Mắc bệnh sởi làm gì cho nhanh khỏi?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh có thể phát triển thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn và trẻ em.

Bệnh sởi có thể nhanh chóng phát triển thành dịch

Virus sởi (Polinosa Morbillarum) có dạng hình cầu với kích thước cực nhỏ, đường kính chỉ khoảng 100 đến 250 mm là nguyên nhân gây bệnh sởi. Thông qua đường hô hấp, virus sởi xâm nhập vào cơ thể người bệnh. Chúng lây nhiễm thông qua tiếp xúc dịch tiết mũi họng của người bị nhiễm bệnh khi ho, nói chuyện hoặc hắt hơi.

Khi xâm nhập vào cơ thể người bị nhiễm, virus sởi sẽ phát triển bằng cách nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và các hạch bạch huyết gần đó. Sau đó chúng đi vào máu và bắt đầu ủ bệnh.

Bệnh sởi có thể nhanh chóng phát triển thành dịch.

Bệnh sởi có thể nhanh chóng phát triển thành dịch.

Do lây nhiễm dễ dàng qua đường hô hấp nên ở các khu vực đông người như khu dân cư, trường học, nhà trẻ … là những nơi thường có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn. Từ đó, bệnh sởi có thể nhanh chóng phát triển thành dịch bệnh, ảnh hưởng sức khỏe của cả người lớn và trẻ em.

Bệnh sởi thường bùng phát nhanh khi thời tiết mát mẻ, thường ở mùa đông hoặc mùa xuân. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh xảy ra khá phức tạp và có thể xuất hiện quanh năm.

Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là các đối tượng dễ bị lây nhiễm bệnh nhất do chưa được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi. Vì thế, các bậc phụ huynh lưu ý cho trẻ tiêm đầy đủ các vaccine phòng bệnh cần thiết theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Chăm sóc bệnh nhân sởi đúng cách giúp nhanh khỏi

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Cần lưu ý việc vệ sinh và dinh dưỡng kém sẽ góp phần làm bệnh nặng hơn.

Khi bệnh nhân sốt cao

Nếu sốt cao có thể dùng thuốc hạ nhiệt paracetamon, liều lượng không quá 60 mg/kg/ngày. Nên chia liều 4 lần trong 24 giờ. Có thể dùng các dạng chế phẩm: Thuốc dạng viên, dạng bột đóng gói và dạng viên đạn đặt hậu môn, cần chú ý dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn.

Nên để người bệnh nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Cần cho uống đủ nước vì sốt cao thường gây thiếu nước. Nên dùng nước trái cây.

Vệ sinh răng miệng, da, mắt

Người bệnh có viêm long tại mắt và răng miệng, vì vậy cần: vệ sinh da, răng miệng, mắt hằng ngày để tránh nhiễm khuẩn. Người bệnh tắm, lau người bằng nước ấm, xà phòng và khăn mềm. Nên tắm nơi kín gió, không nên tắm lâu. Cần chú ý vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn.

Không nên kiêng nước, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc vệ sinh, dẫn đến viêm da, viêm mũi họng, thậm chí viêm loét hoại tử răng miệng (cam tẩu mã), hoặc không phát hiện kịp thời dễ biến chứng loét giác mạc.

Tăng cường chăm sóc dinh dưỡng

Người mắc sởi thường bỏ ăn do tình trạng nhiễm trùng và viêm loét miệng. Nôn và tiêu chảy cũng làm giảm hấp thu, vì vậy nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh đòi hỏi cao giúp người bệnh hồi phục nhanh.

Chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường (gạo, bột), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dầu, mỡ), vitamin – chất khoáng (rau, quả).

Đối với trẻ bú mẹ: Bà mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn bổ sung hợp lý.

Cách chế biến: Mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa. Tốt nhất nên chế biến theo khẩu vị người bệnh.

Lưu ý: Không kiêng khem trong ăn uống để bù kịp thời các chất dinh dưỡng mất do quá trình nhiễm trùng. Không dùng các loại gia vị gây khó tiêu. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống.

Lưu ý cho trẻ tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Lưu ý cho trẻ tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Bổ sung vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi

Bổ sung vitamin A đã được chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Ngoài ra thiếu vitamin A có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa. Theo phác đồ điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế, uống ngay vitamin A theo liều sau:

Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.
Trẻ > 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp.

Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: Lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.

Cần chú ý cách ly và phát hiện sớm biến chứng

Nên hạn chế người thăm hỏi, mọi thành viên trong gia đình, người chăm sóc cần đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây lan bệnh.

Nếu ban đã bay nhưng còn sốt hoặc sốt đã hạ nhưng tái phát lại; Ho đột ngột tăng lên, hoặc tiếng ho ông ổng, người bệnh mệt hơn; Bệnh nặng hơn, thở bất thường, nhịp thở nhanh, người bệnh li bì hơn... người bệnh cần được thăm khám để phát hiện biến chứng để được chữa trị kịp thời.

BS.CKI Nguyễn Hoàng Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mac-benh-soi-lam-gi-cho-nhanh-khoi-169240828200501573.htm