Mai này Phan Thiết sẽ đẹp hơn!

Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với hướng tiếp cận mới, có tầm nhìn dài hạn, nhằm phát huy hiệu quả các lợi thế của tỉnh, làm căn cứ khoa học và thực tiễn cho việc tổ chức không gian lãnh thổ kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của cả nước.

Mục tiêu và tầm nhìn

Theo quy hoạch, trong tương lai TP. Phan Thiết bên bờ biển xanh sẽ khang trang và đẹp hơn với nhiều không gian mới. Là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trung tâm vùng phía Nam của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ; đô thị hạt nhân trung tâm vùng tỉnh Bình Thuận; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Một góc trung tâm Phan Thiết

Khu rừng rừng sinh thái ngập mặn giữa lòng thành phố.

Xây dựng TP. Phan Thiết xứng tầm là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật, là thành phố động lực phát triển của tỉnh; có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đến năm 2025, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Đến năm 2030, TP. Phan Thiết phát triển với nền kinh tế xanh bền vững, trọng tâm là phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch biển, trung tâm thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.

Tạo động lực phát triển

Theo định hướng quy hoạch của tỉnh: Phan Thiết sẽ phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch chất lượng cao tầm khu vực và quốc tế. Phát triển mạnh mẽ thương hiệu du lịch Mũi Né; từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Tiến Thành. Phối hợp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đầu tư cải tạo các công viên biển, bãi tắm công cộng theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường (bãi tắm khu vực Tiến Thành, Công viên Thương Chánh, Công viên Đồi Dương). Hình thành trung tâm mua sắm, giải trí hiện đại tại trung tâm thành phố, du lịch cao cấp ven biển, thể dục thể thao cao cấp. Phát triển các dịch vụ giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với giữ gìn vệ sinh môi trường tự nhiên và xã hội.

Phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối trong đô thị và từ đường bộ cao tốc, cảng hàng không Phan Thiết đến Khu du lịch Tiến Thành, Khu du lịch quốc gia Mũi Né và trung tâm thành phố...

Đường 706B kết nối với Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Đường 706B kết nối với Khu du lịch quốc gia Mũi Né

Tạo ra điểm nhấn đặc trưng giữa đô thị

Phát triển không gian gắn với các trục, tuyến hành lang kinh tế ven biển, ven hệ thống các sông, đảm bảo khả năng liên kết, hỗ trợ, tiến tới hợp thành một tổng thể không gian có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội hoàn thiện theo tiêu chí hướng tới chất lượng hạ tầng đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có môi trường bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đối với khu vực nội thị: Hình thái không gian đô thị phát triển theo chiều sâu về phía đất liền, tăng khả năng kết nối, hỗ trợ qua lại giữa các khu vực còn yếu. Tiếp tục nâng cấp một số tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, mở mới các trục đường chính, đường vành đai đô thị theo các quy hoạch đã có. Phát triển hệ thống thoát nước, cấp nước cho các khu vực trong thành phố; hoàn thiện việc xử lý rác thải, mạng lưới thu gom rác, hệ thống nghĩa trang cho nhân dân.

Ven 2 bờ sông Cà Ty sẽ được tôn tạo gìn giữ không gian lịch sử

Ven 2 bờ sông Cà Ty sẽ được tôn tạo gìn giữ không gian lịch sử

Với khu vực ngoại thị: Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới; mô hình phát triển theo hướng kết hợp cải tạo không gian cũ với phát triển mới các điểm dân cư nông thôn, phát triển dịch vụ du lịch hiện đại, cơ sở hạ tầng đồng bộ, giữ gìn và bảo vệ môi trường. Duy trì các hoạt động sản xuất vốn có khi chưa có nhu cầu đô thị hóa.

Nâng cấp, xây mới nhằm nâng cao chất lượng hệ thống công trình hạ tầng xã hội toàn thành phố. Khai thác bố trí một cách hợp lý các công viên cây xanh, quảng trường công cộng trong các khu dân cư mới, khu dân cư hiện hữu. Đặc biệt chú trọng, khai thác không gian cây xanh quảng trường công cộng ven sông và ven biển. Duy trì và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực sông Bình Lợi, không bố trí giao thông cơ giới lớn chia cắt không gian rừng ngập mặn và sông. Phát triển mạnh không gian công cộng, dịch vụ ven biển. Thu hút các dự án khách sạn, khu resort nghỉ dưỡng đa dạng về hình thái kiến trúc tuy nhiên không được chiếm dụng không gian biển để khai thác dịch vụ dạng tư nhân hóa. Bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ không gian đô thị lịch sử hai bên bờ sông Cà Ty. Tạo ra điểm nhấn đặc trưng giữa đô thị ven biển và ven sông, làm đa dạng các mặt tiền của thành phố. Với hệ thống kè gia cố các khu vực sạt lở cần được đánh giá cụ thể từng khu vực để không làm mất bãi cát, ưu tiên các giải pháp kè kỹ thuật chắn sóng, giảm sóng làm tăng được diện tích bãi cát. Không gian ven biển tối đa hóa diện tích không gian công cộng dành cho cộng đồng. Không giảm diện tích rừng phòng hộ tại các khu vực ven biển, khuyến khích trồng thêm rừng tại các khu vực thuận lợi.

Ưu tiên các giải pháp kè kỹ thuật chắn sóng; du khách thăm Suối Tiên.

Ưu tiên các giải pháp kè kỹ thuật chắn sóng; du khách thăm Suối Tiên.

Đối với những không gian ven biển như khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, mật độ xây dựng hiện hữu đã dày đặc, khuyến khích thực hiện các dự án thu hồi lớp dân ven biển để tổ chức được không gian cho người dân và khách du lịch có thể tiếp cận trực tiếp với biển, bên cạnh đó, tổ chức tái định cư tại chỗ những hộ dân một cách hợp lý để người dân có thể yên tâm phát triển kinh tế.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mai-nay-phan-thiet-se-dep-hon-104521.html