Mái ấm của những em nhỏ bị bỏ rơi

Chùa Vĩnh ở thôn Liên Tân (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được biết đến là 'ngôi nhà' chung của nhiều em nhỏ bị bỏ rơi từ lúc mới chào đời. Ở nơi này, các cháu được lớn lên trong tình yêu thương, được quan tâm chăm sóc và học hành như bao đứa trẻ khác.

Sư thầy Thích Đồng Pháp. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Sư thầy Thích Đồng Pháp. Ảnh: Cẩm Kỳ.

Chùa Vĩnh là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở thôn Liên Tân, đây cũng là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhiều thế hệ người dân địa phương. Trải qua biến thiên của thời gian, chùa Vĩnh đã bị xuống cấp. Trước tình trạng đó, người dân địa phương đã lập nên một ban thờ tạm trong khuôn viên của chùa để thờ cúng, tụng kinh niệm Phật.

Sư thầy Thích Đồng Pháp cho biết, năm 2018, thầy về trụ trì chùa Vĩnh trong điều kiện rất khó khăn. Đất nhà chùa rộng nhưng gần như hoang hóa, cỏ dại ngập vườn. Không gian tâm linh chùa Vĩnh khi đó có gian chùa cổ đã xuống cấp, còn lại các hạng mục khác chưa có. Thậm chí, con đường đến chùa vẫn là đường đất ven ruộng lầy lội, đi lại khó khăn.

Thời gian đầu, do không có chỗ ở, sư thầy phải dựng tạm một ngôi nhà tranh để có chỗ che nắng che mưa, điều kiện sống thiếu thốn. Thế nhưng hàng ngày, một mình sư thầy vẫn cần mẫn quét dọn, trông coi chùa, phục vụ việc lễ bái của người dân địa phương.

Theo sư thầy Thích Đồng Pháp, khi về chùa Vĩnh, tâm nguyện là mong muốn được trông coi, phục dựng lại ngôi chùa. Nhưng rồi có sự hữu duyên, một bé trai còn đỏ hỏn bị bỏ lại ngay cửa chùa kèm thư ngỏ của mẹ cháu bé với nội dung: “Do hoàn cảnh bất hạnh không thể nuôi con, nhờ nhà sư cho cháu bé nương nhờ cửa Phật”.

“Khi đấy chùa đang rất khó khăn, thầy cũng chưa sẵn sàng giúp đỡ các bé, nhưng cũng vì lá thư của mẹ cháu đã khiến thầy cảm động. Từ cái tình mẫu tử của người mẹ không muốn rời bỏ con, chỉ vì một hoàn cảnh bất khả kháng nào đó, muốn con mình được một nơi bình an nên mới gửi vào chùa” - sư thầy Thích Đồng Pháp nói.

Cũng chính từ cơ duyên đó, nhiều trẻ đã được gửi đến nhà chùa sau khi đã báo cáo chính quyền địa phương. Hiện nay, nhà chùa đang nuôi 8 trẻ, cháu lớn nhất 4 tuổi, cháu nhỏ nhất chỉ mới 3 tháng tuổi. Mỗi em nhỏ là một số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung đều bị bỏ rơi, thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Mỗi bé có một tính nết riêng, có bé dễ lúc ăn, có bé khó lúc ngủ nên việc chăm sóc cho các cháu cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện tại chùa chỉ có mỗi mình sư thầy Thích Đồng Pháp, nên việc chăm sóc cho các bé hoàn toàn do một mình sư thầy tự tay đảm nhiệm. Thời gian đầu, sư thầy gần như mất ngủ bởi dành hết cả ngày lẫn đêm lo cho các bé. Từ việc thức giấc mỗi đêm để pha sữa, cho trẻ ăn, tắm rửa, thay tã, bỉm cho đến việc chăm các con khi ốm đau, nằm viện... đều một mình sư thầy làm rất chu đáo, cẩn thận.

Việc chăm sóc các bé khó khăn là thế, nhưng còn chi phí rồi nơi ăn ở, sinh hoạt cũng là một khó khăn rất lớn. Sư thầy Thích Đồng Pháp cũng phải đứng ra lo toan mọi việc, đi khắp nơi kêu gọi ủng hộ. Và cũng nhờ có sự chung tay giúp đỡ của các mạnh thường quân, phật tử ở khắp mọi miền, giúp đỡ, nên nhà chùa mới có kinh phí để lo cho các bé ăn học.

Sư thầy Thích Đồng Pháp cho biết, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, hiện nhà chùa đã làm được giấy khai sinh cho một số cháu theo đúng quy định pháp luật. Trong đó, có 2 cháu đến tuổi học mầm non đã được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Cảm động trước việc làm công đức của sư thầy, vài năm gần đây, nhiều phật tử, người dân ở trong vùng đã vào chùa phụ giúp sư thầy chăm sóc, nuôi nấng các em nhỏ.

Là phật tử tại địa phương, bà Trần Thị Thuần (74 tuổi, trú tại thôn Liên Tân) cảm phục tấm lòng nhân hậu, sự chịu khó của sư thầy khi một lúc chăm nuôi nhiều trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nên bà đã quyết định vào ở trong chùa để phụ giúp thầy. “Kinh phí chăm sóc các cháu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện nên rất khó khăn. Mặc dù vậy, sư thầy vẫn luôn động viên chúng tôi, dù thiếu thốn cũng phải cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng để các cháu nên người, có tương lai tươi sáng, trở thành người có ích cho xã hội” - bà Thuần nói.

Ông Nguyễn Xuân Diệu - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho biết, chùa Vĩnh giờ đây không chỉ là nơi bà con địa phương sinh hoạt văn hóa tâm linh mà đã trở thành mái ấm, nơi nương tựa cho những cháu bé kém may mắn. Tấm lòng thiện nguyện, việc làm nhân nghĩa của sư thầy và các phật tử tại chùa rất đáng trân trọng. Ngoài việc nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ em nghèo, nhà chùa cũng thường xuyên kêu gọi các nhóm thiện nguyện trao tặng quà, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Thượng Lộc và vùng lân cận.

Cẩm Kỳ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mai-am-cua-nhung-em-nho-bi-bo-roi-10282448.html