Mãi ngân xa câu hát Đang Mường

Làn điệu Đang Mường thiết tha, uyển chuyển, chứa đựng bao ước mơ, khát vọng của người Mường về một đời sống ấm no, tình người đằm thắm, quyện hòa tình yêu quê hương, xứ sở - là nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang theo niềm tự hào của biết bao thế hệ cộng đồng người dân tộc Mường. Để bảo tồn, lưu giữ và phát triển giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc này, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Mường trên địa bàn huyện Phù Yên nhằm từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ (CLB) dân ca truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Các học viên tham gia lớp tập huấn, truyền dạy dân ca dân tộc Mường. Ảnh: Thủy Lê

Các học viên tham gia lớp tập huấn, truyền dạy dân ca dân tộc Mường. Ảnh: Thủy Lê

Khơi dậy tình yêu văn hóa dân gian dân tộc Mường

Đồng bào dân tộc Mường có dân số đứng thứ 4 ở Sơn La, cư trú chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, dọc theo sông Đà. Nếu như đồng bào Thái có làn điệu Khắp, đồng bào Khơ Mú có hát Tơm, thì đồng bào Mường lại kiêu hãnh với làn điệu Đang Mường ngân nga, bay bổng, ngập tràn sức sống. Điệu Đang Mường chứa đựng trong nó những giá trị nhân văn cao đẹp, dạy cho con người hướng tới những điều tốt đẹp, chân chính, nâng cao những giá trị chân-thiện-mĩ, phê phán những thói hư, tật xấu. Đây cũng là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của đồng bào Mường, được ra đời từ rất sớm và song hành với sự hình thành, phát triển của cộng đồng dân tộc Mường. Người Mường không giới hạn không gian hay thời gian hát, có thể hát thâu đêm, suốt sáng trong những dịp anh em bạn bè, người thân lâu ngày gặp lại; hay những dịp lễ, Tết. Hai bên thường đối đáp qua lại rồi mời nhau uống rượu, chúc nhau sức khỏe, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, năm mới an lành, hạnh phúc.

Tham gia lớp tập huấn, truyền dạy dân ca Mường lần này có 60 học viên người dân tộc Mường đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Phù Yên. Các học viên đã được các nghệ nhân am hiểu văn hóa Mường phổ biến, truyền đạt cách thức thể hiện các làn điệu dân ca Mường đặc sắc như "Đang Nếp", "Đang Ảng" và "Đang Vần Va"... Cùng với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La, những người yêu Đang Mường ở Phù Yên đang nỗ lực làm khơi dậy tình yêu bản làng, yêu văn hóa dân gian dân tộc Mường cho thế hệ con cháu mai sau. Những lời ca, tiếng hát từ các nghệ nhân đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, nhắc nhở thế hệ trẻ luôn tự hào về làn điệu Đang Mường, từ đó, phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, để Đang Mường sống mãi với thời gian.

Tại lớp tập huấn, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng - người am hiểu văn hóa Mường tham gia truyền dạy tâm sự, ông đến với Đang Mường, Ví Mường, Mo, Mợi Mường từ năm 15 tuổi. Đến nay, nghệ nhân đã sưu tầm cho mình một kho tàng tri thức, kỹ năng trình diễn Đang Mường trong sinh hoạt thường ngày, lao động sản xuất, phong tục tập quán và các nghi lễ truyền thống của người Mường. Ông cũng sáng tác, biên soạn hàng trăm tác phẩm biểu diễn và đoạt nhiều giải cao tại các hội thi, hội diễn ở trong và ngoài tỉnh. “Điệu Đang Mường được ra đời cùng với quá trình lao động sản xuất của người Mường, nó cũng thể hiện khát vọng mãnh liệt của đồng bào về một cuộc sống tốt đẹp, vươn tới chân - thiện - mĩ” - Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng nhấn mạnh.

Hiện nay, tại các bản làng xa xôi, những chàng trai, cô gái Mường lớn lên ít được nghe tiếng Đang trong những dịp Tết, cưới hỏi, mừng nhà mới, tiếng chiêng, tiếng cồng trong bản cũng ít dần đi... Vì thế, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng luôn nỗ lực tham gia các buổi truyền dạy biểu diễn dân ca dân tộc Mường tại các lớp tập huấn hạt nhân văn nghệ do xã, huyện, tỉnh tổ chức nhằm góp phần gìn giữ, truyền thụ và nhen nhóm tình yêu dân ca cho thế hệ trẻ Mường. Với ông, niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đó là mang tâm huyết của mình trao truyền lại cho các em học sinh dân tộc Mường trên địa bàn, để từ đó giúp cho thế hệ trẻ trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu của cha ông.

