M'bin puil - ''Cây đàn tình'' của người Gié - Triêng ở Tây Nguyên
Đối với người Triêng - một trong những nhóm hợp thành dân tộc Gié - Triêng ở Tây Nguyên thì M'bin puil (gọi tắt là Pin puil) là một nhạc cụ có ý nghĩa khá đặc biệt và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. M'bin puil là cây đàn giúp cho các chàng trai, cô gái tìm hiểu, mời gọi bạn tình khi đến tuổi trưởng thành. Khi đã nên đôi vợ chồng thì M'bin puil lại đem đến niềm vui, hạnh phúc đầm ấm cho gia đình, những lúc tâm tình mỗi tối bên bếp lửa hồng sau những buổi lao động vất vả, mệt nhọc ban ngày.
Cùng với khèn bè, M’bin puil là nhạc cụ mà bất cứ người con trai Gié - Triêng nào đến tuổi trưởng thành đều phải biết sử dụng thuần thục để gửi gắm tâm tư tình cảm mong làm lay động và chinh phục được người con gái mà mình yêu thương để được chọn làm chồng.
M’bin puil có hình dáng và cấu trúc các bộ phận gần giống với đàn Ghi - ta và đàn Măng - đô - lin nhưng được chế tác với kỹ thuật thủ công một cách tỉ mỹ và công phu hơn nhiều. Hộp cộng hưởng của đàn (tiếng Gié - Triêng gọi là pok) được tạo tác từ một khúc cây khoét rỗng hình ovan trên đó có hai lỗ nhỏ, có phần nắp (ka - độp) được gắn bằng sáp ong rừng; cần đàn (gok), khóa điều chỉnh âm (loong kieng); dây đàn (che); phím đàn (too), lược đàn (lang - căng)... đặc biệt ở đầu đàn, phía trên khóa chỉnh âm có khắc tạc, tạo hình cô gái trong tư thế đang đứng với trang phục truyền thống của người Triêng rất sinh động. Để chế tác được M’bin puil (pin - puil) đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề cao, tính cẩn thận, tỉ mỉ và bàn tay khéo léo để tạo tác từng chi tiết. Ngoài ra, họ cần phải có đôi tai thính, khiếu cảm nhận âm thanh tinh tế thì mới tạo ra những M’bin puil có chất lượng âm thanh tốt, đạt chuẩn. Nguyên liệu để làm đàn M’bin puil cũng phải được chọn lựa khá kỹ càng. Gỗ được chọn để làm đàn phải là thân cây hamal (ha-ma-lờ) hoặc cây sưa để cho âm thanh tốt. Dây đàn là sợi xơ lấy từ thân cây đùng đình ở độ tuổi vừa cho quả (không già quá và cũng không non) để đạt được độ bền, dẻo, đàn hồi phát ra âm thanh trầm, bổng đúng với tính chất của Pin puil. Ngoài ra, còn có sáp ong rừng để gắn kết các bộ phận cần thiết với nhau.
Theo lời nghệ nhân ưu tú A Broh vẽ (A-Pẹ) ở làng Đắc Răng, xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum thì việc tạo tác hình cô gái không chỉ là trang trí, mà với người Triêng còn có ý nghĩa là biểu tượng riêng để phân biệt đây là cây đàn dùng để thể hiện tình yêu, chinh phục trái tim người mình yêu của các chàng trai. Nó được sử dụng trong ngữ cảnh nhất định: đó là vào những buổi tối, người con trai Gié - Triêng khi đến tuổi trưởng thành thường ôm đàn ngồi trước hiên nhà sàn của mình gảy lên những khúc tâm tình cho các cô gái trong buôn làng qua lại lắng nghe. Thông qua tiếng đàn, các cô gái sẽ tìm tới người mình thích, đồng cảm để tìm hiểu, chia sẻ nếu thấy tâm đầu ý hợp sẽ nhờ bà mối sang nhà trai mang theo một ghè rượu nhỏ và một con gà thưa chuyện. Đám hỏi thường được diễn ra trong đêm một cách gọn lẹ, kín đáo cùng với sự trao đổi, thỏa thuận đồ sính lễ mang qua cho cả nhà trai và nhà gái khi cô dâu về nhà chồng, chú rể qua nhà vợ. Đồng thời, định ngày tổ chức đám cưới ngay sau đó. Người Gié - Triêng thường chọn ngày trăng sáng đẹp để làm đám cưới nhưng chỉ trước và sau ngày rằm, tránh không chọn ngày rằm vì đó cũng là điều họ kiêng kỵ.
M’bin puil là một nhạc cụ độc đáo trong 14 nhạc cụ của dân tộc Gié - Triêng. Đặc biệt, đàn còn là một nhạc cụ quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Nó chỉ được người Triêng sử dụng khi người con trai, con gái tìm hiểu, tỏ tình với nhau khi đã đến tuổi trưởng thành và trong sinh hoạt vui chơi giữa các cặp vợ chồng khi đã về cùng chung sống dưới một mái nhà.