Ma trận giăng lưới tân sinh viên

Trước ngày lên giảng đường đại học, nhiều sinh viên tỉnh lẻ lo xa lo gần đã sốt sắng tìm kiếm nhà trọ, việc làm thêm và tham gia các hội nhóm bạn bè nhằm tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, các em không biết rằng, không ít trong số đó là cạm bẫy, khi kẻ lừa đảo nhăm nhăm hướng về mình, sử dụng trăm mưu ngàn kế để giăng lưới đón chờ các em…

Ma trận giăng lối

Chân ướt chân ráo vào thành phố, Minh Huyền (19 tuổi, quê Đắk Lắk) tân sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vẫn còn chưa hết bỡ ngỡ, lạ lẫm thì đã gặp phải cú sốc đầu đời. Sau khi đi thăm trường xong, Huyền gọi điện cho người đàn ông tên Bảo để đi xem phòng trọ.

Tân sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh làm thủ tục nhập học ngày 30/8

Tân sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh làm thủ tục nhập học ngày 30/8

Trước đó một tuần Huyền đã đăng ký nhà trọ trên mạng và gặp được Bảo, giới thiệu có nhà cho sinh viên thuê, Bảo căn dặn khi nào vào tới TP Hồ Chí Minh thì gọi điện để dẫn xem phòng. Tuy nhiên, Bảo nói hiện nay sinh viên từ khắp nơi vào thành phố nhập học rất đông nên phòng trọ vô cùng khan hiếm, muốn đi xem phải cọc trước thì Bảo mới sắp xếp được. Huyền nói, bây giờ đi xem được thì trả đủ luôn chứ không cần cọc. Bảo viện lý do: “Cứ cọc trước rồi đi xem, nếu không ưng sẽ trả lại cọc. Hiện đang có hai em sinh viên chờ để được cọc tiền nhưng anh đã nhận lời của em trước rồi nên sẽ ưu tiên cho em”.

Trước sự thúc bách của Bảo, Huyền phải chuyển khoản trước 1,2 triệu đồng, tương ứng 30% giá thuê phòng trọ. Bảo hẹn buổi chiều Huyền có thể tới phòng trọ tọa lạc trên đường số 4, P. Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh để xem phòng. Huyền và mẹ tới nơi, gọi cho Bảo đến cháy máy cũng không liên lạc được. Xem lại thông tin nhà trọ thì đúng như Bảo mô tả trong phần giới thiệu, địa chỉ, tên đường, tên phố và cả không gian đều trùng với quảng cáo và hình ảnh thực tế.

Không gọi được cho Bảo, mẹ con Huyền rất nóng ruột đành đi vào bên trong hỏi thăm. Đúng lúc này, Huyền gặp người phụ nữ đang dẫn hai bạn sinh viên vào xem phòng. Huyền hỏi thì được giới thiệu cô Xuyên là chủ nhà, Huyền rất bất ngờ, đưa các thông tin nhà trọ cho cô Xuyên và hỏi, “Bảo là ai?” Bà chủ xác nhận những thông tin trên chính là dãy trọ của bà, riêng Bảo thì bà không biết. Có thể trước đó bà đăng tin quảng cáo nhà trọ lên các trang mạng xã hội nên Bảo biết được và lợi dụng điều này đi lừa đảo. Cô Xuyên cho biết, nhà trọ của mình không bao giờ lấy cọc khi khách chưa xem phòng. Mẹ con Huyền ngây người ra, vô cùng bức xúc và thất vọng. May là chủ nhà còn một phòng trống, tiện thể cho mẹ con Huyền vào xem và đã chốt ngay. Cú lừa đầu đời đến một cách rất nhanh chóng với cô sinh viên từ quê ra phố và một người mẹ cả đời lam lũ ruộng vườn. Số tiền bị lừa không nhiều nhưng Huyền rất đau xót và buồn bã, nó sẽ là lời cảnh tỉnh quý giá cho những năm tháng sống đời sinh viên của cô gái tỉnh lẻ.

Cùng cảnh ngộ với Huyền là Nguyễn Thị Phước An (20 tuổi, quê Bình Phước), tân sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng bị lừa cho một vố nhớ đời. Theo lịch học thì cuối tháng 8 An mới xuống TP Hồ Chí Minh trọ học. Bố mẹ An lo sợ cận ngày sẽ không thể tìm được phòng trọ hoặc giá phòng tăng cao nên hối thúc con gái tìm hiểu trước. An lên mạng tìm phòng trọ khu vực Q. Gò Vấp và thấy có nhiều thông tin đăng cho thuê phòng trọ, có hình ảnh phòng, video rõ ràng, An gọi chủ trọ để xin địa chỉ hẹn ngày lên xem phòng, chủ trọ đồng ý. Nhưng sau đó, họ lại gọi cho An và nói đã có người khác đang xem phòng. Nếu muốn giữ chỗ thì phải chuyển cọc ngay, bố An đã phải chạy ra ngân hàng chuyển tiền giữ chỗ là 1,5 triệu đồng. Vừa chuyển tiền xong thì số điện thoại của chủ trọ bỗng dưng không liên lạc được.

