Mạch ngầm lưu giữ và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống

Trân quý di sản cha ông để lại, những người nông dân chân lấm tay bùn, những nghệ sĩ không chuyên, văn nghệ sĩ đã và đang thực hiện những hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc theo cách riêng của mình. Điểm chung nhất ở họ là tình yêu nghệ thuật, đam mê sáng tạo và sự nhiệt huyết. Họ cũng là những cá nhân vinh dự được nhận Giải thưởng Đào Tấn năm 2023 dành cho các tập thể, cá nhân có tác phẩm sân khấu, văn hóa, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

CLB tuồng xã Thạch Lỗi biểu diễn vở “Thành hoàng quê tôi” phục vụ nhân dân trong xã. Ảnh: Đình Quý

CLB tuồng xã Thạch Lỗi biểu diễn vở “Thành hoàng quê tôi” phục vụ nhân dân trong xã. Ảnh: Đình Quý

Dồn tâm huyết phục dựng đội tuồng cổ

Bắt đầu được gây dựng trở lại từ năm 2021, những người nông dân chân chất ở vùng quê Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương mỗi tối lại tập trung ở hội trường UBND xã để sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) tuồng. Với những người nông dân này, tình yêu tuồng như nằm sẵn trong từng mạch máu của cơ thể, giúp họ duy trì hoạt động tập tuồng đều đặn mỗi tối, dù cả ngày đã mệt nhọc trên đồng ruộng.

CLB tuồng xã Thạch Lỗi là đơn vị nghệ thuật tuồng truyền thống hiếm hoi của tỉnh Hải Dương, ra đời từ những năm 1960. Được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ bậc thầy, Đoàn tuồng Liên khu 5 và Đoàn tuồng Bắc Trung ương, nay là “Nhà hát Tuồng Việt Nam” về chỉ dạy, dàn dựng hàng chục tiết mục tuồng truyền thống, lịch sử, hiện đại, một số vở diễn của CLB đã đoạt giải tại các hội diễn như Ngọn lửa Hồng Sơn, An Tư công chúa. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động, những năm đầu thế kỷ 21, thành viên của CLB gần như tản mát hết. Trong một thời gian dài, CLB gần như không còn hoạt động bởi các thành viên đều rất cao tuổi, lớp trẻ thì không mấy mặn mà.

Trước nguy cơ nghệ thuật hát tuồng của quê hương có thể biến mất, năm 2021, ông Hoàng Đình Quý cùng với những người yêu tuồng đã phục hồi lại CLB tuồng xã Thạch Lỗi theo cơ chế tự chủ. Ông Quý chia sẻ: “Thực ra, ở thời hiện đại, nói về nghệ thuật tuồng, giới trẻ không thích lắm, nhưng với tình yêu nghệ thuật tuồng, chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Hiện, CLB có 22 người tham gia, người cao tuổi nhất là 82 tuổi và trẻ nhất là 51 tuổi. Đa số anh chị em trong CLB đều làm nông nghiệp, ban ngày phải đi ra đồng, chỉ buổi tối, chúng tôi mới có thời gian rảnh để tập tuồng. Cả ngày đi làm mệt mỏi rồi nhưng vì yêu tuồng, ai cũng say mê luyện tập”.

Được sự khích lệ của vợ chồng Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, CLB tuồng xã Thạch Lỗi đã tập và biểu diễn thành công vở tuồng “Thành hoàng quê tôi”, ca ngợi chiến công của Tổng binh Lý Bảo Quốc và tấm gương tiết hạnh của bà Vũ Thị Hương là Thành hoàng làng do nghệ sĩ Lê Tiến Thọ sáng tác, dàn dựng. Ông Quý tâm sự: “Tuồng cổ rất khó hát. Chúng tôi may mắn được thầy Lê Tiến Thọ về truyền dạy, giúp chúng tôi hoàn thiện kỹ thuật hát và biểu diễn. Việc chuẩn bị cho vở diễn này rất công phu, nhất là về trang phục và đạo cụ, âm thanh... Thầy Thọ đã tự bỏ tiền túi (khoảng 140 triệu đồng để đầu tư), chúng tôi mới có thể ra mắt được vở tuồng này”.

