Mắc tay chân miệng khi mang thai có nguy hiểm?

Một số phụ nữ mang thai mắc tay chân miệng có dấu hiệu nhẹ, trong khi nhiều người không có triệu chứng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau vài ngày tiếp xúc với virus.

 Phụ nữ mang thai mắc tay chân miệng thường không có nguy cơ đối với thai kỳ hoặc em bé. Ảnh: Momjunction.

Phụ nữ mang thai mắc tay chân miệng thường không có nguy cơ đối với thai kỳ hoặc em bé. Ảnh: Momjunction.

Bệnh tay chân miệng (HFMD) là bệnh nhiễm trùng do coxsackievirus gây ra. HFMD phổ biến nhất ở trẻ nhỏ và thường gây sốt, lở loét đau đớn trong miệng và phát ban đỏ, giống vết phồng rộp ở lòng bàn tay và lòng bàn chân nhưng thường không nghiêm trọng. HFMD ít phổ biến hơn ở người lớn vì họ thường có kháng thể từ những lần nhiễm virus trước đó.

Mặc dù thường không có nguy cơ đối với thai kỳ hoặc em bé, tốt nhất là phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai mắc bệnh tay chân miệng.

Triệu chứng

Theo Mom Junction, một số phụ nữ mang thai có thể có các triệu chứng nhẹ, trong khi nhiều người không có triệu chứng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau vài ngày tiếp xúc với virus.

Tuy nhiên, các triệu chứng của nhiễm trùng này trong thai kỳ tương tự dấu hiệu ở trạng thái không mang thai và bao gồm:

Sốt nhẹ.
Đau miệng hoặc cổ họng (đau họng).
Loét trong miệng và trên lưỡi.
Khó chịu và mệt mỏi.
Ăn mất ngon.
Phát ban hoặc tổn thương giống vết phồng rộp nhỏ trên bàn tay, ngón tay, lòng bàn chân và bộ phận sinh dục.

Biến chứng tay chân miệng khi mang thai

Theo tạp chí Parents, em bé đang phát triển của bạn có thể sẽ không sao nếu bạn bị nhiễm bệnh tay chân miệng khi mang thai. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy tay chân miệng gây ra kết quả bất lợi cho thai kỳ, chẳng hạn sảy thai hoặc rối loạn bẩm sinh.

Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm trùng gần khi sinh, có nguy cơ bạn có thể truyền bệnh cho em bé. Nhưng những trường hợp này thường nhẹ. Mặc dù bệnh tay chân miệng không có khả năng gây ra mối lo ngại lớn về sức khỏe cho thai nhi, một số biến chứng cần lưu ý nếu bạn bị nhiễm bệnh khi đang mang thai.

Mất nước

Các vết phồng rộp trong miệng có thể khiến việc ăn uống khó khăn, đau đớn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Mất nước nghiêm trọng đối với bất cứ ai, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Các chuyên gia tại Đại học Sản phụ khoa Mỹ khuyến nghị phụ nữ mang thai nên uống từ 8 đến 12 ly nước mỗi ngày để tránh mất nước.

Mất nước khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng bao gồm:

Sinh non.
Nước ối thấp.
Các khuyết tật ống thần kinh.
Sản lượng sữa mẹ thấp.

Điều quan trọng là giữ nước bằng cách nhấm nháp chất lỏng. Nếu vết loét miệng đặc biệt nặng, hãy thử dưỡng ẩm bằng kem que đông lạnh làm từ 100% nước trái cây vì nước trái cây giúp ngậm nước trong khi kem lạnh giảm đau.

 Bà bầu mắc tay chân miệng cần bổ sung chất lỏng thường xuyên để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Momlovebest.

Bà bầu mắc tay chân miệng cần bổ sung chất lỏng thường xuyên để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Momlovebest.

Viêm màng não

Mặc dù rất hiếm, một số người mắc HFMD có thể bị viêm màng não do virus, dẫn đến cứng cổ, đau đầu và sốt cao. CDC lưu ý trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương vì chúng có thể phát triển các triệu chứng nghiêm trọng do chúng có hệ thống miễn dịch yếu. Vì vậy, phụ nữ mang thai những tháng cuối thai kỳ cần chú ý phòng ngừa tay chân miệng.

Ngừa tay chân miệng cho bà bầu

Nếu thường xuyên ở gần trẻ nhỏ, bạn có thể tiếp xúc với bệnh tay chân miệng trong khi mang thai. May mắn là việc ngăn ngừa căn bệnh này tương đối đơn giản:

Thường xuyên rửa và sát trùng tay

Cách để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng và hầu hết bệnh do virus khác là duy trì thói quen rửa tay thường xuyên bao gồm sử dụng nước ấm và xà phòng trong 20 giây. Luôn rửa tay:

Trước khi bạn chuẩn bị đồ ăn và khi ăn.
Sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ.
Sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Sau khi ho, hắt hơi, xì mũi hoặc chạm vào chất dịch cơ thể.

Khử trùng các bề mặt hay chạm vào

Để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng như tay chân miệng, hãy đảm bảo giữ cho nhà bạn không có mầm bệnh bằng cách lau sạch các khu vực bề mặt có nhiều người qua lại, nơi vi khuẩn và virus có thể trú ngụ. Nếu ai đó trong nhà bạn bị ốm, đừng để khăn giấy, bát đĩa đã sử dụng hoặc những thứ họ đã sử dụng như màn hình hoặc điều khiển từ xa mà không được lau sạch.

Một số vật dụng cần đảm bảo bạn khử trùng bao gồm:

Tay nắm cửa và tay cầm trên tủ, tủ lạnh và vòi nước.
Màn hình bao gồm cả điện thoại di động và máy tính bảng.
Đồ chơi (đặc biệt là đồ chơi dùng chung).
Đồ dùng trên giường bao gồm vỏ gối.
Núm vú giả, đồ chơi cho trẻ mọc răng.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mac-tay-chan-mieng-khi-mang-thai-co-nguy-hiem-post1425423.html