Mái ấm Tư pháp: Trao gửi những yêu thương!
Đã thành thông lệ, hằng năm, Báo Pháp luật Việt Nam đều tổ chức hoạt động trao 'Mái ấm Tư pháp' cho cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn. Những mái ấm được trao là sự quan tâm, khích lệ, động viên của Báo, góp phần chia sẻ những khó khăn, để cán bộ làm công tác tư pháp ở cơ sở yên tâm công tác.
“Ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa”
Với mỗi người, ngôi nhà là tổ ấm thân thương, là nơi “bão dừng sau cánh cửa”. Bởi ở nơi ấy, họ có thể trút bỏ ưu phiền, để dành sự quan tâm, yêu thương cho những thành viên trong gia đình. Chị Nguyễn Thị Huệ (cán bộ tư pháp xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những cơn bão từ biển đổ bộ trước kia đã không dừng sau cánh cửa căn nhà cũ, lụp xụp của gia đình chị.
Theo lời chị Huệ, mỗi năm địa phương chị phải hứng chịu vài cơn bão với cấp bão mạnh nhất lên tới cấp 14, giật cấp 15 - 16. Mỗi lần bão về, vợ chồng chị lại lo lắng, bất an, không biết căn nhà xiêu vẹo có chống chọi được với bão không? May mắn giữ được nhà thì quần áo, đồ đạc cũng bị mưa hắt vào, ướt hết. Thậm chí có những lần, mọi người ngồi trong nhà nhưng vẫn “ướt như chuột lội” vì mái nhà đã bay đi đâu mất...
Khó khăn, vất vả, song chị Huệ vẫn cố gắng vượt qua để phục vụ người dân nơi đây. Bởi chị tâm niệm: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai”; “Sinh ra và lớn lên ở đảo thì phải cống hiến sức lực nhỏ bé của mình cho sự phát triển của đảo”. Thế nên, khi họ hàng, người quen bảo chị “hay bỏ đảo về đất liền sống đi”, chị đều lắc đầu.
Chị Huệ không phải người gốc đảo Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô. Theo lời kể, năm 1979, cha mẹ chị theo tiếng gọi của Nhà nước ra hòn đảo này làm kinh tế mới. Ngoài việc làm ruộng, ông bà còn đi bắt ốc, đi biển… để có tiền nuôi các con ăn học. Thương cha mẹ cực nhọc, chắt chiu sớm tối, chị Huệ cũng cố gắng học hành. “Phải kiên trì lắm tôi mới có được ngày hôm nay. Bởi khi đó điện, đường chưa có. Đường đi học ngày ấy chỉ là những lối mòn, nhiều bụi rậm, rắn rết…”, chị Huệ cho biết.
Sau khi học xong cấp 3, chị Huệ vào làm việc tại UBND xã Thanh Lân. Quá trình làm việc, ngoài đi tập huấn, chị Huệ còn tiếp tục “dùi mài kinh sử”, học trung cấp, rồi đại học luật để có kiến thức phục vụ người dân nơi đây tốt hơn. Năm 31 tuổi, chị Huệ nên duyên vợ chồng với chàng ngư dân có làn da rám nắng. Sau đó, chị sinh cho chồng những đứa con xinh xắn, kháu khỉnh. Tuy nhiên, vì các con còn nhỏ, thu nhập của hai vợ chồng lại thấp nên đến tận năm 2020, tổ ấm nhỏ vẫn phải sống trong căn nhà cũ, xiêu vẹo, “run rẩy” trước mưa bão.
Biết hoàn cảnh của chị, thông qua Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, Báo Pháp luật Việt Nam đã trao tặng “Mái ấm Tư pháp” trị giá 70 triệu đồng cho gia đình chị Huệ. Nhờ món quà trên cùng với việc vay mượn họ hàng, người thân, đến nay gia đình chị Huệ đã được sống trong ngôi nhà kiên cố, “bão dừng sau cánh cửa”.
Động lực phấn đấu vươn lên
Tương tự chị Huệ, anh Bùi Văn Kình (cán bộ tư pháp xã Quý Hòa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) cũng được trao “Mái ấm Tư pháp” trị giá 70 triệu đồng.
Anh Kình là người dân tộc Mường. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh Kình vẫn được cha mẹ cố gắng tạo điều kiện cho đi học cái chữ. Năm 1996, anh Kình vào công tác tại UBND xã Quý Hòa. “Lúc đó, các cô chú bảo tôi làm tư pháp. Nghe từ tư pháp, tôi thấy lạ lạ, vui nhưng rất lo, không biết mình có làm được không”, anh Kình cho biết.
Nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của thế hệ đi trước, anh Kình nhanh chóng bắt nhịp được với công việc của một cán bộ tư pháp. Để phục vụ người dân tốt hơn, anh Kình cũng tự trau dồi kiến thức từ sách vở, báo chí. Đến năm 2010, anh Kình đăng ký học Trung cấp Luật. Từ kiến thức ở trường luật và kiến thức thực tế, anh Kình đã tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân nơi đây cùng Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.