“Tuy lúc đầu còn bỡ ngỡ, nhưng qua thời gian ngắn truyền dạy và luyện tập, hầu hết các học viên đã nắm bắt được những làn điệu cơ bản, hát được các làn điệu dân ca thường được người Mường sử dụng trong các dịp giao lưu, biểu diễn trong các dịp Tết, lễ hội, đám cưới. Mong rằng các học viên khi trở về địa phương sẽ tiếp tục phát huy, duy trì việc tập luyện các làn điệu Đang Mường đã được học, bởi các làn điệu Đang Mường là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc Mường" - Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng khẳng định.

Tự hào vùng đất thấm đẫm văn hóa truyền thống

Phù Yên là huyện có đông bào dân tộc Mường sinh sống, chiếm 43% dân số toàn huyện. Dân ca của người Mường ở Phù Yên mang vẻ đẹp trong sáng, bình dị nhưng lại có sức sống vô cùng mãnh liệt, đa dạng về giai điệu, cô đọng, súc tích về nội dung và đã trở thành nét văn hóa độc đáo, được cộng đồng dân tộc Mường giữ gìn, phát huy trong đời sống qua nhiều thế hệ. Cũng chính vì thế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Phù Yên luôn quan tâm với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường. Đặc biệt, tại xã Mường Thải - vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, đã thành lập CLB Đang Mường từ năm 2016.

Các thành viên CLB Đang Mường xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La say sưa luyện tập. Ảnh: Thủy Lê

Các thành viên CLB Đang Mường xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La say sưa luyện tập. Ảnh: Thủy Lê

Bà Triệu Thị Phai, phụ trách CLB Đang Mường xã Mường Thải cho biết: “Hiện nay, CLB có 40 thành viên, người cao tuổi nhất hơn 60 tuổi, người ít nhất là 10 tuổi. Mặc dù có nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng tất cả các thành viên đều có chung một niềm đam mê đối với làn điệu Đang Mường. Sau vụ mùa sản xuất, các thành viên có thời gian sưu tầm, dàn dựng, khôi phục lại các làn điệu dân ca cổ, tổ chức biểu diễn vào dịp lễ, tết, ngày cưới, lên nhà mới của người dân trong bản”.

Em Hà Gia Phúc, sinh năm 2013, thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB Đang Mường xã Mường Thải, cũng là thành viên tham gia lớp tập huấn lần này chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã được bà nội, mẹ hát cho nghe những làn điệu Đang Mường nên nó đã thấm sâu vào tâm trí em từ lúc nào không biết. Em đang là thành viên của CLB Đang Mường xã Mường Thải và lần này tham gia lớp tập huấn, được Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng, nghệ nhân Đinh Thùy Thương truyền dạy các làn điệu Đang Mường. Qua 7 ngày học tập, em đã có thể múa, hát được những làn điệu cơ bản của Đang Mường như "Đang Nếp", "Đang Vần Va"... Em mong muốn tìm hiểu, học tập thật nhiều làn điệu dân ca Mường từ những bậc tiền bối để góp phần lưu giữ, giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa Mường đến với bạn bè trên mọi miền Tổ quốc”.

Chị Đinh Thị Uyên, xã Bắc Phong tiết lộ: “Khi biết có lớp truyền dạy Đang Mường, tôi đã vận động nhiều chị em khác đăng ký tham gia để có cơ hội giao lưu, thổ lộ tâm tư, tình cảm qua tiếng hát mượt mà, đằm thắm của các làn điệu Đang. Tôi mong rằng, thời gian tới, các cấp ngành và địa phương ở Phù Yên tạo điều kiện hơn nữa để các chuyên gia, nghệ nhân tham gia bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Mường, đồng thời, có chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân tâm huyết, truyền dạy và phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường tới đông đảo nhân dân”.

Được tham gia học các làn điệu Đang Mường do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La tổ chức, chị Uyên càng thấy tự hào, càng yêu hơn những làn điệu dân ca Mường của dân tộc mình và mong muốn được học tập, giao lưu nhiều hơn nữa để hiểu thêm vẻ đẹp rực rỡ của làn điệu Đang Mường. Chị cũng mong muốn sau này sẽ trở thành một nghệ nhân để truyền dạy cho thế hệ trẻ Mường tại bản làng của mình. Bởi thông qua lời ca Đang Mường, mỗi người sẽ hiểu nhau hơn, trao cho nhau những gì tốt đẹp và cùng nhau xây dựng quê hương, bản làng giàu đẹp. Bà Ninh Thị Tâm Bình, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Phù Yên cho biết: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các nhà chuyên môn, tổ chức, cá nhân nghiên cứu bảo tồn, truyền dạy, giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc Mường trong cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để đưa các giá trị văn hóa trở thành sản phẩm du lịch. Đồng thời, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có công phổ biến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường”.

Có thể khẳng định, việc tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Mường, đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, mà còn nâng cao đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại cơ sở, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mai-ngan-xa-cau-hat-dang-muong-post478505.html