Lý Tử Thất trở thành nô lệ của ngành KOL

Đằng sau sự hào nhoáng bên ngoài, nhiều người sáng tạo nội dung cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, cô đơn dù thành công với nghề được giới trẻ mơ ước.

“Tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất chuẩn bị hầu tòa vào ngày 4/7 để giải quyết tranh chấp với công ty quản lý cũ. Cô có nguy cơ mất trắng thương hiệu làm nên tên tuổi của mình.

Trước đó, tại phiên điều trần, nữ blogger 32 tuổi mô tả mình là “nô lệ trong ngành công nghiệp sáng tạo nội dung”, bị vắt kiệt hình ảnh và danh tiếng. Dù vất vả kiếm hàng triệu USD cho công ty cũ, cô chỉ nhận về lợi ích ít ỏi.

Lý Tử Thất không phải người sáng tạo nội dung duy nhất cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức với công việc được nhiều bạn trẻ mơ ước.

 Lý Tử Thất mệt mỏi sau nhiều năm chăm chỉ sáng tạo nội dung nhưng vẫn trắng tay. Ảnh: Jing Daily.

Lý Tử Thất mệt mỏi sau nhiều năm chăm chỉ sáng tạo nội dung nhưng vẫn trắng tay. Ảnh: Jing Daily.

Năm 2021, Ian Borthwick, Giám đốc điều hành của nền tảng Vibely, thực hiện nghiên cứu về mức độ phổ biến của tình trạng kiệt sức trong cộng đồng sáng tạo nội dung. Trong số 150 người tham gia khảo sát, 45,3% có 100.000-500.000 lượt theo dõi, 1-2 cá nhân (0,7%) thu hút hơn 5 triệu follower.

Kết quả, 90% người sáng tạo nội dung đã và đang trải qua tình trạng kiệt sức, 71% cho biết điều đó khiến họ cân nhắc bỏ nghề.

Yếu tố gây căng thẳng hàng đầu là những thay đổi đối với thuật toán của nền tảng (65%), áp lực kiếm sống từ nội dung sản xuất (59%), guồng quay không ngừng để tạo ra video tiếp theo (51%), lo lắng về số lượng người theo dõi (51%), bị quấy rối và bắt nạt (42%), stress vì hội chứng kẻ mạo danh (29%) và nguy cơ bị phản ứng dữ dội về nội dung ra mắt (19%).

Internet không bao giờ ngủ, vlogger cũng vậy

Năm 2018, Elle Mills (Canada) là một trong những người sáng tạo nội dung đầu tiên thẳng thắn chia sẻ về áp lực của việc sản xuất video liên tục và kỳ vọng từ khán giả ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cô.

Sau đó, tình trạng kiệt sức, và sức khỏe tâm thần nói chung, của người sáng tạo nội dung trở thành chủ đề được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó sẽ biến mất trong một sớm một chiều.

Theo Buzzfeed, nhiều người sáng tạo nội dung cảm thấy áp lực khi phải chia sẻ mọi khía cạnh cuộc sống của họ trong nhiều năm. Emma Chamberlain (Mỹ) là một ví dụ.

Năm ngoái, Chamberlain tạm ngừng hoạt động trên kênh vlog của mình vì kiệt sức. Cô thẳng thắn nói về cuộc đấu tranh để cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

“Đôi khi, tôi thấy mình giống như động vật trong sở thú bị mọi người nhìn chằm chằm. Thật đáng sợ và khó chịu khi họ thường nói những điều không mấy tốt đẹp. Đám đông luôn muốn biết về cuộc sống riêng tư mà tôi không muốn chia sẻ nhưng cũng không thể trốn chạy”, cô chia sẻ.

 Elle Mills từng tạm ngừng ra video khi sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng. Ảnh: The Washington Post.

Elle Mills từng tạm ngừng ra video khi sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng. Ảnh: The Washington Post.

Trong mắt khán giả, những influencer như Chamberlain có thể sở hữu tất cả: công việc đáng ghen tỵ, khả năng sáng tạo, tiền bạc và người hâm mộ. Tuy nhiên, điều tốt cũng đi kèm với cái xấu.

Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều người sáng tạo nội dung tạm nghỉ hoặc biến mất khỏi thế giới ảo.

Kati Morton, nhà trị liệu, tác giả sách kiêm người sáng tạo nội dung, cho biết có sự nghiệp trực tuyến đồng nghĩa với việc vlogger luôn thấy “phần thưởng” của mình, có thể là khả năng tiếp cận người khác, nhận xét hoặc lượt xem thu được. Tuy nhiên, khi không thành công, họ cũng lập tức nhận thức được.

“Thêm vào đó, Internet không bao giờ ngủ và người sáng tạo nội dung cũng thường như vậy. Làm việc suốt ngày đêm, chúng tôi bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Cho dù phần thưởng là bao nhiêu đi chăng nữa cũng không bao giờ bù đắp được nỗ lực mà chúng tôi bỏ ra”, cô nói.

Ít nhất 10 người sáng tạo nội dung hàng đầu từng tạm nghỉ trong những năm qua, song tỷ lệ kiệt quệ về tinh thần có thể cao hơn nhiều, theo Insider.