Ngoài ra, anh Kình còn tham gia tuyên truyền, hòa giải ở thôn xóm. Thậm chí, nhiều người còn đến tận nhà anh để nhờ anh tư vấn. “Ngày ấy, có một số cặp đôi, vì mâu thuẫn vợ chồng nên đến hỏi tôi về thủ tục ly hôn. Lúc đó, tôi lựa lời, để họ nói ra mâu thuẫn của mình. Nghe xong, tôi phân tích và đưa ra lời khuyên. Nghe xong, vợ chồng họ dắt tay nhau về. Đến giờ, các cặp đôi ấy vẫn sống cùng nhau rất hạnh phúc”, anh Kình vui vẻ cho biết.
Thấy chồng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng vợ anh Kình không một lời than vãn. Trái lại, chị luôn ủng hộ, động viên chồng cố gắng, nỗ lực hết mình vì công việc, vì người dân...
Năm 2020, gia đình anh Kình được trao “Mái ấm Tư pháp”. Trước đó, căn nhà sàn 3 thế hệ gia đình anh sống đã cũ, bị mối mọt, có nguy cơ sập. “Nếu không có món quà ý nghĩa của Báo, không biết đến bao giờ tôi mới có tiền sửa sang, làm lại nhà. Sự hỗ trợ của Báo là động lực để tôi cố gắng cùng gia đình, vay mượn thêm anh em, họ hàng, bạn bè làm căn nhà mới chắc chắn”, anh Kình cho biết.
Cũng được trao “Mái ấm Tư pháp” là anh Sùng Chíu (cán bộ tư pháp xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Là công chức tư pháp - hộ tịch của xã Tả Thàng nhưng cuộc sống gia đình anh Chíu gặp rất nhiều khó khăn. Bốn con nhỏ đau ốm liên miên, vợ anh làm nghề tự do, không có thu nhập ổn định. Đồng lương cán bộ, công chức của anh không đủ trang trải cuộc sống của gia đình và nuôi con ăn học.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc làm căn nhà mới vì không có tiền”, anh Chíu chia sẻ. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Sở Tư pháp tỉnh, Phòng Tư pháp huyện và lãnh đạo xã, anh Chíu được lựa chọn là một trong các cán bộ tư pháp - hộ tịch khó khăn được Báo Pháp luật Việt Nam và các mạnh thường quân hỗ trợ làm nhà. “Hiện nay gia đình tôi đã dần ổn định cuộc sống, có ngôi nhà khang trang, bảo đảm để gia đình chuyên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, yên tâm công tác và cống hiến”, anh Chíu nói.
Cũng như những cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn được nhận “Mái ấm Tư pháp”, anh Chíu gửi lời cảm ơn Báo, các mạnh thường quân đã chia sẻ với những khó khăn, vất vả của cán bộ làm công tác tư pháp ở cơ sở, chung tay giúp họ vững vàng trong cuộc sống và phục vụ tốt hơn cho công tác tư pháp.
Bà Bùi Thị Thúy Bình, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình:
“Hòa Bình là tỉnh miền núi, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều cán bộ, công chức ngành Tư pháp ở địa phương, mặc dù đã có thời gian công tác tương đối lâu nhưng vẫn gặp khó khăn về chỗ ở. Một số cán bộ chưa có nhà kiên cố, phải ở những căn nhà chật chội, lụp xụp, tạm bợ.
Nhờ Chương trình “Mái ấm Tư pháp” của Báo Pháp luật Việt Nam - Bộ Tư pháp, đến nay, rất nhiều cán bộ tư pháp gặp khó khăn về chỗ ở trên cả nước đã có nơi ở ổn định để an tâm công tác, phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Có thể nói, Chương trình “Mái ấm Tư pháp” là một hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc.
Những mái ấm được trao, đó là sự quan tâm, chia sẻ, là niềm khích lệ, động viên lớn lao của Báo Pháp luật Việt Nam với cá nhân những người được nhận cũng như cán bộ khó khăn trong ngành Tư pháp nói chung. Cảm ơn Báo Pháp luật Việt Nam vì đã có sự quan tâm sâu sắc và hỗ trợ thiết thực cho cán bộ công chức tư pháp có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hòa Bình”.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai:
“Chương trình “Mái ấm Tư pháp” của Báo Pháp luật Việt Nam là một chương trình rất ý nghĩa, giàu tính nhân văn đối với ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai nói riêng.
Năm 2020, Báo đã trao “Mái ấm Tư pháp” trao cho anh Sùng Chíu, cán bộ tư pháp xã Tả Thàng, huyện Mường Khương, Lào Cai. Nhờ món quà trên, đến nay gia đình anh Chíu đã được sống trong ngôi nhà kiên cố, ấm cúng.
Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, nhiều cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình của Báo, để ổn định cuộc sống, có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội. Món quà của Chương trình là sự khích lệ, động viên và cũng là động lực để những cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên”.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mai-am-tu-phap-trao-gui-nhung-yeu-thuong-post480690.html