Mắc ca tiền tỷ giữa đồi Đam Rông

Đam Rông, vùng đất xa của Lâm Đồng vốn được mệnh danh là đất khó khăn với những người nông dân vất vả. Nhưng một nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng bạt ngàn mắc ca mang lại thu nhập tiền tỷ cho gia đình. Đó là anh Nguyễn Văn Nghiêm, nông dân ở thôn Trung Tâm, xã Đạ K'Nàng.

Anh Nghiêm bên vườn mắc ca của gia đình

Anh Nghiêm bên vườn mắc ca của gia đình

Thăm trang trại mắc ca mênh mông với 8 ha, vừa có diện tích đã cho thu, vừa có diện tích đang giai đoạn kiến thiết cơ bản, ai cũng ngạc nhiên với sự mạnh dạn của anh nông dân Nguyễn Văn Nghiêm. Như hầu hết nông dân xung quanh, anh Nghiêm cũng trồng cây cà phê là cây trồng chính. Năm 2011, theo lời giới thiệu của người thân về cây mắc ca, anh mạnh dạn sang Đắk Lắk, tìm nhà vườn mua giống về trồng. Anh Nghiêm kể lại: “Thời điểm 2011, giống mắc ca còn quá cao với gia đình tôi, nhất là mắc ca ghép. Tôi mua 700 cây thực sinh về trồng đỡ, coi như thử nghiệm vì cũng lo không biết cây có phát triển không, ra trái không, có trái rồi bán cho ai. Nói chung là rất lo vì lúc đó cây mắc ca còn rất mới và lạ”. Anh cũng coi như trồng cây che bóng cho diện tích cà phê, chống xói mòn, lở đất. Không phụ lòng người, năm 2015, anh thu được 200 kg trái bói, những lứa hạt đầu tiên có giá tốt, mang lại thu nhập bên cạnh cà phê. Những năm sau, mắc ca càng lớn càng phủ bóng, che lấp cà phê. Cộng với giá cà phê thất thường, thiếu công lao động, anh Nghiêm quyết định chặt hết cà phê, chỉ trồng thuần mắc ca. Anh mua thêm cây giống mắc ca ghép về trồng thay cho cà phê. Đến nay, anh đã trồng khoảng 8 ha mắc ca, diện tích cho thu hoạch quả khoảng 4,5 ha. Năm 2019, anh thu được hơn 9 tấn hạt tươi, với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg, thu nhập xấp xỉ 1 tỷ đồng, ở vùng đất Đam Rông đây thực sự là một nguồn thu mơ ước.

Anh Nghiêm chia sẻ kinh nghiệm, trồng mắc ca thành công cần nắm rõ kỹ thuật, từ tạo tán cho cây đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh giai đoạn quả nhỏ. Tuy mắc ca là giống cây rừng nhưng để cây mắc ca có năng suất cần đầu tư phân bón. Mắc ca ưa cả phân NPK và phân chuồng, đầu tư đúng cây sẽ khỏe, trái sai, hạt to và nhân giòn, ngon. Anh Nghiêm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh không dùng thuốc diệt cỏ, đợi cỏ lên cao rồi dùng máy cắt, dập tại chỗ tận dụng làm nguồn phân bón hữu cơ để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và bảo vệ môi trường. Trong vườn mắc ca có những cây đạt năng suất 25-30 kg hạt/cây được giữ lại, những cây không đạt tiêu chuẩn như năng suất thấp, vỏ hạt dày anh sẽ cưa để ghép cải tạo. Anh Nghiêm đang thử nghiệm lấy chồi ghép từ cây mẹ chất lượng cao để ghép cải tạo những cây năng suất thấp, trái nhỏ.

“Trồng mắc ca thực sự rất lợi, kể cả trồng xen trong cà phê hay trồng thuần. Cây cần chăm sóc không nhiều, đầu tư ít, công lao động ít và đầu ra rất thoải mái, có bao nhiêu bán cũng hết”, anh Nghiêm chia sẻ. Ban đầu, do sản lượng còn ít, anh Nghiêm tách vỏ quả mắc ca xanh bằng biện pháp thủ công. Khi lượng quả thu hoạch nhiều, anh đã mua máy tách vỏ quả mắc ca, áp dụng cơ giới hóa trong khâu sau thu hoạch, giúp giảm chi phí mà tăng năng suất lao động lên gấp hơn 10 lần. Và để tăng giá trị hạt mắc ca vườn nhà, anh mua tủ sấy hạt và dụng cụ tách hạt, trực tiếp chế biến mắc ca sấy khô phục vụ thị trường. Sản phẩm trái mắc ca sấy khô của trang trại anh Nguyễn Văn Nghiêm được người tiêu dùng quanh vùng ưa chuộng vì độ tươi, giòn, thơm do chế biến từ trái mắc ca địa phương. Hiện mỗi năm, anh Nghiêm cung cấp 1 tấn trái khô ra thị trường.

Trang trại mắc ca của anh Nguyễn Văn Nghiêm là một điển hình của nông dân xã Đạ K’Nàng. Bà con xung quanh tới tham quan, học hỏi và anh Nghiêm sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm. Anh chia sẻ với bà con, nếu trồng xen trong vườn cà phê thì nên trồng thưa, tầm 100 cây/1 ha sẽ đảm bảo cả mắc ca và cà phê phát triển tốt. Ông Nguyễn Bá Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng đánh giá mô hình mắc ca của anh Nguyễn Văn Nghiêm là một mô hình thành công, một hướng sản xuất mới, tăng thêm tính đa dạng của cây trồng địa phương. Từ tấm gương thành công của anh Nghiêm, bà con trong xã, cả nhiều hộ dân tộc thiểu số cũng mạnh dạn trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, giúp người dân có thêm thu nhập, đồng thời góp phần xây dựng vùng trồng cà phê bền vững.

D.QUỲNH - N.DIỆN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202011/mac-ca-tien-ty-giua-doi-dam-rong-3031312/