Ma túy phá hỏng cuộc đời của nhiều người trẻ

Cách đây khoảng 5 năm, những bệnh nhân vào cai nghiện ở Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương thường ở độ tuổi trung bình từ 30 đến 40. Hiện nay đa số bệnh nhân vào viện ở độ tuổi từ 25 đến 30 tuổi.

Thay đổi nhân cách, loạn thần vì sử dụng ma túy

26 tuổi, Nguyễn Văn C ở Hà Nội có thâm niên sử dụng ma túy đá hàng chục năm nay. C. kể một cách “vô tư” rằng bây giờ những người trẻ như C. không ai dùng heroin nữa mà thường dùng hàng đá. Sau mỗi lần sử dụng, C. lại chìm đắm vào những trò chơi điện tử quên ngày đêm. Không chỉ ham mê chơi game, mỗi lần “phê” hàng đá, C. thường bị ảo giác và kiếm cớ gây sự, cãi nhau với mọi người xung quanh. Mặc dù đã được bố mẹ đưa đi điều trị loạn thần do ma túy nhiều lần song sau mỗi lần ra viện, C. lại ngựa quen đường cũ khiến cả gia đình lao đao, khổ sở.

Ma túy thế hệ mới đang tấn công và đầu độc giới trẻ

Ma túy thế hệ mới đang tấn công và đầu độc giới trẻ

Theo thống kê hiện, toàn quốc có khoảng 230 nghìn người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó khoảng trên 81 nghìn người ở độ tuổi 16-30 tuổi. Điều đó đồng nghĩa hàng trăm nghìn gia đình đang phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế cũng như nỗi đau về tinh thần khi có con nghiệp ngập.

Thống kê của Bộ Công an cho thấy khoảng 60 % người sử dụng ma túy lần đầu ở độ tuổi từ 15 đến 25, trong đó có nhiều thiếu niên mới 13 đến 15 tuổi. Tình trạng trẻ hóa người sử dụng ma túy chất gây nghiện liên tục được cảnh báo. Tuy nhiên, cho đến nay xu hướng này vẫn đang gia tăng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới đang là mối nguy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng đến tương lai của thế hệ trẻ cũng như của đất nước.

Từ thực tế, bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng Khoa lâm sàng – Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội cho biết, cách đây khoảng 5 năm, những bệnh nhân vào cai nghiện ở bệnh viện thường ở độ tuổi trung bình từ 30 đến 40. Hiện nay, nhóm tuổi trung bình vào viện để cai nghiện và điều trị những các rối loạn tâm thần do sử dụng các chất ma túy, đặc biệt là ma túy mới ngày càng trẻ hóa, đa số bệnh nhân trong độ tuổi từ 25 đến 30 tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi sử dụng ma túy của các bạn trẻ thường là để giải quyết nỗi buồn chán, những khủng hoảng hoặc căng thẳng, stress trong cuộc sống. Ban đầu nhiều bạn trẻ nghĩ đơn giản chỉ hút một vài hơi để tìm cảm giác mới lạ, giải tỏa nỗi buồn nhưng sau đó hoàn toàn lệ thuộc vào túy.

“Không phải chỉ sử dụng ma túy lâu dài mới dẫn đến tác hại mà ngay cả ở lần đầu tiên ma túy cũng có khả năng gây đột tử. Với các loại ma túy truyền thống như heroin thì chủ yếu gây lệ thuộc về mặt cơ thể. Nhưng các loại ma túy mới sẽ gây ra những biến đổi gần như không thể đảo ngược trên não bộ. Ví dụ nó sẽ gây teo não và làm cho người sử dụng xuất hiện các triệu chứng về tâm thần như hoang tưởng, ảo giác, loạn thần. Ma túy thế hệ mới cũng khiến các bạn trẻ thay đổi về nhân cách, có thể từ một người hiền lành trở nên hung hăng, nóng nảy, dễ có những hành vi quá khích hoặc gây nguy hiểm cho những người xung quanh và cộng đồng” – BS Nguyễn Khắc Dũng nói.

Tại bệnh viện, BS Nguyễn Khắc Dũng đã chứng kiến nhiều trường hợp người trẻ vốn là những thanh niên khỏe mạnh, học hành giỏi giang nhưng bị hủy hoại tương lai, sự nghiệp vì trót sa chân vào ma túy.

