Lý luận phê bình sân khấu: Thiếu tranh luận công khai nên tụt hậu?

Thiếu đi những cuộc 'bút chiến' của các nhà lý luận, phê bình sân khấu trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông khiến cho đời sống sân khấu nước nhà kém sinh động, không thu hút được sự quan tâm của nhiều người tới các vở diễn. Đây là nhận định của các không ít đại biểu tại cuộc hội thảo 'Thực trạng và giải pháp của lý luận phê bình sân khấu hôm nay' do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức.

Hội thảo vừa diễn ra sáng ngày 11/6 tại Hà Nội.

Với vai trò là "là ngọn roi quất con ngựa sân khấu nói riêng và VHNT nói chung phi nước đại", hay "dẫn dắt dư luận", "định hướng"... nhưng hoạt động thực tiễn hiện nay lại cho thấy, lý luận phê bình sân khấu rất yếu ớt, tụt hậu thảm hại. Nguồn nhân lực cũ được đào tạo do Liên Xô, Trung Quốc, trường Đại học Tổng hợp Văn (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, đã khuất núi hoặc già yếu, ốm đau, bệnh tật. Nguồn nhân lực mới hầu như không có (trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội ngót 20 năm trở lại đây không mở được lớp vì không có thí sinh đăng ký tuyển sinh đầu vào, trong các mã ngành cử đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, không có mã ngành lý luận phê bình sân khấu).

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hơn thế, theo PGS.TS Trần Trí Trắc, dù có vai trò định hướng nhưng các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ hầu như chưa bao giờ coi nhà lý luận, phê bình sân khấu là thành viên thân thiết của mình trong sáng tạo. Họ có thể đi tìm tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ... để xây dựng tiết mục mới, còn nhà lý luận phê bình thì không cần. Họ cho rằng, nhà lý luận phê bình đến chỉ thêm rắc rối, phiền toái.

"Với những người được đào tạo làm nghề lý luận, phê bình sân khấu cũng phải kinh qua thực tiễn sân khấu trên dưới 10 năm. Tốt nghiệp ra trường cũng đã ngót ngót 40 xuân. Nhưng đời lại chưa trọng, ngành sân khấu lại chưa cần và anh em nghệ sĩ cũng chẳng ưa gì. Lương thấp, nhuận bút ít, làm việc tận tụy để bị ghét nên thượng sách phải "chạy làng", hoặc hạ sách là "uốn bút", PGS.TS Trần Trí Trắc nói.

Đặc biệt, trong đời sống sân khấu hiện nay đang thiếu những cuộc tranh luận phản biện đầy đủ của người viết. Những cuộc tranh luận có tính trao đổi hoặc phản biện sẽ tạo nên sự hấp dẫn của phê bình văn nghệ, cuốn hút những người cầm bút, những người có thể theo nghề và độc giả.

Hơn thế, những cuộc tranh luận công khai này còn tạo sự chú ý của dư luận tới các vở diễn vừa ra mắt, gây sự tò mò với người xem, buộc họ bỏ tiền túi ra mua vé xem vở đó có đúng như những lời bình luận gây tranh cãi. Việc thiếu hụt những cuộc tranh luận như vậy cũng là một trong những lý do khiến cho đời sống sân khấu ảm đạm, thiếu sự sinh động với khán giả.

Vở kịch nói "Vang bóng một thời", cố tác giả Nguyễn Hiếu chuyển thể từ các truyện ngắn "Chữ người tử tù" của nhà văn Nguyễn Tuân, đạo diễn-NSƯT Bùi Như Lai.

Vở kịch nói "Vang bóng một thời", cố tác giả Nguyễn Hiếu chuyển thể từ các truyện ngắn "Chữ người tử tù" của nhà văn Nguyễn Tuân, đạo diễn-NSƯT Bùi Như Lai.

Ngoài ra, thực trạng người viết phê bình văn học nghệ thuật còn thiếu tinh thần phản biện đầy đủ là nguyên nhân của sự "yếu và thiếu", sự trầm lắng của phên bình văn học nghệ thuật ở nước ta hiện nay. Bởi nếu thiếu tinh thần phản biện thì không thể "phê" cho hợp tình hợp lý, "bình" cho đến nơi đến chốn, không thể chỉ ra cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của tác phẩm một cách thuyết phục. Và như thế thì không thể làm tròn trách nhiệm định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ, định hướng thẩm mỹ cho công chúng tiếp nhận tác phẩm văn học nghệ thuật.

Trước thực trạng này, NSND Thanh Trầm cho rằng, về quản lý, các cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình VHNT có giá trị, có chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tơi sáng tác. Đó là cách triển khai nhiệm vụ chính trị có hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, NSND Thanh Trầm đề xuất đào tạo tại chỗ đối với đội ngũ nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí. Vì đây là đội ngũ tích cực nhất đang tham gia vào quá trình thông tin, phê bình sân khấu. Đồng thời, chế độ nhuận bút cho các bài viết lý luận, phê bình sân khấu cần được nâng lên, để các cây bút không cảm thấy tủi thân vì lao động trí óc không được coi trọng.

Còn tác giả Nguyễn Toàn Thắng đặt trọng sự thay đổi của lý luận phê bình sân khấu. Để thúc cho "con ngựa sáng tác" vùng lên, chạy như chưa bao giờ được chạy, thì bản thân lý luận phê bình phải có cách làm khác, cách tiếp cận khác. Còn tất nhiên, nếu cứ để như hiện nay thì cũng chẳng làm sao cả. Bởi vì bây giờ, mấy ai còn sống được bằng nghề lý luận phê bình đâu, họ đều làm việc khác cả rồi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-luan-phe-binh-san-khau-thieu-tranh-luan-cong-khai-nen-tut-hau-post579340.antd