Cả nhà An hoang mang, bất ngờ vì không thể tin vào mắt mình đây lại là trò lừa đảo. Ngay hôm sau, hai bố con An dẫn nhau xuống TP Hồ Chí Minh tìm kiếm địa chỉ nhà trọ xem thực hư ra sao. Đúng là có nhà trọ với hình ảnh và giá phòng như quảng cáo nhưng người chủ thực sự thì lại không phải kẻ đã nhận tiền cọc. Bà Nguyễn Thị Vân Hương, chủ nhà trọ P.12 (Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) khuyến cáo, để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan, các bạn sinh viên cần trực tiếp đến gặp chủ nhà trọ, trực tiếp xem phòng sau đó mới tiến hành đặt cọc. "Nhiều lần tôi tá hỏa vì sinh viên tìm đến nhận phòng trong khi tôi không hề đăng bài viết cho thuê trọ nào lên mạng xã hội, cũng không hề tương tác với vị khách trọ nào. Nhiều đối tượng đã lợi dụng thông tin về nhà trọ của tôi để đăng lên và chiếm đoạt tiền cọc”.

Để tránh bị lừa đảo khi mới chân ướt chân ráo tới thành phố, tân sinh viên nên đến thẳng trường đại học của mình để được nhà trường hỗ trợ giúp đỡ

Để tránh bị lừa đảo khi mới chân ướt chân ráo tới thành phố, tân sinh viên nên đến thẳng trường đại học của mình để được nhà trường hỗ trợ giúp đỡ

Khi mồi nhử là các “anh chị khóa trên”

Không chỉ lừa đảo nhà trọ ảo trước ngày lên giảng đường đại học của tân sinh viên, mà trong thời gian này, xuất hiện nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo nhắm vào tân sinh viên của các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm câu kéo, dẫn dụ các em đi tới một mục đích khác.

Khi biết mình đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Trọng Đ. (19 tuổi, quê Long An) đã rất háo hức. Đ. thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin về nhà trường và các khóa học; tìm kiếm, kết nối với các anh chị khóa trên để xin tư vấn. Đ. nhanh chóng được một “tiền bối” giới thiệu là cựu sinh viên Bách khoa. Người này nói rất nhiều về ngôi trường cũng như ngành học, tương lai ra trường, nghề nghiệp sau này… Anh ta giới thiệu sau khi ra trường đã đầu quân cho một tập đoàn điện tử lớn của Hàn Quốc có chi nhánh tại Việt Nam, hiện tại anh có một công ty linh kiện điện tử riêng và đang rất cần tuyển sinh viên làm thêm, đặc biệt ưu tiên tân sinh viên. Anh ta xin các thông tin trích ngang của Đ. để lưu hồ sơ và hẹn hôm tựu trường sẽ đến đón Đ. về thăm công ty.

Đ. rất hào hứng và phấn khích vì chưa nhập học đã có “tiền bối” khóa trên giúp đỡ, tạo điều kiện. “Sao bảo tân sinh viên lên thành phố chật vật khó khăn và dễ bị lừa mà mình chưa lên đã thấy “màu hồng” rồi”, Đ. suy nghĩ như vậy và mang câu chuyện kể cho cha mẹ biết. Vốn là kỹ thuật viên của một trung tâm máy tính lớn tại TP Hồ Chí Minh trước khi chuyển về quê ở Long An, anh Nguyễn Trọng Kha, cha của Đ. đã thấy cái gì đó “gợn gợn”. Anh hỏi con trai đã cung cấp thông tin gì cho “tiền bối” chưa? Con trai nói “đã cung cấp lý lịch trích ngang, số CCCD và cả địa chỉ nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh cho “đàn anh khóa trên”. Anh Kha đã yêu cầu con trai xóa toàn bộ nội dung trò chuyện, hủy kết bạn và không nghe điện thoại của người lạ gọi đến. “Nó chưa trải đời nên còn quá non nớt, cạm bẫy ngay trước mặt mà cứ hồn nhiên nghĩ là miếng bánh ngọt. Sau khi biết con cung cấp thông tin cho người lạ, tôi đã rất hoang mang, ngay cả phòng trọ đã đặt cọc tôi cũng phải hủy và chuyển cháu đi nơi khác để đảm bảo an toàn”, anh Kha chia sẻ.

