Mai một nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nam Hưng

Những bãi dâu xanh mướt xưa kia thì nay thành vườn hoang, cỏ dại mọc um tùm. Nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Nam Hưng (Nam Sách) đang bị mai một.

Gia đình ông Mạc Văn Hải ở thôn Trần Xá đã chuyển sang trồng hành lá thay thế trồng dâu vì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn

Gia đình ông Mạc Văn Hải ở thôn Trần Xá đã chuyển sang trồng hành lá thay thế trồng dâu vì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn

Giá trị kinh tế thấp

"10 năm về trước, giá bán kén tằm là 100.000 đồng/kg nhưng đến 10 năm sau, giá kén tằm chỉ còn 80.000 đồng/kg. Người dân khó duy trì một nghề không có hiệu quả kinh tế cao mà đầu ra lại bấp bênh", ông Mạc Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng chia sẻ.

Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2018 có lẽ là thời hoàng kim của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Nam Hưng. Thời ấy, bên cạnh triền đê sông Kinh Thầy xanh mướt những bãi dâu non, người mua kén tằm tấp nập khắp đường làng. Nhiều hộ dân đã từng thu về hàng trăm triệu mỗi năm, phất lên nhờ nghề nuôi tằm. Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu giống tơ tằm Trung ương đưa giống dâu lai mới về địa phương mở ra hy vọng vực dậy nghề truyền thống nơi đây. Năm ấy, bà Nguyễn Thị La ở thôn Trần Xá là Trưởng ban điều hành mô hình “Phụ nữ Trần Xá trồng dâu nuôi tằm” lên tận tỉnh Yên Bái học hỏi cách trồng giống dâu VH14 để về phổ biến cho người dân. Không lâu sau đó, những ruộng dâu xanh ngắt một màu trải dài bãi bồi ven đê, đem đến sức sống mới cho làng nghề. Giống dâu mới lá to, bản dày cho năng suất kén tằm cao nhưng nhu cầu thị trường lại ngày càng giảm mạnh.

Trước đây, kén tằm ở xã Nam Hưng được thị trường một số tỉnh miền Nam và Trung Quốc ưa chuộng. Giờ đây, khi các tỉnh khác có khí hậu tốt cũng nuôi trồng, xuất ra thị trường sản lượng kén lớn thì thị trường của kén tằm Nam Hưng bị thu hẹp. Hiện kém tằm ở đây chủ yếu xuất sang tỉnh Bắc Ninh. Ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cục bộ, môi trường ô nhiễm khiến việc nuôi tằm càng nhiều rủi ro. Tằm là một sinh vật rất nhạy cảm, một trận mưa có nồng độ axit cao ngấm vào cây dâu cũng khiến tằm ăn vào bị chết. Nghề mộc phát triển cũng kéo theo ô nhiễm môi trường khiến nghề nuôi tằm tàn lụi.

Hiện xã Nam Hưng chỉ còn hơn 1,5 ha trồng dâu phục vụ nuôi tằm

Hiện xã Nam Hưng chỉ còn hơn 1,5 ha trồng dâu phục vụ nuôi tằm

Chỉ còn 4 hộ làm nghề

Năm 2019, toàn xã Nam Hưng có 84 hộ theo nghề với hơn 10 ha trồng dâu nhưng đến nay chỉ còn 4 hộ với hơn 1,5 ha dâu. Nhìn những bãi dâu xanh mướt nay chỉ toàn cỏ dại, nhiều người đi qua nuối tiếc nhớ về cảnh sắc tươi đẹp khi xưa. Một vài người trong làng tận dụng hái quả dâu về bán, làm mứt dâu... Những thửa ruộng trồng các loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao hơn như hành lá, cải bẹ, chuối... mọc lên dần xóa sổ cây dâu. Lác đác ven đê chỉ còn một vài sào dâu mới của 4 hộ còn theo nghề. Du khách đến đây thích thú được vãn cảnh, hái dâu ở vườn hoang ăn, còn người dân Nam Hưng lại hoài niệm một nghề truyền thống đã mai một.

"Nặng lòng với nghề trồng dâu nuôi tằm cha ông để lại lắm nhưng vì giá trị kinh tế không cao, đầu ra bấp bênh nên khó duy trì. Người dân đành chuyển đổi canh tác mô hình khác để tăng thu nhập. Tôi thì vẫn cố bám trụ với nghề như muốn níu giữ nét truyền thống của quê hương, một phần trang trải cuộc sống và ấp ủ hi vọng một ngày nào đó nghề trông dâu nuôi tằm sẽ được khôi phục ở Nam Hưng", bà Đoàn Thị Nga, một hộ còn nuôi tằm ở thôn Trần Xá, xã Nam Hưng tâm sự.

Thấy được những khó khăn của mô hình trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ bỏ nghề, những hộ đang nuôi cũng không có kế hoạch nhân rộng thêm. Xã khuyến khích người dân chuyển sang các mô hình khác có hiệu quả. Những hộ đang nuôi cố gắng duy trì theo hướng liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm để chờ cơ hội phục hồi.

PHẠM TUYẾT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/mai-mot-nghe-trong-dau-nuoi-tam-o-nam-hung-198158