Mắc bệnh hiểm nghèo, loại giấy tờ nào được xét giảm thuế thu nhập cá nhân?

Người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo băn khoăn: Phiếu thu tiền khám chữa bệnh và mua thuốc có được tính là chứng từ chứng minh chi phí trong hồ sơ giảm thuế thu nhập cá nhân hay không?

Một người nộp thuế tại Thái Bình cho biết, theo tiểu mục 87 Mục II Thủ tục hành chính ban hành kèm Quyết định 1462/QĐ-BTC năm 2022 của Bộ Tài chính, hồ sơ giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người mắc bệnh hiểm nghèo phải kèm theo các chứng từ chứng minh chi phí khám chữa bệnh do cơ sở y tế cấp, hoặc hóa đơn mua thuốc kèm đơn thuốc của bác sĩ.

Trên thực tế, người này mua thuốc tại các hệ thống nhà thuốc lớn nhưng không được cấp hóa đơn giá trị gia tăng, chỉ nhận được phiếu thu tiền và phiếu giao hàng. Người nộp thuế đặt câu hỏi liệu các loại phiếu này có thể được chấp nhận để chứng minh chi phí giảm trừ hay không?

“Tôi mắc bệnh hiểm nghèo Lupus ban đỏ hệ thống. Theo đơn thuốc của bác sĩ, có nhiều loại thuốc đặc trị gây tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy bác sĩ phải kê thêm các loại thuốc bổ trợ để ngăn chặn bệnh di căn, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác. Tất cả các loại thuốc này đều được kê trong đơn thuốc thì tôi có được chấp thuận không?”, người nộp thuế trình bày.

Người này cũng cho biết phải khám chữa bệnh định kỳ 1-2 tháng/lần theo chỉ định. Để phù hợp công việc, tiện di chuyển, người nộp thuế thường đến các phòng khám tư nhân - nơi chỉ cung cấp phiếu thu tiền mà không có hóa đơn giá trị gia tăng.

Vì thế, người nộp thuế hỏi có được sử dụng phiếu thu tiền không?

Chi phí mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được xét giảm thuế thu nhập cá nhân. Ảnh minh họa: Nam Khánh

Chi phí mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được xét giảm thuế thu nhập cá nhân. Ảnh minh họa: Nam Khánh

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính dẫn thông tin từ Chi cục Thuế khu vực V, căn cứ theo các quy định tại khoản 3 Điều 53 Thông tư số 80 của Bộ Tài chính về hồ sơ đối với người nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo; quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 123 của Chính phủ quy định đối tượng sử dụng hóa đơn, chứng từ.

Cùng với đó là quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 70 ngày 20/3/2025 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Nghị định 123 năm 2020. Theo đó, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bắt buộc phải lập hóa đơn khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ.

Hay khoản 5 Điều 1 Nghị định 70 quy định về các loại hóa đơn, theo đó có một số loại hóa đơn, như hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng,... theo quy định các đối tượng sử dụng.

Căn cứ các quy định nêu trên, Chi cục Thuế khu vực V trả lời, trên nguyên tắc, người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Chỉ các khoản chi phí mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ điều trị, có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lệ, mới được xét giảm thuế thu nhập cá nhân tương ứng với mức độ thiệt hại, nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Theo quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ như khám chữa bệnh, nhà thuốc đều phải xuất hóa đơn cho người mua.

Còn với trường hợp cụ thể như người nộp thuế nói trên, Chi cục Thuế khu vực V trả lời: Hồ sơ xét giảm thuế thu nhập cá nhân chỉ cung cấp được phiếu thu tiền kèm phiếu giao hàng của các nhà thuốc thì không đủ căn cứ xác định chi phí mua và sử dụng thuốc của cá nhân.

Chi phí mua thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ điều trị, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được xét giảm thuế thu nhập cá nhân.

Phiếu thu tiền của phòng khám tư nhân không đủ căn cứ xác định chi phí khám chữa bệnh để xét giảm thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp người mua có yêu cầu xuất hóa đơn nhưng người bán không cung cấp, cơ quan thuế đề nghị người nộp thuế phản ánh để cơ quan thuế quản lý đối với các cơ sở y tế, nhà thuốc kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm về pháp luật thuế, hóa đơn.

Nguyễn Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mac-benh-hiem-ngheo-loai-giay-to-nao-duoc-xet-giam-thue-thu-nhap-ca-nhan-2403839.html