Lợi dụng vào sự ngây thơ, non trẻ của các em sinh viên lần đầu bước chân lên phố, đối tượng lừa đảo dùng mọi thủ đoạn để dẫn dụ các em. Để tránh bị lừa, mỗi sinh viên cần phải thận trọng và cảnh giác với người lạ.

Minh Luân (20 tuổi, quê Đồng Nai) tân sinh viên Trường Đại học Quốc tế TP Hồ Chí Minh kể: “Ngày đầu tiên em đến thăm ngôi trường của mình thì vô tình “va” vào một “đàn chị” miệng tươi như hoa, nói cười xởi lởi. Chị này chủ động bắt chuyện với em và giới thiệu là sinh viên năm 3 cùng trường. Sau một lúc trò chuyện thì “đàn chị” lấy ra một tờ giấy hỏi thông tin của em để tập hợp danh sách tân sinh viên cần hỗ trợ nhà trọ, việc làm… em rất cảnh giác, vì đã từng nghe nhiều đến việc lừa đảo tân sinh viên. Khi thấy chị gái lôi giấy bút ra ghi chép, em đã khéo từ chối và nhanh chóng rời đi để không bị “đàn chị” lôi kéo”.

Vài ngày sau Luân đọc được cảnh báo của nhà trường về việc giả mạo sinh viên khóa trên để thu thập thông tin của sinh viên mới nhằm mục đích xấu. Cậu thở phào nhẹ nhõm khi bản thân đã làm đúng theo lời thầy cô căn dặn “tuyệt đối không cung cấp thông tin cho người lạ khi chưa được xác thực”.

Trước “ma trận” lừa đảo tân sinh viên, nhiều trường đại học đã phát đi cảnh báo. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhà trường đã phát đi cảnh báo về việc tham gia các hội nhóm tân sinh viên tự phát đến phụ huynh và thí sinh trên trang Facebook của trường, với nội dung: “Sau khi có kết quả của hai phương thức xét tuyển sớm của nhà trường, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo bắt đầu xuất hiện một số hội nhóm không chính thống dành cho các tân sinh viên khóa 2023. Trường xin thông báo hiện nhà trường không tạo bất cứ Fanpage, group Facebook, group Zalo chính thức nào cho tất cả các khóa, đặc biệt là cho tân sinh viên khóa 2023. Quý phụ huynh và các bạn học sinh cần hết sức cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội và hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thời gian gần đây, các bạn tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) tham gia nhiều group Facebook, Messenger, Zalo nhằm làm quen bạn bè và trao đổi thảo luận về năm học sắp tới. Tuy nhiên, Ban Hỗ trợ, tư vấn tuyển sinh của Trường đã phát hiện ra một số group mạo danh, gắn với các từ khóa "UEL", "K23"... trên group Zalo, Messenger có tình trạng các admin thu thập các thông tin cá nhân nhằm các mục đích không rõ ràng, không tốt. Bên cạnh đó, cảnh giác và cảnh báo các bạn xung quanh tránh tham gia các group tự phát, luôn tỉnh táo trước khi tiếp nhận thông tin và đối chiếu với thông tin chính thống từ nhà trường. Khi cần thông tin về tuyển sinh, phụ huynh và sinh viên nên trực tiếp đến trường, hoặc gọi đến số điện thoại trên trang Web của trường.

Theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, những thủ đoạn các tổ chức, cá nhân trên mạng thường sử dụng để lừa đảo, gồm: Đăng tin tuyển dụng, giới thiệu về công việc không rõ ràng, không nói rõ tên công ty... nhưng nói rất nhiều chế độ, ví dụ giờ giấc làm việc thoải mái, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, lương cao... Luôn tóm lại một câu “Inbox anh chị để biết thêm”. Sau đó sẽ hẹn gặp để các bạn đóng tiền đồng phục, làm thẻ nhân viên...

Các đối tượng này thường "đóng vai" anh chị học khóa trên (không nằm trong ban tư vấn tuyển sinh tại trường) đăng lên diễn đàn: “Em có câu hỏi gì thắc mắc thì inbox riêng anh chị hoặc kết bạn Facebook để anh chị add vào nhóm group chat của khoa, trường”...

Đây là một trong những hình thức tập hợp sinh viên cho các nội dung tiếp theo. Thường là mời gọi vào chat zoom để tư vấn chuyên sâu, giới thiệu về nhóm hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sinh viên, giao lưu với các sinh viên trường khác. Sau khi làm quen dần sẽ lôi kéo vào đường dây đa cấp. Bên cạnh đó yêu cầu gửi thông tin cá nhân sinh viên hoặc giấy báo nhập học của sinh viên cho nhóm để lấy mã tài khoản, ID đăng nhập nhằm mục đích khác.

Ngọc Hoa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/ma-tran-giang-luoi-tan-sinh-vien-i705946/