Vui mừng vì thành công ban đầu, ông Quý không khỏi trăn trở, lo lắng về việc duy trì hoạt động của CLB. “Chúng tôi duy trì hoạt động của CLB bằng lòng nhiệt huyết của các thành viên. Mọi việc hiện giờ mới là khởi đầu. Khó khăn còn ở phía trước, nhất là phần kinh phí hoạt động. Điều đó thôi thúc chúng tôi phải tiếp tục cố gắng, lan truyền tình yêu nghệ thuật tuồng, có tác phẩm hay hơn, lôi cuốn các thành viên mới tham gia cùng giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương. Về phần mình, tôi sẽ hết lòng, hết sức đóng góp để CLB phát triển” - ông Quý tâm sự.

Đưa nghệ thuật múa rối nước ra thế giới

Trong số 15 cá nhân được tặng Giải thưởng Đào Tấn năm nay có nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người nổi tiếng với việc sáng tạo ra sân khấu múa rối nước thu nhỏ. Anh bày tỏ vui mừng khi nhận Giải thưởng Đào Tấn. Anh chia sẻ: “Giải thưởng giúp tôi có thêm động lực để theo đuổi nghệ thuật truyền thống vốn đang gặp rất nhiều khó khăn để đến được với công chúng”.

Sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm luôn thu hút đông khán giả đến xem. Ảnh: Ngọc Anh

Sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm luôn thu hút đông khán giả đến xem. Ảnh: Ngọc Anh

Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 trong dòng họ có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Anh dành nhiều thời gian thực hành và tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Anh nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người như đoàn rối của anh. Vậy là anh mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt vào năm 2000. Từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng lưu diễn khắp nơi trong nước, mà còn liên tục đi tới hơn 20 nước Á Âu, Mỹ, giới thiệu nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm còn mở một sân khấu múa rối nước ngay tại nhà riêng của mình (phố Khâm Thiên, thành phố Hà Nội) và một cơ sở mới tại quận Long Biên. Hai địa chỉ này đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách quốc tế, các em học sinh. Hằng ngày anh đều đặn đón khách du lịch nước ngoài tới xem biểu diễn. Đây không chỉ là nơi biểu diễn rối nước, mà còn là hai bảo tàng rối với hàng trăm nhân vật rối cổ của tiền nhân và các con rối mới do nghệ sĩ Phan Thanh Liêm tạo tác.

Tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống

Khác với các nghệ sĩ kể trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, họa sĩ Đoàn Thị Tình lại có những đóng góp rất quan trọng trong công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc. Bà được biết đến với các công trình nghiên cứu về trang phục của người Việt, hóa trang trong sân khấu tuồng, mỹ thuật sân khấu Việt Nam...

Kể từ cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về trang phục Việt mang tên “Tìm hiểu trang phục Việt Nam” ra đời năm 1987, đến nay, họa sĩ Đoàn Thị Tình đã cho ra mắt hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến mỹ thuật trang phục của Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, từ đời sống đến sân khấu, được giới chuyên môn đánh giá cao như: Trang phục Việt Nam; Trang phục Thăng Long - Hà Nội; Mặt nạ sân khấu tuồng; Tính dân tộc trong trang phục sân khấu; Mỹ thuật sân khấu tuồng truyền thống; Sắc phục thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.

Đặc biệt, tác phẩm nghiên cứu “Trang phục người Việt xưa - nay” được Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trao giải A năm 2019 và cuốn sách “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam” của bà đã được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao giải A ở hạng mục Sách nghiên cứu lý luận phê bình.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mach-ngam-luu-giu-va-phat-huy-van-hoa-nghe-thuat-truyen-thong-post461836.html