Mắc bệnh từ đời sống tình dục phóng khoáng, cô gái trẻ nhận cái kết 'đắng'
Bệnh nhân bị viêm âm đạo kéo dài dẫn đến viêm mủ hai vòi tử cung mãn tính, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ.
Mới đây, theo chia sẻ của BSCK I Nguyễn Thị Hồng Nhung, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bà đã từng khám và điều trị cho một số bạn gái bị viêm nhiễm vùng kín rất nặng.
Trong đó, có trường hợp một bệnh nhân nữ thường xuyên bị ra dịch mùi hôi khó chịu và đau bụng dưới âm ỉ kéo dài. Được biết người này có đời sống tình dục khá phóng thoáng, thường quan hệ tình dục với bạn trai mà không sử dụng bao cao su.
Qua quá trình thăm khám phụ khoa, xét nghiệm dịch âm đạo và siêu âm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị viêm âm đạo kéo dài dẫn đến viêm mủ hai vòi tử cung mãn tính, buộc phải phẫu thuật cắt hai vòi tử cung viêm dày, cứng và có mủ.
Theo BS Hồng Nhung, vì vòi tử cung là con đường tinh trùng gặp trứng để tạo thành phôi nên khi cắt hai vòi tử cung, bệnh nhân sẽ không thể có thai tự nhiên được nữa.
Trường hợp này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan cũng như những thói quen có hại khiến âm đạo dễ bị viêm nhiễm và kéo theo hàng loạt những hệ lụy xấu về sức khỏe sinh sản ở chị em phụ nữ.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 60% chị em trong độ tuổi sinh sản mắc phải bệnh lý viêm âm đạo, hơn 65% trường hợp bị tái phát sau điều trị, 30% biến chứng sang bệnh phụ khoa khác và 20% mất khả năng làm mẹ.
Nguyên nhân gây viêm âm đạo
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội), môi trường âm đạo luôn có sự thường trú của hệ vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Hai loại vi khuẩn này tồn tại ở trạng thái cân bằng và "chung sống hòa bình" với nhau trong môi trường âm đạo có độ pH acid lý tưởng là 3,5 - 4,5.
Tuy nhiên, độ pH của âm đạo dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài như sự xâm nhập gây hại của các vi khuẩn, trùng roi, nấm men, ký sinh trùng,…dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.
Một số nguyên nhân làm gia tăng các tác nhân gây hại cho môi trường âm đạo như:
Vệ sinh không sạch sẽ: Vệ sinh không sạch sẽ, đặc biệt ở những ngày kinh nguyệt, trước và sau khi quan hệ tình dục sẽ khiến các loại vi khuẩn, nấm men, ký sinh trùng tấn công vùng kín gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Ngoài ra, vệ sinh không đúng cách, thường xuyên thụt rửa làm mất cân bằng pH cũng làm tăng nguy cơ hình thành viêm âm đạo.
Quan hệ tình dục bừa bãi: Thường xuyên sinh hoạt tình dục không an toàn, quan hệ với nhiều bạn tình sẽ dễ gây ra nhiều bệnh lây nhiễm đặc biệt là bệnh lý viêm âm đạo. Cùng với đó, quan hệ thô bạo làm tổn thương vùng kín cũng tạo điều kiện để ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn có điều kiện tấn công gây hại âm đạo.
Nhịn tiểu: Khi nhịn tiểu, nước tiểu tích tụ lại ở bàng quang khiến vi khuẩn ở nước tiểu dễ dàng tấn công tới đường tiết niệu, âm đạo gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, một số tác nhân khác có thể làm tăng nguy cơ viêm âm đạo ở phụ nữ như sử dụng thuốc kháng sinh thời gian dài, thói quen mặc đồ lót chật, mặc quần áo ẩm ướt, sử dụng dung dịch vệ sinh có chất tẩy mạnh…
Những dấu hiệu cảnh báo âm đạo bị viêm nhiễm
Theo các bác sĩ, khi bị viêm âm đạo, người bệnh sẽ thấy vùng kín xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt hàng ngày, trong đó, có 5 dấu hiệu điển hình. Đó là:
Khí hư bất thường: Khí hư tiết ra nhiều, có sự thay đổi màu sắc sang trắng đục, vàng, xanh, nâu kèm mùi hôi, tanh, dạng đặc quánh hoặc loãng rất có thể là triệu chứng viêm âm đạo.
Ngứa ngáy vùng kín: Đây là dấu hiệu được coi phổ biến nhất của viêm âm đạo, xảy ra do vi khuẩn, nấm, trùng roi trực tiếp gây ra. Biểu hiện ngứa âm đạo có thể là ngứa âm ỉ, dai dẳng hoặc cơn ngứa xuất hiện theo từng đợt. Sau một thời gian, cơn ngứa sẽ lan sâu vào bên trong.
Vùng kín có mùi hôi: Khi bị viêm âm đạo, bộ phận sinh dục của nữ giới có mùi hôi khó chịu, đặc biệt sau khi giao hợp thì mùi hôi càng nặng hơn do sự phát triển và phân hủy của vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng trong âm đạo.
Đau khi quan hệ: Người bệnh cảm thấy đau rát, khó chịu khi quan hệ do niêm mạc bị kích ứng bởi các tác nhân có hại gây bệnh.
Tiểu rắt, tiểu buốt: Đường sinh dục và đường tiết niệu nằm liền kề nhau. Vì vậy khi âm đạo bị viêm nhiễm sẽ ảnh hưởng đến niệu đạo làm chị em cảm thấy đau rát dẫn đến tiểu đau, tiểu buốt, tiểu rát mỗi khi đi tiểu do nước tiểu dính vào khu vực tổn thương, viêm nhiễm, lở loét.
Trường hợp viêm âm đạo tiến triển nặng người bệnh còn gặp các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi, sụt cân, chảy máu âm đạo...
Các chuyên gia nhận định, khi bị viêm âm đạo, triệu chứng khó chịu ở vùng kín khiến chị em muốn cào, gãi, thụt rửa âm đạo liên tục, gây ảnh hưởng đến công việc, đời sống tình dục... Nguy hiểm hơn, viêm âm đạo kéo dài, các vi khuẩn gây bệnh có thể tấn công sâu vào bên trong gây viêm các bộ phận khác: viêm vùng chậu, viêm niệu đạo, viêm nội mạc tử cung...
Cùng với đó, khi bị viêm, khí hư ra nhiều làm tắc nghẽn ống dẫn trứng cản trở trứng gặp tình trùng. Mặt khác, khi môi trường âm đạo bị mất cân bằng, tinh trùng bơi vào được nhưng khó có thể sống được. Điều này gây ra tình trạng khó thụ thai, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người bệnh.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi có những dấu hiệu viêm âm đạo, người bệnh cần đi khám phụ khoa ngay để xác định nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh và điều trị kịp thời, tránh những hệ lụy đáng tiếc về sau.