Tháng 8/2017, Laina Morris (Mỹ), nổi đình đám với meme “Overly Attached Girlfriend”, tải lên video thông báo rồi biến mất trong một năm.

Lilly Singh (Canada) từng chia sẻ với 14 triệu người theo dõi của mình trước khi tạm nghỉ rằng: “YouTube là cỗ máy khiến người sáng tạo tin rằng mình cần liên tục cung cấp nội dung mới ngay cả khi phải trả giá bằng sức khỏe và hạnh phúc về tinh thần. Đây có thể là kỳ nghỉ một tuần, một tháng hay lâu hơn mà tôi chưa biết”.

 PewDiePie từng tuyên bố tạm nghỉ vào năm 2020 vì “cảm thấy rất mệt mỏi”. Ảnh: Glitched.

PewDiePie từng tuyên bố tạm nghỉ vào năm 2020 vì “cảm thấy rất mệt mỏi”. Ảnh: Glitched.

Ngay cả PewDiePie (tên thật Felix Kjellberg, đến từ Thụy Điển), ngôi sao lớn nhất YouTube với 111 triệu người đăng ký, cũng từng trải qua giai đoạn kiệt sức với lịch trình dày đặc.

“Là người sáng tạo nội dung trực tuyến, sự hiện diện cần phải liên tục vì công việc của bạn phụ thuộc cả vào đó. Khi có nhiều cơ hội, thật khó để từ chối và bạn dễ dàng thấy mình có quá nhiều nghĩa vụ cần hoàn thành”, anh nói.

Luôn phải gồng mình

Nhà trị liệu Kati Morton cho biết các dấu hiệu chính của tình trạng kiệt sức là luôn mệt mỏi cho dù ngủ nhiều hay ít, dễ cáu kỉnh và cảm thấy thất bại.

Một số người sáng tạo nội dung cũng bực bội với fan khi họ yêu cầu tải lên video. Họ nhầm lẫn rằng sự tò mò, háo hức đối với nội dung mới là khó chịu và xâm phạm.

“Chúng tôi ép bản thân phải liên tục sáng tạo để mọi người không quên mình. Một số đồng nghiệp của tôi từng tạm nghỉ và nói rằng họ sợ hãi khi quay trở lại”, cô nói.

Chris Boutté (Mỹ), chủ kênh vlog về sức khỏe tâm thần, cho rằng tình trạng kiệt sức của người sáng tạo nội dung thường liên quan đến “hệ thống giá trị”.

Về cơ bản, từ khi còn nhỏ, rất nhiều người được dạy rằng nếu đạt được những điều nhất định, họ sẽ hạnh phúc. Giống như việc miệt mài tìm kiếm rương kho báu nhưng khi mở ra thì không thấy gì bên trong.

“Điều tôi thường thấy là khi đạt đến mốc đó và mọi chuyện không như kỳ vọng, người sáng tạo nội dung sẽ tự gây áp lực lên chính mình như ‘có lẽ tôi cần tạo nhiều video và làm tốt hơn’ bởi họ cố gắng lấp đầy khoảng trống hạnh phúc này”, anh nói.

 Alisha Marie bật khóc khi chia sẻ về áp lực bản thân phải trải qua khi là người sáng tạo nội dung. Ảnh: YT.

Alisha Marie bật khóc khi chia sẻ về áp lực bản thân phải trải qua khi là người sáng tạo nội dung. Ảnh: YT.

Ngoài ra, việc tạm dừng hoạt động quá lâu có thể khiến đồng nghiệp khác bắt kịp. Đó là một lý do để người sáng tạo nội dung không nghỉ ngơi dù có thể họ rất cần.

Đối với một số cá nhân, trở thành ông chủ của chính mình là lời nguyền. Điều này có nghĩa là họ phải làm việc và chỉnh sửa đến khuya để có sản phẩm tải lên hàng đêm.

Casey Neistat (Mỹ) nói rằng đó là “áp lực không ngừng và luôn dẫn đến tình trạng kiệt sức”. Nhưng với người sáng tạo nội dung này, chính mối liên hệ với người đăng ký kênh giúp anh tiếp tục. Khi lượng khán giả tăng lên, Neistat coi nội dung của mình giống như sản phẩm của cuộc trò chuyện lớn hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với bất kỳ người sáng tạo nội dung nào là biết khi nào nỗ lực vượt qua “phần thưởng”. Khi điều đó xảy ra, lùi lại một bước là cách có thể cứu cả kênh và sức khỏe tinh thần của họ.

“Thật không đáng để làm nô lệ cho thứ có thể biến mất trong vòng 2 giây, nhưng rất nhiều người sáng tạo nội dung sẽ làm bất cứ điều gì cho kênh của mình. Dù trung thành với đam mê là tốt, mọi người cũng cần tập trung vào bản thân nhiều hơn”, Alisha Marie (Mỹ) nói khi tạm dừng hoạt động vào năm 2019.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ly-tu-that-tro-thanh-no-le-cua-nganh-kol-post1331481.html