Lý lẽ giản đơn của 'ông chú' Thanh Hóa ngày ngày có mặt trên quốc lộ 47

Gần 2 năm qua, một người đàn ông ở Thanh Hóa không quản nắng mưa, tự nguyện ra điều tiết giao thông trên QL47. Ông muốn giúp hàng nghìn công nhân qua đường về nhà an toàn sau một ngày làm việc.

XEM CLIP:

Người đàn ông đó là Nguyễn Hữu Hải (SN 1978), trú xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn.

Không kể nắng hay mưa, ngày 2 lần (buổi sáng từ 6h đến 7h30, chiều từ 16h đến 17h30), người dân quen thuộc với hình ảnh người đàn ông gầy gò, đen nhẻm mặc chiếc áo bảo hộ đứng phân luồng giao thông ở cổng khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa giao với QL47.

Ông Hải điều tiết giao thông cho hàng nghìn công nhân qua đường. Ảnh: Lê Dương

Ông Hải điều tiết giao thông cho hàng nghìn công nhân qua đường. Ảnh: Lê Dương

Công việc hàng ngày của ông Hải là ra hiệu lệnh phân luồng cho công nhân qua đường, không để xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông.

Sinh ra và lớn lên ở xã Quảng Hùng, năm 13 tuổi, ông Hải rời quê hương vào miền Nam sinh sống và lập gia đình. Thời gian gần đây, ông về quê ở cùng với bố mẹ.

Ảnh: Lê Dương

Ảnh: Lê Dương

Ông Hải chia sẻ, đầu năm 2023, khi đi qua cổng khu công nghiệp Lễ Môn thì bắt gặp một vụ tai nạn. Giờ tan tầm, khu vực này không có đèn báo giao thông, đường bị ách tắc, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn rất lớn.

Từ thực tế trên, ông quyết định hàng ngày ra đây để điều tiết giao thông.

Ô tô lưu thông trên QL47, đoạn qua khu công nghiệp Lễ Môn. Ảnh: Lê Dương

Ô tô lưu thông trên QL47, đoạn qua khu công nghiệp Lễ Môn. Ảnh: Lê Dương

“Tôi sắm một số vận dụng cần thiết để đi làm nhiệm vụ. Tôi đã làm công việc này được gần 2 năm nay, hoàn toàn tự nguyện, không có ai nhờ vả hay trả lương”, ông Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Hải, ngày đầu ông làm công việc này mọi người tưởng ông bị điên, có người còn mắng vì cản đường đi.

Giờ tan tầm, công nhân đông kín đường nhưng không xảy ra tai nạn, tắc đường. Ảnh: Lê Dương

Giờ tan tầm, công nhân đông kín đường nhưng không xảy ra tai nạn, tắc đường. Ảnh: Lê Dương

“Họ nói tôi không có việc gì làm hay sao. Tôi không quan tâm đến lời nói đó, tôi vẫn làm công việc phân luồng giao thông của mình. Ban đầu họ không quen, vẫn đi rất lộn xộn. Ngày qua ngày, họ cũng quen dần với hình ảnh và công việc của tôi, họ thấy tôi làm vất vả nên cũng tự ý thức đi vào nề nếp”, ông Hải kể.

Theo ông Hải, ông không phải là người được phân công nhiệm vụ nên việc chặn xe là rất nguy hiểm. Nhiều thanh niên ngổ ngáo không nghe hiệu lệnh của ông.

“Chính vì vậy, mỗi lần tôi ra tín hiệu dừng xe đều có một động tác giơ tay lên, cúi người xuống để xin mọi người được nhường đường. Hình ảnh này cũng khiến các lái xe không vượt ẩu”, ông Hải nói.

Thùng xốp đựng vật dụng "làm nghề" của ông Hải. Ảnh: Lê Dương

Thùng xốp đựng vật dụng "làm nghề" của ông Hải. Ảnh: Lê Dương

Chị Nguyễn Thị Hoài (một công nhân) chia sẻ, chị làm công nhân ở khu công nghiệp này hơn chục năm nay, mỗi lần tan tầm, các chị ra về rất vất vả, có thời điểm tắc đường cả giờ đồng hồ.

“Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ ông Hải bị điên, nhưng lâu ngày hình ảnh ấy đã trở thành quen thuộc. Tất cả chúng tôi đều nghe theo hiệu lệnh của ông ấy nên không còn cảnh tách đường, mỗi lần sang đường không sợ tai nạn nữa, giờ về nhà cảm giác được an toàn hơn”, chị Hoài cho biết.

Anh Lê Đức Lực biếu ông Hải ít hoa quả sau giờ nghỉ. Ảnh: Lê Dương

Anh Lê Đức Lực biếu ông Hải ít hoa quả sau giờ nghỉ. Ảnh: Lê Dương

Nhiều công nhân, người dân xung quanh thấy việc làm ý nghĩa, vất vả của ông nên hay biếu ông chai nước hay hoa quả để động viên.

Giải thích việc làm của mình, ông giản dị nói: “Mỗi công nhân đều có một số phận, hoàn cảnh riêng, nhưng đa phần là nghèo. Tôi cũng chỉ bỏ ít công sức để giúp họ được về nhà an toàn hơn sau một ngày làm việc. Cứ không có ai bị tai nạn, bị tắc đường là tôi vui rồi. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi không còn đủ sức khỏe nữa mới thôi”.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Sakurai Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp Lễ Môn cho biết, công ty Sakurai Việt Nam có khoảng 10 nghìn công nhân, bên cạnh đó còn có nhiều công ty, nhà máy khác, nên mỗi lúc vào ca làm việc hay tan tầm, số lượng công nhân rất đông. Việc làm của ông Hải rất ý nghĩa và thiết thực, giúp các công nhân ra vào khu công nghiệp được thuận lợi và an toàn hơn.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-le-gian-don-cua-ong-chu-thanh-hoa-ngay-ngay-co-mat-tren-quoc-lo-47-2284538.html