'Mặc áo mới' cho sản phẩm của các làng nghề gỗ
Các làng nghề gỗ truyền thống có danh tiếng lâu đời dường như đang bị chính di sản tinh hoa làng nghề cha ông truyền lại giữ chân trong cuộc đua thích nghi với những biến đổi của thị trường. Do đó, cần 'mặc áo mới' cho sản phẩm, phải chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu từ các loại gỗ rừng quý hiếm, sang các loại gỗ rừng trồng…

Đại diện các làng nghề gỗ đến tham quan và trao đổi tại Làng nghề La Xuyên, Ý Yên, Nam Định.
Cuối tuần qua, đại diện của 10 làng nghề mộc lớn nhất ở phía Bắc đã tập trung tại làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm duy trì và phát triển nghề mộc trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều biến động.
KHÓ VƯƠN RA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI, VÌ ĐÂU?
Chia sẻ tại tại buổi tọa đàm, ông Ninh Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, cho biết trên địa bàn xã có 2 làng nghề mộc là La Xuyên và Ninh Xá. Trong đó, La Xuyên là làng nghề lâu đời với nhiều thế hệ nghệ nhân đã làm ra những sản phẩm đồ gỗ chạm trổ tinh xảo, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước như sập gụ, tủ chè, đồ thờ…
Tuy nhiên, theo ông Phong, làng nghề mộc La Xuyên và Ninh Xá đã trải qua nhiều khó khăn trong những năm gần đây do hàng bán chậm, các hộ bị đọng vốn nhiều. Khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề là rào cản chính trong việc đầu tư mở rộng phát triển sản xuất trên địa bàn.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp La Xuyên, chia sẻ rằng làng nghề La Xuyên tuy có lịch sử gần 1000 năm phát triển và thương hiệu lâu đời vẫn chưa bị mai một cho đến tận ngày nay. Thế nhưng so với làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh) – một làng nghề trẻ tuổi hơn, thì La Xuyên chưa có độ nhanh nhạy trong việc nắm bắt và thích nghi với các thay đổi của thị trường.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại làng nghề Mộc La Xuyên
Tuy cùng xuất phát điểm là các làng nghề nổi tiếng với sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ tự nhiên, khi tín hiệu thị trường trở nên kém khả quan trong những năm gần đây do việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không còn thuận lợi, một số hộ và doanh nghiệp ở Đồng Kỵ đã đầu tư chuyển dịch sang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có mẫu mã hiện đại, ít chạm trổ hơn và sử dụng thêm các nguyên liệu mới từ gỗ rừng trồng như gỗ sồi, óc chó, tần bì, các loại ván nhân tạo… để giảm giá thành và phù hợp với thị hiếu đương thời.
"Cho đến hiện tại, trên địa bàn xã Yên Ninh chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được thị trường quốc tế, sản phẩm chỉ phục vụ thị trường trong nước".
Ông Ninh Xuân Phong, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
"Ngược lại, các hộ ở La Xuyên vẫn trung thành với mẫu mã sản phẩm quen thuộc và lối sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ xưa, nên dù sản phẩm được chế tác tinh xảo, giá thành cạnh tranh nhưng vẫn ngày càng kén người dùng hơn”, ông Tuấn nêu thực tế của làng nghề La Xuyên.
Ông Tuấn cho rằng các làng nghề có truyền thống với danh tiếng lâu đời dường như lại bị chính di sản tinh hoa làng nghề cha ông truyền lại giữ chân trong cuộc đua thích nghi với những biến đổi của thị trường. Do đó, cần mặc áo mới cho sản phẩm, phải chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu tại các làng nghề truyền thống.
Theo đánh giá của đại diện Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định (NAFOCO) – một trong số các doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất ở miền Bắc, tại NAFOCO sử dụng 100% gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn, cao su… Trong khi đó, sản xuất tại các làng nghề gỗ thường sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào đắt gấp nhiều lần so với nhà máy của NAFOCO.
