Mạch nguồn chảy mãi

Anh Ngọc

BPO - Văn hóa truyền thống là nền tảng tinh thần to lớn trong đời sống xã hội. Việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống thời gian qua được các đơn vị, cá nhân trong tỉnh thực hiện góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân luôn trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

“Giữ lửa” môn thể thao dân tộc

Dù đã lớn tuổi nhưng niềm đam mê với nỏ không hề giảm trong ông Điểu Nhiêm, trú thôn 2, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Ông luôn tìm tòi để cho ra đời những cây nỏ chắc chắn, đẹp mắt. Ông Nhiêm cho biết, nếu trước đây, nỏ chỉ được dùng trong săn bắn, tự vệ thì nay bắn nỏ đã trở thành môn thể thao truyền thống được nhiều người yêu thích, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần. Theo ông, từng cá nhân trong cộng đồng gìn giữ bộ môn truyền thống sẽ góp phần lưu truyền và phát huy giá trị môn thể thao của dân tộc. Với đặc điểm dễ chơi, không cần đầu tư nhiều, bắn nỏ thu hút nhiều người tham gia tập luyện, thi đấu. Đây cũng là bộ môn đề cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.

Bắn nỏ là môn thể thao dân tộc có sức hấp dẫn đặc biệt với ông Điểu Thết, người có uy tín ở thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (bìa trái) - Ảnh: Như Nam

Những năm qua, các môn thể thao dân tộc được huyện Bù Đăng không ngừng chú trọng giữ gìn và phát huy, gắn việc tổ chức các sự kiện văn hóa với các môn thể thao dân tộc. Vậy nên, bắn nỏ là bộ môn đang tạo được nét riêng qua việc lưu giữ, phát huy ở hộ gia đình. Anh Điểu Môn, ngụ thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng chia sẻ: Mình giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc để truyền lại cho con cháu. Những dụng cụ của môn bắn nỏ hoặc kỹ thuật… tất cả phải được lưu giữ và phát huy, vì đó là bản sắc của dân tộc, không để bị mai một.

Lưu giữ các giá trị truyền thống

Từ lâu, bộ cồng chiêng giá trị được ông Điểu Thết, người có uy tín ở thôn 1, xã Đồng Nai gìn giữ, quý trọng như một phần không thể thiếu trong gia đình. Bởi với ông, đây là bản sắc văn hóa truyền thống, là thứ gắn liền với đời sống, văn hóa của dân tộc. Ông cho biết, cồng chiêng là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa, văn hóa cồng chiêng cũng tạo nên nét đặc trưng riêng có. Vào dịp lễ hội hoặc những sự kiện quan trọng của địa phương, mỗi hộ gia đình có cồng chiêng đều mang ra đánh, âm thanh rộn ràng vang lên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào.

Tiếng cồng chiêng truyền từ đời này sang đời khác, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng người dân tộc thiểu số - Ảnh: Như Nam

Yêu văn hóa của dân tộc mình qua những bộ váy áo truyền thống, chị Thị Plét ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng thường xuyên dệt những tấm thổ cẩm để may áo mới cho con trẻ… Chị Thị Plét chia sẻ, nghề dệt thổ cẩm không biết có tự bao giờ. Nghề cứ truyền từ đời này sang đời khác cho đến nay. Đây là nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc. Chị Thị Plét cho hay: Khi người con gái trưởng thành là phải biết dệt thổ cẩm, vì đây là nghề truyền thống nên cần duy trì, phát huy. Tôi đã được bà, mẹ truyền dạy nghề từ nhỏ. Bây giờ, tôi cũng đang cố gắng truyền lại cho con cháu mình biết và giữ gìn nghề truyền thống.

Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm đã được khuyến khích khôi phục, phát triển trên địa bàn tỉnh - Ảnh: Trương Hiện

Đi qua những năm tháng, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đang ngày càng đổi thay tích cực. Ngoài lao động để cải thiện đời sống kinh tế, các hộ dân còn nỗ lực giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình. Với ông Điểu Oanh ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng việc duy trì nghề đan lát không chỉ để cải thiện đời sống gia đình mà còn nhằm truyền dạy cho thế hệ con cháu giữ gìn. Ông Oanh bộc bạch: Đan lát là nghề truyền thống của dân tộc nên tôi luôn giữ gìn vừa có thu nhập vừa để giữ nghề. Tôi cũng cố gắng truyền dạy cho con cháu, khuyên nhủ, động viên lớp trẻ làm, đừng bỏ nghề, vì đây là nét đặc trưng của dân tộc mình.

Gia đình ông Điểu Oanh ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng vẫn miệt mài với nghề truyền thống đan lát của dân tộc - Ảnh: Như Nam

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thời gian qua khẳng định quyết tâm giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa giản dị, gần gũi trong cuộc sống, góp phần định hướng thế hệ trẻ tiếp thu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã, đang cùng nhau lưu giữ và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Những giá trị, bản sắc độc đáo về văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên sức sống bền bỉ, được lưu truyền, bồi đắp phát triển qua bao đời nay, thấm sâu vào đời sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua mỗi lễ hội, nghề truyền thống hay dụng cụ sản xuất đặc trưng, người dân đều muốn thể hiện tình cảm, mang đậm dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, cũng như truyền lại cho thế hệ trẻ học tập, gìn giữ. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhằm giúp con cháu sau này hiểu, biết được phong tục, văn hóa của dân tộc, từ đó ra sức giữ gìn, phát huy.

Ông ĐIỂU MA LA CHI
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/147339/mach-nguon-chay-mai