An Dương Vương xưa từng bắn chết hết quân thù.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/ly-giai-no-than-an-duong-vuong-ban-xuyen-giap-van-quan-giac-post733854.html