Quá trình chế biến gỗ tại các làng nghề rất lãng phí và ô nhiễm vì hầu như không tận dụng được nguồn phế phẩm từ chế biến, tiêu tốn vật tư, phụ liệu như keo, sơn, tốn công lao động do sản xuất thủ công manh mún, không trang bị nhà xưởng, máy móc tiêu chuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính hộ sản xuất và người dân trong làng về lâu dài. Việc các hộ còn e ngại về đầu ra của các sản phẩm chuyển đổi cũng như chi phí đầu tư ban đầu vào máy móc, lò sấy gỗ… là rào cản chính khiến nhiều hộ vẫn tiếp tục sản xuất theo mô hình thâm dụng nguyên liệu và nhân công như hiện tại dù đầu ra không ổn định.
Do đó, cần có sự hỗ trợ của chính quyền, hiệp hội và doanh nghiệp để kết nối, giúp hộ tìm được đầu ra ổn định, tạo động lực cho hộ nghiên cứu, đầu tư chuyển đổi.
CẦN CHUYỂN ĐỔI THIẾT KẾ MẪU MÃ THEO NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
Trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động như vài năm trở lại đây, các hộ còn phải đối mặt với khó khăn từ nguồn gỗ đầu vào. Gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu từ Lào và châu Phi là nguồn nguyên liệu chính của nhiều làng nghề như La Xuyên (Nam Định), Vạn Điểm, Canh Nậu, Chàng Sơn (Hà Nội), Thụy Lân (Hưng Yên)…. để sản xuất đồ nội thất, đồ thờ và công trình xây dựng.
Ngoài việc giá mua gỗ không ổn định do biến động về tỷ giá USD và EUR, nhóm gỗ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguồn gốc và tính hợp pháp, có thể ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề khi người tiêu dùng ngày càng có nhận thức cao hơn về tính bền vững và thân thiện với môi trường của sản phẩm.
Anh Nguyễn Phúc Điệp – một hộ sản xuất ở làng nghề Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), cho biết anh đã cảm nhận được xu hướng chuyển dịch của thị trường từ hơn 10 năm trước ngay cả khi các sản phẩm đồ gỗ truyền thống chưa rơi vào giai đoạn thoái trào như hiện tại. Các thế hệ khách hàng trẻ tuổi hơn đã không còn ưa thích các sản phẩm này như ông bà, cha mẹ mình. Họ sáng tạo và thích các thiết kế hiện đại, có phong cách riêng, thậm chí có thể kết hợp với nhiều vật liệu khác như kim loại, nhựa, đá… để tối đa hóa công năng sử dụng.
“Khác biệt về thẩm mỹ và tư duy tiêu dùng khiến các sản phẩm gỗ quý bền bỉ nhưng nặng nề, khó kết hợp với nội thất hiện đại trở nên kém hấp dẫn và mất đi giá trị vốn có. Mặt khác, những tranh cãi về nguồn gốc gỗ và tác động của việc phá rừng tự nhiên cũng khiến các sản phẩm sử dụng gỗ tự nhiên của làng nghề gắn liền với hình ảnh tiêu cực, lạc hậu trong mắt người tiêu dùng”.
Anh Nguyễn Phúc Điệp – một hộ sản xuất ở làng nghề Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội.
Theo anh Điệp, hiện nay, xu hướng thiết kế may đo đồng bộ cả nhà và nội thất ngày càng phổ biến, mở ra cơ hội tiếp cận nhóm khách hàng trẻ cho làng nghề thông qua việc kết hợp với các đơn vị thiết kế, thi công. Một số hộ tiên phong đã đi đầu xu hướng này, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới bằng gỗ rừng trồng trong nước và nhập khẩu, tìm kiếm khách hàng thông qua hình thức liên kết với công ty hoặc các kênh bán hàng trực tuyến, qua đó thành công duy trì hoạt động của mình bất chấp tình hình thị trường không khả quan.
“Về lâu dài, cần chuyển đổi mô hình của làng nghề từ sản xuất số lượng lớn, giá rẻ làm thị trường bão hòa như hiện nay sang sản phẩm may đo chú trọng thiết kế theo yêu cầu của khách hàng, sử dụng nguyên liệu mới, thân thiện với môi trường”, anh Điệp nhấn mạnh.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mac-ao-moi-cho-san-pham-cua-cac-lang-nghe-go.htm