“Gần đây, tôi trực tiếp điều trị một du học sinh bên Mỹ và bị loạn thần do sử dụng cần sa, gia đình phải đưa về Việt Nam chữa trị. Bệnh nhân hút cần sa từ năm 15 tuổi và ban đầu thấy nó giúp hưng phấn, có nhiều ý tưởng và sức lực để học tập. Nhưng dần dần, bệnh nhân thay đổi tính tính, không hòa nhập với mọi người xung quanh, dễ cáu gắt, đánh bố mẹ, đánh nhau với bạn học. Bệnh nhân này đã điều trị hơn 2 tháng tại bệnh viện nhưng không mấy hiệu quả bởi đã dùng cần sa quá lâu, các thành phần trên não đã biến đổi rất trầm trọng. Hoặc một bệnh nhân khác là một thanh niên mới lập gia đình và có con nhỏ 2 tháng tuổi. Trong một lần “phê” ma túy, bệnh nhân đã lao vào bóp cổ bảo mẫu đồng thời túm lấy em bé và bảo rằng đó là con chó, con mèo. May mà người thân kịp phát hiện và giải cứu bé an toàn” – BS Nguyễn Khắc Dũng cho biết.

Rào chắn nào đủ mạnh đề ngăn chặn ma túy tấn công giới trẻ?

BS Nguyễn Khắc Dũng cũng cho biết, vài năm trở lại đây trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại ma túy và chất gây nghiện thế hệ mới. Nếu như người nghiện các chất dạng thuốc phiện truyền thống, heroin... còn có methadone điều trị thì việc cai nghiện ma túy tổng hợp rất khó khăn. Các phương pháp điều trị chủ yếu là tư vấn tâm lý với người nghiện để họ cai thuốc, điều trị thải độc. Đặc biệt, các chất ma túy mới gây ra những các biến đổi lâu dài trên não và các cơ quan, bộ phận khác của cơ thể, nên hiệu quả điều trị loạn thần do ma túy tổng hợp hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp sau khi được điều trị ổn định, ra viện khoảng 2-3 tháng là tái phát bệnh và tái sử dụng ma túy và không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn đó.

Nếu như trước đây, những người sử dụng các chất ma túy bất hợp pháp dưới 18 tuổi không phải đi cai nghiện bắt buộc thì với Luật phòng, chống ma túy năm 2021, trẻ có thể phải đi cai nghiện bắt buộc. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, tốt nhất là các các bậc cha mẹ nên quan tâm tới con em mình để ngăn ngăn ngừa từ xa, tránh để trẻ tiếp xúc và sử dụng ma túy cũng như các chất gây nghiện.

“Việc đầu tiên mà chúng ta có thể làm đấy là hỏi xem là trẻ có biết các hậu quả khi sử dụng các chất ma túy hay không? Nếu có biết thì đó là một điều rất tốt. Nếu trẻ không biết thì người lớn hãy hướng dẫn phân tích cho trẻ. Việc thứ hai là dạy trẻ những kỹ năng trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ hãy để trẻ làm việc nhà, được trải nghiệm, vấp ngã và vượt qua các khó khăn ban đầu trong cuộc sống bằng chính sức lực, bằng chính đôi chân của mình. Nếu bao bọc một cách kỹ lưỡng, làm hộ con tất cả mọi việc, đến khi gặp những trở ngại trong cuộc sống hoặc có các vấn đề căng thẳng, stress thì con không đủ kỹ năng để vượt qua, do đó tìm đến ma túy để giải tỏa và dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng” – BS Nguyễn Khắc Dũng khuyến cáo.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đề xuất, các hoạt động truyền thông về mối nguy hiểm của ma túy nên được đẩy mạnh hơn nữa. Đồng thời, có thể tổ chức các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ để huy động, thu hút thanh thiếu niên tham gia. Điều này sẽ tạo sự kết nối giữa các cá nhân trong cộng đồng và đây sẽ là biện pháp hữu hiệu để giúp các bạn trẻ giải tỏa căng thẳng, stress trong cuộc sống, cân bằng tâm lý sau những va vấp trên đường đời, tránh sa chân vào ma túy.

Để có thể phát hiện sớm việc trẻ có sử dụng chất gây nghiện, cha mẹ có thể quan sát các biểu hiện sau:

- Trẻ thay đổi thói quen sinh hoạt như thức khuya, ngủ ngày, ăn uống thất thường, hay tụ tập buông thả, kết thân với người nghiện, không lao động, thường lén lút rời khỏi nhà vào thời điểm cố định, ngại tiếp xúc với người thân.

- Luôn bồn chồn, lo lắng, hay cáu gắt, nói dối, chống đối, người mệt mỏi, lười lao động, sụt cân nhanh, không chăm lo vệ sinh cá nhân.

- Học sinh nghiện ma túy hoặc các chất gây nghiện thường trốn học, ngủ gật, học lực giảm; giấu các dụng cụ hút hít trong cặp sách, bàn học; trên người có mùi thơm bất thường.

Ánh Tuyết/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ma-tuy-pha-hong-cuoc-doi-cua-nhieu-nguoi-tre-post1102656.vov