Mái ấm nghĩa tình tri ân những cựu thanh niên xung phong cao tuổi
Không chỉ là những căn nhà khang trang, chuơng trình hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho cựu TNXP tại Hà Nội đang mang đến cả sự ấm áp về tinh thần - như một lời tri ân lặng lẽ nhưng sâu sắc với những người từng cống hiến tuổi xuân cho đất nước.
Mỗi ngôi nhà một câu chuyện xúc động
Vào mùa mưa năm ngoái, căn nhà cũ dột nát của bà Hà Thị Lan - cựu thanh niên xung phong (TNXP) tại ngõ 23 Cát Linh là nỗi lo thường trực của gia đình. Nhưng chỉ 4 tháng sau, nhờ sự hỗ trợ từ Hội Cựu TNXP TP Hà Nội và các đoàn thể các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng và phường Cát Linh, bà đã có một nơi ở khang trang, sạch sẽ hơn.
Trong căn nhà tường mới trát, mái mới lợp, mùi vôi vữa còn chưa phai, bà Lan vừa rót chén trà mời khách vừa rưng rưng kể lại hành trình có được chốn nương thân như hôm nay.
"Tuổi già sức yếu, tôi tưởng đã phải sống trong cảnh chật chội mãi. Sự giúp đỡ của các hội không chỉ là vật chất, mà còn sưởi ấm tinh thần tôi, khiến tôi thấy mình không đơn độc", bà Lan xúc động.
Không riêng bà Lan, trong khu dân cư nhỏ này, còn có bà Lương Thị Cư - cũng là một cựu TNXP sống trong hoàn cảnh tương tự. Căn nhà cấp 4 của bà xuống cấp nặng, mái dột, nền bong tróc. Thế nhưng, sau nhiều năm âm thầm chịu đựng, đến nay, nhờ sự hỗ trợ từ Hội Cựu TNXP phường Cát Linh và các đoàn thể, bà Cư đã có một chốn đi về an toàn, vững chãi.
"Chúng tôi từng là những cô gái đôi mươi đi mở đường, phá đá, tải đạn… Những ký ức ấy không thể nào quên. Nhưng cuộc sống sau chiến tranh gặp nhiều gian truân, có người không lập gia đình, sống đơn chiếc, bệnh tật… Lúc này, sự quan tâm của tổ chức và cộng đồng chính là điểm tựa tinh thần lớn nhất", bà Cư xúc động chia sẻ.

Bà Hà Thị Lan (thứ 3 từ trái sang) xúc động khi nhận hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở từ Hội Cựu TNXP TP Hà Nội, quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, phường Cát Linh cùng các cơ quan đoàn thể (Ảnh: NVCC).
Chứng kiến niềm vui hiện hữu trên gương mặt từng người, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Cát Linh, không giấu nổi sự xúc động. Là một người trong cuộc - cũng từng khoác ba lô đi TNXP, từng chịu thương tật vì chiến tranh - bà Liên thấu hiểu hơn ai hết nỗi cô quạnh của những người đồng đội năm xưa khi trở về đời thường.
"Có chị chồng mất sớm, có người chẳng lập gia đình, sống trong căn phòng tối tăm, ẩm thấp… Đó không đơn thuần là những mái nhà cần sửa, mà là những mảnh đời cần sưởi ấm", bà Liên nói. Mỗi chuyến khảo sát, vận động, lo hồ sơ, giám sát công trình là một lần các cán bộ Hội như bà được sống lại những giá trị nghĩa tình, thủy chung của những năm tháng hào hùng.
Đại diện chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND phường Cát Linh cho biết: "Chăm lo cho người có công luôn là một ưu tiên trong chính sách an sinh xã hội của phường. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Hội Cựu TNXP, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ… để rà soát, xác minh, lên phương án hỗ trợ từng trường hợp cụ thể. Mỗi căn nhà sửa xong không chỉ giúp người dân an cư mà còn giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào sự đồng hành của chính quyền".
Tri ân bằng trái tim và hành động thiết thực
Không chỉ ở nội thành, chương trình "Nhà nghĩa tình" còn lan tỏa đến nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Bà Phùng Thị Nhung - cựu TNXP xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì - từng sống trong căn nhà xây từ năm 1980, đã sập sau một trận mưa bão.
Bà Nhung từng tham gia TNXP tại Lâm Đồng - Sông Bé từ năm 1976. Trở về quê hương, bà sống đơn thân, không việc làm ổn định, thường xuyên đau ốm. Trước hoàn cảnh đó, Hội Cựu TNXP TP Hà Nội và huyện Thanh Trì đã hỗ trợ xây mới cho bà một căn nhà cấp 4, rộng 40m².
"Đây không chỉ là ngôi nhà, mà là cả tấm lòng, là tình đồng đội, là sự đùm bọc giúp tôi vượt qua những năm tháng cuối đời", bà Nhung rưng rưng nói.

Bà Phùng Thị Nhung (đứng giữa) chung vui cùng với các cựu TNXP khi nhận bàn giao nhà mới (Ảnh: NVCC).
Theo ông Trần Văn Tré, Phó Ban chỉ đạo thường trực Hội Cựu TNXP TP Hà Nội, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024, Hội đã khảo sát 45 trường hợp, lên phương án xây mới và sửa chữa cho 10 gia đình cựu TNXP khó khăn. Trong năm 2025, với chủ đề "Đoàn kết - Nghĩa tình - Đổi mới - Phát triển", Hội đặt mục tiêu hoàn thành hỗ trợ 70 căn nhà nghĩa tình, hướng tới chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 20 năm thành lập Hội.
Những mái nhà mới, dù đơn sơ, nhưng lại chan chứa nghĩa tình, là hành động cụ thể thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách" và hơn hết, chính là cách thực hiện lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh trong chương trình "Xóa nhà tạm, nhà dột nát": Phải làm bằng cả trái tim, khối óc, có phân công rõ ràng và kết quả cụ thể.
Đó là cách xã hội hiện đại tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn, trao đi yêu thương để nhận về niềm tin, niềm tự hào của một dân tộc luôn biết trân trọng quá khứ.